Nhìn sâu từ bên trong nội bộ Trung Quốc, có nhiều thông tin cho thấy tại hội nghị G20, Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để các nước không thảo luận về tình hình Biển Đông, cũng như phán quyết mới đây của Tòa trọng tài, hoặc nếu có thì cũng ở mức nhạt nhòa…
Tại hội nghị thượng đỉnh kinh tế G20 diễn ra trong hai ngày 5 và 6-9, được tổ chức lần đầu tại Trung Quốc, Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình cao giọng tuyên bố: Kinh tế toàn cầu đang ở một “thời điểm quan trọng” do thị trường có nhiều biến động và thương mại vô cùng yếu ớt. Cho nên cần phải chống lại các rủi ro và thách thức đối với các nền kinh tế thế giới. Cộng đồng quốc tế kỳ vọng cao vào hội nghị G20 tại Hàng Châu.
Nói đến đây thì đúng bài rồi. Nhưng ông Tập bồi thêm, có ý nhắc nhở các đối tác tránh nói chuyện sáo rỗng khi bàn về những nỗ lực để thúc đẩy thương mại.
Vấn đề là ai thường nói những điều sáo rỗng?
Ông Tập thừa biết, trước khi cuộc họp G20 khai mạc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo có khả năng Quỹ này sẽ hạ mức tín nhiệm về dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa trong năm 2016. Và trong sự rối loạn của kinh tế, chính Trung Quốc là nước thường xuyên bị cáo buộc đã tìm mọi cách dựng nên các rào cản thương mại, thay vì tìm cách hạ các rào cản này xuống.
Đó là chuyện kinh tế. Còn chuyện đối ngoại, an ninh, quốc phòng, thì sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục 7 Công ước quốc tế về luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, thế giới đang nhìn vào những hành động phớt lờ, ngang ngược, bất chấp pháp luật của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Một điểm đáng chú ý, đây là hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thay vì sự đón tiếp đàng hoàng, mặn mà đối với một cường quốc lớn, đối thủ bá chủ thế giới với mình, Trung Quốc có vẻ như ghẻ lạnh. Từ chuyện không cho xe thang ra máy bay đón Tổng thống Mỹ, không trải thảm đỏ trên thang, đến những cuộc cãi vã om sòm của nhân viên an ninh nước chủ nhà tại sân bay đã khiến cho không khí trước hội nghị có phần căng thẳng, u ám. Điều đó chỉ làm mất uy tín của chủ nhà mà thôi.
Tuy rằng sau đó, phát biểu tại cuộc họp báo, chính Tổng thống Mỹ Ôbama đã thanh minh cho Bắc Kinh rằng, không nên thổi phồng những chuyện nhỏ trong lúc đón tiếp mà ảnh hưởng đến chuyện lớn ở hội nghị G20. Có những điều mà chính phía Mỹ đề nghị và Trung Quốc đã làm đúng như vậy. Và rồi đêm ấy ông Tập đã cùng ông Ô đi dạo ở Hàng Châu, dưới bóng những hàng cây ngô đồng cổ thụ, thưởng trà ô long, bàn chuyện đại cục. Nghe thế thì biết thế. Người ta khen ông Ôbama cao cờ, nhưng vẫn chưa hết hoài nghi về cái sự tiểu nhân xưa nay, muốn làm cho “người khổng lồ” bẽ mặt, của ông Tầu!
Vẫn nói chuyện ai là kẻ sao rỗng.
Trong khi nguyên thủ của các nước tham gia hội nghị bàn thảo, tranh luận nảy lửa về các vấn đề cần phải làm mọi việc khẩn trương nhất để cùng nhau thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cần phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng thép toàn cầu, các rào cản thương mại và các cuộc đàm phán Brexit của Vương quốc Anh. Cần phải tìm ra những hệ lụy của Brexit liên quan đến châu Âu, v.v.. thì Trung Quốc rặt nói những điều chung chung. Đặc biệt, họ đề nghị không đưa vấn đề Biển Đông ra bàn vì “lạc đề”.
Thế những theo nhiều nhà phân tích quốc tế, tại G20 lần này, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ không thể không thảo luận phán quyết của Tòa trọng tài đưa ra giữa tháng trước, bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước lớn cũng như các nước liên quan không thể không quan ngại về diễn biến tiếp tục phức tạp hiện nay trên biển. Hội nghị G20 cần phải ra lời tuyên bố kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không. Đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông phải tìm kiếm con đường giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động quân sự, thậm chí Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã phát động chiến tranh nhân dân trên biển. Sắp tới sẽ là cuộc tập trận chung trên biển giữa Nga và Trung Quốc.
Các nội dung này đã được một số thành viên chủ chốt của G20 như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italya và Canada nêu rõ trong tuyên bố sau cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5 mới rồi. Các nước đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp hòa bình. Tuyên bố của nhóm G7 đã khiến Trung Quốc nhảy dựng lên.
Nhìn sâu từ bên trong nội bộ Trung Quốc, có nhiều thông tin cho thấy tại hội nghị G20, Bắc Kinh sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để các nước không thảo luận về tình hình Biển Đông, cũng như phán quyết mới đây của Tòa trọng tài, hoặc nếu có thì cũng ở mức nhạt nhòa. Bởi vì Trung Quốc muốn người dân nước này và người dân trên thế giới thấy rằng, họ đã đạt đến mức một cường quốc và họ có thể tổ chức hội nghị G20 thành công lèo lái hội nghị bằng ý chí của họ (!).
Nếu thành công, đây sẽ là sự chuẩn bị để Trung Quốc leo thang căng thẳng tại Biển Đông sau hội nghị G20. Đều này diễn ra trong bối cảnh Mỹ phải tập trung cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11. Trung Quốc sẽ hoàn toàn rảnh tay trên Biển Đông, thậm chí có thêm sức mạnh từ sự ùng hộ của Nga và một vài kẻ anh hùng rơm khác ở Đông Nam Á.
Điều gì xảy ra tại G20? Hãy chờ xem!
Chỉ có điều dù nước chủ nhà tuyên bố tránh sự sáo rỗng, nhưng sự thật đã phơi bày: Chính Trung Quốc là kẻ sáo rỗng nhất. Điều này phù hợp với bộ mặt tinh thần giả dối của họ xưa nay: Trước sau họ chỉ có một tư tưởng chỉ đạo là chủ nghĩa đại dân tộc; một chính sách ích kỷ dân tộc; một mục tiêu chiến lược là chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn.