Trong thời gian diễn ra hội nghị G20 tại Trung Quốc, giới chính trị nước Anh mong muốn Thủ tướng nước họ lên tiếng với chính quyền Trung Quốc về nạn thu hoạch nội tạng ở nước này.
Tờ Huffington Post của Anh đưa tin Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh, cùng các Nghị sỹ của Hạ viện, Thượng viện và tất cả các đảng phái sẽ tổ chức buổi công chiếu bộ phim tài liệu “The Bleeding Edge” do Hoa hậu Canada, cô Anastasia Lin, thủ vai chính. Cho dù đây không phải là bộ phim hoành tráng, nhưng miêu tả thực trạng khủng khiếp và đau lòng về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc ngày nay.
“Thu hoạch nội tạng” nghe có vẻ vô hại nhưng sự thật trần trụi đó là tình trạng cưỡng bức cắt bỏ các lá gan, thận, tim, phổi, và giác mạc của các tù nhân lương tâm trong khi họ vẫn còn sống. Những tù nhân đó đa phần là các học viên Pháp Luân Công, một môn rèn luyện tinh thần của Phật gia thực hành theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Ngoài ra, các nạn nhân khác gồm những tín đồ Thiên Chúa giáo và các nhà sư Tây Tạng. Họ bị mổ sống, lấy đi các nội tạng giá trị, sau đó bị giết chết.
Đầu năm nay, Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ nước Anh đã tổ chức một buổi điều trần về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và đưa ra bản báo cáo mới – “The Darkest Moment” (Giây phút đen tối nhất). Tại đó, diễn viên người Canana, cô Anastasia Lin, và ông Ethan Gutmann, đồng tác giả của báo cáo “Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát” đã đưa ra những chứng cớ tiết lộ về thực trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức xảy ra ở Trung Quốc trên quy mô lớn.
Sau đó, Ủy ban này đã tổ chức buổi lắng nghe cụ thể hơn về vấn đề này từ cô Lin, ông Gutmann và luật sư nhân quyền David Matas, cùng bác sỹ phẫu thuật Enver Tohti, người thừa nhận đã từng tiến hành phẫu thuật lấy nội tạng của một tù nhân đang sống.
Bộ phim “Bleeding Edge” trình chiếu tại Anh cùng lúc với chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Theresa May, tiếp theo hội nghị G20 tại Hàng Châu. Giới chính trị ở Anh cho rằng bà Theresa May nên đưa vấn đề thu hoạch nội tạng vào danh sách các vấn đề quan ngại trong quan hệ Anh – Trung. Trước đó bà May đã có những bước đi thận trọng trong quan hệ với nước này khi trì hoãn dự án điện hạt nhân Hinkley Point.
Cho dù nước Anh rút khỏi Cộng đồng châu Âu và đang cần tìm các quan hệ thương mại mới, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng giới chính trị ở Anh cho rằng không nên đánh đổi mối quan hệ đó bằng mọi giá. Đồng thời họ cũng cho rằng nước Anh nên cùng các nước khác yêu cầu Liên Hợp Quốc thành lập một ủy ban điều tra về tình trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Ngoài ra, nước Anh cũng cần ban hành lệnh cấm người dân du lịch sang Trung Quốc để ghép nội tạng.
Diễn viên Anastasia Lin nói tại buổi điều trần ở Anh rằng: “Vấn đề này buộc chúng ta phải đối mặt với câu hỏi tại sao những con người – các bác sỹ được đào tạo để chữa bệnh – lại có thể hành động ác độc như vậy? Những người này không phải sinh ra để trở thành quỷ dữ, để lấy nội tạng khỏi những con người còn sống. Đó là một hệ thống ở Trung Quốc đã biến họ thành như vậy. Đó là một hệ thống khiến họ trở thành “máu lạnh” để mổ phanh thân người và lấy nội tạng rồi nhìn họ chết. Không ai sinh ra để thành tàn ác như vậy”