Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinKỹ sư Việt đã sản xuất linh kiện Airbus

Kỹ sư Việt đã sản xuất linh kiện Airbus

Để đảm bảo chính sách hợp tác qua lại giữa nhà chế tạo và hãng bay, Airbus đặt công ty VN sản xuất linh kiện, phụ tùng là dễ hiểu.

Airbus muốn sản xuất linh kiện máy

Hợp tác lợi cả hai bên

Vừa qua, hãng máy bay Airbus đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các công ty tại Việt Nam để sản xuất một số bộ phận của máy bay.

Theo bản ký kết, Công ty Nikkiso Việt Nam sẽ sản xuất hộp momen xoắn và cửa khoang chứa hàng cho máy bay A350 XWB cùng các chi tiết đầu cánh và bộ phận lái ở đuôi cánh máy bay A330neo.

Còn với Công ty Artus Việt Nam, công ty con của Meggitt PLC sẽ đánh giá khả năng gia tăng việc sản xuất linh kiện máy bay Airbus do Artus Việt Nam cung cấp trong 10 năm tới, cũng như cam kết hợp tác thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ tại Việt Nam.

Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 6/9, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Nguyên chủ nhiệm khoa Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TPHCM cho biết: “Sản xuất phụ tùng cho máy bay hiện nay chủ yếu sử dụng vật liệu compotise, nên độ khó cũng khá cao, nhưng với trình độ kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.

Đây mới chỉ là giai đoạn thực sự để bắt đầu sản xuất bộ phận cho máy bay. Trước đây, chúng ta đã từng làm xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn của thiết bị đầu cánh Sharklet. Giờ nâng cấp lên là các tchi tiết đầu cánh và bộ phận lái ở đuôi.

Khi Airbus đặt hàng như vậy, thì công ty sản xuất tương tự sẽ chuyển giao kỹ thuật với công ty tại Việt Nam.

Việc tốt hơn trong tương lai chúng ta có thể nghĩ tới đó là nhu cầu nghiên cứu về rà soát vật liệu, kết cấu, dần dần thiết kế các chi tiết tốt hơn, ít vật liệu hơn, vì khi đã tham gia dây chuyền sản xuất thì sẽ mở ra những nhu cầu của các công trình nghiên cứu”.

Tuy nhiên, theo ông Tống, việc sản xuất phụ tùng, bộ phận máy bay đều thuộc công nghệ kỹ thuật cao, nên việc các hãng sản xuất máy bay lớn như Airbus, Boeing lựa chọn sản xuất nhiều ở VN cũng có nhiều lý do.

Thứ nhất, các hãng bay của VN hiện nay đang mua rất nhiều thế hệ máy bay của Airbus, như vừa qua, Jetstar Pacific đã chính thứ chốt ký hợp đồng mua 10 máy bay Airbus A320 từ Tập đoàn Airbus.

Vietjet Air cũng đã ký kết đặt hàng mua 20 tàu bay thế hệ mới A321 CEO và NEO trị giá 2,39 tỷ đô la của Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus (Pháp). Tính đến thời điểm hiện tại, có đến 70% đội tàu bay của các hãng bay VN đều là máy bay của Airbus.

Thứ hai, có sẵn các công ty sản xuất thiết bị máy bay đáp ứng được yêu cầu của hãng bay đóng tại VN.

Thứ ba, công nhân, kỹ sư VN đã được huấn luyện, đào tạo để làm những sản phẩm ngày càng khó hơn, trình độ cao, giá thành lại rẻ hơn các thị trường khác.

Thứ tư, hiện có một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang chế tạo linh kiện máy bay cho đối thủ trực tiếp của Airbus, trong số đó lớn nhất là MHI Aerospace Vietnam. Cụ thể, doanh nghiệp thành viên của Mitsubishi (Nhật Bản) đang lắp ráp cửa khoang hành khách cho máy bay Boeing 777 và cánh tà thứ cho dòng máy bay Boeing 737.

“Với các Tập đoàn chế tạo máy bay như Airbus, Boeing thì họ đều có chính sách sản xuất khắp nơi trên thế giới để tăng sản lượng, chủ yếu bằng các hợp đồng qua lại, rồi đưa về Pháp lắp ráp. Các chính sách mở rộng hiện nay đều vì mục đích chăm sóc khách hàng tiềm năng, tạo ra cơ hội thuận lợi để cạnh tranh.

Đặc biệt, họ sẽ chú trọng tới các thị trường có nhiều hợp đồng ký kết với mình, tiêu biểu như vừa qua, VN có khá nhiều hợp đồng lớn, nên việc họ cho các công ty đóng tại VN tham gia sản xuất một số phụ tùng, cũng giống như kiểu phối hợp cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi.

Hơn nữa, đây cũng là sự hỗ trợ qua lại, khi gặp sự cố máy bay cần sửa chữa, Airbus có phụ tùng thay thế tại VN, Boieng không có thì tất yếu các hãng bay sẽ lựa chọn mua máy bay Airbus thay vì là Boeing vì có lợi cho công nghiệp sản xuất.

Tuy nhiên, hãng Airbus không phải đứng ra tổ chức sản xuất, họ có những công ty hợp đồng làm sản phẩm cho họ. Sau đó, lấy sản phẩm đặt hàng các nơi làm, rồi đem về lắp ráp tại Pháp, chứ không trực tiếp đứng ra làm.

Nếu như tại VN chưa có các công ty sản xuất được linh kiện cho họ, thì họ sẽ tác động vào các công ty thành viên, khuyến khích mở ra chi nhánh sản xuất tại VN, đầu tư tại VN”, ông Tống chỉ rõ.

Cái lợi của Việt Nam

Ở góc độ khác, nói về cái lợi VN có được từ các thương vụ hợp tác trên, khi các công ty như Nikkiso, Airtus đều là vốn 100% nước ngoài, theo ông Tống, vốn đầu tư nước ngoài hay của VN không quan trọng.

Bởi vì, khi chúng ta đã mời nhà đầu tư nước ngoài vào VN, họ tổ chức sản xuất tại VN, sử dụng công nhân và đóng thuế cho chúng ta, cái lợi là như vậy.

Vốn dĩ, chúng ta không có công ty 100% vốn Việt Nam, hoặc một phần vốn của Việt Nam đủ năng lực để sản xuất các linh kiện, phụ tùng đáp ứng đúng yêu cầu của các Tập đoàn chế tạo máy bay.

Mặt khác, để mời được các công ty nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm cao cấp vào VN cũng không phải chuyện đơn giản, vì còn nhiều thị trường khác cũng mong muốn có được điều này.

Lấy ngay ví dụ cụ thể, ông Tống nói: “Tôi lấy trường hợp như Tập đoàn sản xuất linh kiện, đồ điện tử Intel vào tổ chức sản xuất tại Khu công nghiệp TPHCM, cái lợi của VN đó là tận dụng được trang thiết bị sản xuất vốn có của họ.

Công nhân, kỹ sư được tiếp cận với những dây truyền công nghệ hiện đại, học hỏi và nâng cao được trình độ tay nghề, trình độ khoa học, đó là điều không thể phủ nhận. Đối với công nghiệp hàng không cũng vậy, nếu không có các công ty trên, chúng ta sẽ không có cơ hội tiếp cận với những công nghệ này.

Nếu như vậy, giấc mộng sản xuất máy bay “made in Vietnam” càng xa vời hoặc sớm sụp đổ như sản xuất ô tô “made in Vietnam”.

Với những nước còn đang trong thời kỳ phát triển công nghệ như VN, rất cần các công ty nước ngoài đầu tư vào, đặc biệt công nghệ kỹ thuật cao. Chắc chắn, nếu họ đầu tư thì sẽ được ưu tiên hơn công ty kỹ thuật bình thường, có chế độ chính sách ưu đãi hơn.

Để thấy rằng, dù là các công ty vốn nước ngoài sản xuất phụ tùng, linh kiện máy bay trên địa bàn VN thì cũng là có lợi, khi chúng ta không có vốn, không có khách hàng, xuất phát điểm là số 0 tròn trĩnh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới