Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNỗi niềm ông Putin 'bênh Trung Quốc'

Nỗi niềm ông Putin ‘bênh Trung Quốc’

Phát biểu phản bác PCA của ông Putin không đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ lập trường Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này có liên quan đến vấn đề kiện tụng của bán đảo Crimea sau này.

Hãng tin Nga Sputnik hôm 5/9 dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc cho biết: Moscow ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, phản đối bên thứ ba can thiệp vào Biển Đông.

Phát biểu bất ngờ của người đứng đầu nước Nga đã dấy lên những tranh cãi cho rằng cuối cùng Moscow đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đi ngược lại quan điểm của nhiều nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Nói với các phóng viên ông Putin cho biết: “Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ cho lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa án”, tuy nhiên ông đã nhấn mạnh rõ đây “không phải là lập trường chính trị, mà chỉ đơn thuần là ủng hộ về “tính chất pháp lý”.

Tổng thống Nga cho rằng “bất cứ thủ tục tố tụng nào đều phải được khởi xướng bởi tất cả các bên, và “Tòa Trọng tài phải lắng nghe lập luận, lập trường của các bên tranh chấp”.

“Trong khi đó Trung Quốc đã không tham gia trong suốt quá trình tòa xét xử cũng như không ai ở đó nghe lập trường của họ, bởi vậy phán quyết đưa ra là không công bằng. Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở khía cạnh này”, ông Putin nhấn mạnh.

Tuy nhiên khi phân tích kỹ phát biểu của ông Putin, một số học giả đã nhận định quan điểm của Tổng thống Nga thực tế không hoàn toàn như vậy.

Theo một số chuyên gia, phát ngôn của ông Putin trong việc ủng hộ lập trường không công nhận PCA của Trung Quốc khác hoàn toàn với việc Nga ủng hộ hoàn toàn lập trường và hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Lý giải trên Sputnik, chuyên viên phân tích chính trị Dmitry Mosyakov cho rằng tuyên bố này của Nga thực tế chỉ không công nhận quyết định của PCA về mặt hình thức chứ không hề phủ nhận về mặt nội dung.

Điều này có nghĩa, ông Putin không hề bác bỏ nội dung phán quyết trong đó phủ nhận “đường chín đoạn” của Trung Quốc hay các vấn đề tranh chấp khác với Philippines.

“Tổng thống đã nói rằng Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng đã chỉ có một bên hiện diện. Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức”.

Theo chuyên viên Nga – tuyệt nhiên không có nghĩa là Nga công nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Quan điểm của ông Putin về PCA và quan điểm về tranh chấp của các nước trên Biển Đông là hoàn toàn tách bạch hẳn nhau. Đây là điểm rất quan trọng.

Theo đó, “Tổng thống Putin không hề phản bác Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga đưa ra hôm 13/7 nêu chính xác lập trường của Matxcơva, và là bản Tuyên bố được đón nhận với phản ứng hoàn toàn giống nhau từ phía Việt Nam và các nước ASEAN khác”, chuyên viên Mosyakov lưu ý.

Nga phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, ủng hộ việc ký kết Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tán thành giải quyết tình hình xung đột trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và trên cơ sở thỏa thuận và đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Dmitry Mosyakov, như vậy, Nga từ chối thừa nhận quyết định của Tòa án Hague là thuần túy theo nguyên tắc hình thức. Và điều đó tuyệt nhiên không tác động gì đến tầm nhìn của Nga đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao trình bày chính xác rõ ràng lập trường của Nga là văn kiện không cách nào phủ nhận hay phản bác. Nga không công nhận phán quyết của Tòa án Hague, nhưng đồng thời công nhận cách giải quyết xung đột trong khuôn khổ pháp lý quốc tế.

Hai ý này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Về hình thức, Nga không công nhận quyết định của Tòa Hague, nhưng tầm nhìn của Moscow trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông là trùng hợp với lập trường của các nước ASEAN.

Ông Putin muốn cảnh giác trước phương Tây

Theo bình luận viên Dmitry Babich trên tờ Russia Today, tuyên bố này của ông Putin là một cách nhìn nhận “khách quan” về những tranh chấp trên Biển Đông hay giúp Moscow tránh “há miệng mắc quai”.

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết nước này có thể sẽ kiện Nga ra tòa về các vùng biển quanh bán đảo Crimea.

Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh lập trường của Nga là không tán thành đối với những hành động can thiệp tương tự của các chính phủ phương Tây hay các tòa án quốc tế trong giải quyết các vấn đề tranh chấp mà bản thân Nga từng tham gia.

Hồi năm 2014, phán quyết của tòa án tại Hague đã ra quyết định Nga phải trả 50 tỷ USD bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu trước đây của công ty YUKOS. Doanh nghiệp này đã bị phá sản ở Nga một thập kỷ trước đó vì nợ tiền thuế rất lớn. Bộ Tài chính Nga sau đó đã tuyên bố phán quyết chỉ “một phía” và “thiên vị về chính trị”.

Mặc dù đến tháng 6 năm nay Nga đã lật ngược lại tình thế và giành chiến thắng trong vụ kiện, tuy nhiên quá trình tố tụng kéo dài gần 2 năm cũng đã khiến ông Putin không khỏi đau đầu.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow, Vasily Kashin chia sẻ trên BBC rằng, phát biểu của ông Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Tuy nhiên nó không hẳn là ngả theo lập trường của Bắc Kinh.

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường, đó là bởi Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.

Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea. Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó.

Đứng trước bối cảnh phải chịu sức ép rất lớn từ Mỹ và các quốc gia phương Tây trong vấn đề Crimea, việc đồng tình với lập trường không công nhận PCA của Trung Quốc sẽ là điều có lợi cho Nga, một khi phải đối mặt với một vụ kiện trên tòa án quốc tế sau này.

Trong một quan điểm khác, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) lại cho rằng ông Putin có thể đã không tìm hiểu nhiều về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện ở Biển Đông

“Tổng thống Nga nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm”, Ian Storey nói với BBC.

Theo giới quan sát nhận định, nếu như ông Putin nắm bắt đầy đủ hơn về các chi tiết của vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines cũng như các quy tắc trong quá trình tố tụng, có thể người đứng đầu nước Nga sẽ phát biểu theo cách khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới