Saturday, July 27, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ I)

Biển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ I)

Ngay từ những ngày đầu tháng 9, căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung đã nóng trở lại, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra một vài phát biểu nhằm trực tiếp cảnh cáo Trung Quốc trước những hành động hung hăng, hiếu chiến của nước này ở Biển Đông ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh các nước Công nghiệp phát triển G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 4/9. Và như vậy, Biển Đông sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề được qaun tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, bất chấp trong những tháng vừa qua Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều công sức để vấn đề Biển Đông không bị lôi vào Hội nghị này. Bên cạnh đó, ASEAN, các nước bên ngoài có lợi ích ở khu vực như Ấn Độ, Úc, Nga… cũng như các hành động phi pháp của Trung Quốc gây hại đến môi trường biển tiếp tục là những nhân tố khiến Biển Đông tiếp tục dậy sóng.

Mỹ chỉ trích cuộc tập trận ở Biển Đông của Trung Quốc và Nga

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ ủng hộ “sự trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc, tuy nhiên ông cũng cảnh báo trước Bắc Kinh rằng, “càng quyền lực bao nhiêu, trách nhiệm đi kèm sẽ nhiều bấy nhiêu”. Liên quan đến tình hình ở Biển Đông, Tổng thống Obama nhấn mạnh “sẽ có hậu quả” từ những động thái liên quan đến lãnh thổ của nước này ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi nước này “không phô trương quân sự” mà thay vào đó là “cần có trách nhiệm”, “tuân thủ luật pháp quốc tế”. Ông Obama một lần nữa khẳng định rõ ràng vai trò của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế bởi “chúng ta đều ghi nhận rằng trong dài hạn, việc xây dựng một trật tự quốc tế nằm trong lợi ích của chính chúng ta”. Bên cạnh đó, ông cũng “nhắc khéo” Trung Quốc cần cải thiện các chính sách công bằng và tự do kinh tế và thương mại. Sau cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã “nhấn mạnh cam kết an ninh không thay đổi cho các nước đồng minh Hiệp ước của mình”, đồng thời “ông cũng tái khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các nước để bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp thông suốt cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không”. Đáp trả lại, Chủ tịch Tập Cận Bình ngang nhiên nói rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục “kiên quyết bảo vệ” chủ quyền lãnh thổ và các quyền trên biển của nước này ở Biển Đông, tiếp tục đi theo hướng giải quyết hoà bình tranh chấp thông qua “tham vấn và đàm phán với các bên có liên quan trực tiếp”, “bảo vệ hoà bình và ổn định ở Biển Đông” cùng các nước ASEAN. Không chỉ thế, ông Tập còn đòi hỏi Mỹ phải “thể hiện vai trò mang tính xây dựng” trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao nước này thậm chí còn thẳng thừng bác bỏ những phát biểu của Tổng thống Obama về chính sách của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo lại không hề đề cập đến bất kỳ cuộc thảo luận nào về Biển Đông.

Tảng lờ những thời điểm công kích và chỉ trích vô cùng gay gắt đối với Mỹ trước đây, truyền thông Trung Quốc đột nhiên dành những lời “có cánh” tốt đẹp hiếm hoi để đánh giá về triển vọng quan hệ hai nước Mỹ và Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Trung Quốc vào ngày 3/9 để tham gia Cuộc họp thượng đỉnh G20, đồng thời gặp gỡ cùng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tại Hàng Châu.Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 31/8 bày tỏ kỳ vọng vào chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng đây sẽ là cơ hội để Tổng thống Obama củng cố di sản chính trị của ông trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm “đảm bảo một khởi đầu tốt đẹp cho chính quyền tiếp theo của Mỹ”. Ông Ruan Zongze, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Hoa tỏ ra lạc quan rằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Obama sẽ giúp giảm thiểu căng thẳng trong vấn đề Biển Đông bởi “một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa hai nhà lãnh đạo là cách tốt để quản lý các tranh chấp. Bài viết của bà Fu Ying, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại, Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc trên Nhật Báo Trung Hoa ngày 3/9 nhấn mạnh Hội nghị Thượng đỉnh lần này được mong đợi là sẽ “đem lại khả năng hợp tác giữa các nước trong tương lai” thông qua tiến hành những cuộc thảo luận về các ưu tiên quan trọng như “quản lý kinh tế và tài chính hiệu quả và khả thi hơn”, “thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế”, và “các vấn đề lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trước khi cuộc gặp diễn ra, báo chí nước này vẫn ra sức thuyết phục độc giả rằng những bất đồng chiến lược giữa hai nước sẽ tăng thêm xuất phát từ chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ, tỏ ý hoài nghi về “ý định của Mỹ” và chỉ trích Mỹ“theo bè phái trong tranh chấp Biển Đông”, thậm chí bà FuYing còn mạnh miệng phát ngôn rằng Mỹ thiếu kinh nghiệm làm việc với các cường quốc không là đồng minh nhưng cũng không phải là kẻ thù”.Riêng với tranh chấp ở Biển Đông, bà này đề cập đến những hành động phô diễn hay thử thách lẫn nhau “một cách nguy hiểm” để nhắc nhở hai nước cần giải quyết bất đồng về các nguyên tắc trên biển bằng đối thoại. Sau cuộc gặp, các báo Trung Quốc đặc biệt tìm cách nhấn vào việc hai nhà lãnh đạo đã “tập trung vào những lợi ích chung”, mà ở đây là những lợi ích ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nói chung, truyền thông Trung Quốc đã đưa ra cái nhìn “tương đối lạc quan” về toàn thể tiến trình quan hệ giữa hai nước sau khi đã đạt được nhiều lợi ích từ việc mở cửa và hợp tác lẫn nhau.

Trung Quốc đóng vai trò là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh các nước Công nghiệp phát triển G20, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một nước đi lên về ngoại giao toàn cầu nhưng đang đối mặt với những va chạm lớn về các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, tranh chấp với các cường quốc khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản và đối mặt với các chỉ trích về việc thẳng tay đàn áp làn sóng bất đồng trong nước. Trung Quốc tỏ ý muốn tránh các cuộc thảo luận về những vấn đề này, trong khi lại dùng Hội nghị Thượng đỉnh để đánh bóng hình ảnh như một nước lớn “có trách nhiệm”. Có thể hiểu rằng bằng việc tìm cách để dư luận thấy mình đang nỗ lực hướng cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung vào các vấn đề kinh tế, Trung Quốc đang muốn tránh mọi vấn đề chính trị nhạy cảm, chủ yếu là các tranh chấp mà Trung Quốc bị xem là nước lớn có tư tưởng hận thù tìm cách xoá đi mọi vết nhơ của hai thế kỷ trước.Báo Japan Times ngày 4/9 cũng đã không ngại tố cáo Trung Quốc đã “dằn mặt” Nhật Bản rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ chỉ trích “thái quá” nào đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông khi lãnh đạo hai nước có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Thế nhưng, nước này vẫn trơ tráo đề nghị có cuộc gặp với Thủ tướng Abe, song song với các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo khác.

Tờ Forbes ngày 28/8 nhận định tình hình Biển Đông đang diễn biến xấu đi khi Tổng thống Philippines gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ đến Trung Quốc: sẽ có “đổ máu” nếu Trung Quốc tìm cách xâm lược vào phần lãnh thổ của nước này ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Vị Tổng thống kỳ lạ này của Philippines tiếp tục trở nên mâu thuẫn khi một mặt tỏ ý muốn tạm thời đặt Phán quyết Toà Trọng tài sang một bên để giải quyết tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc, mặt khác lại nửa đùa nửa thật rằng ông muốn có thêm thời gian để Philippines “xây dựng lực lượng chống lại Trung Quốc”. Vào ngày 29/8, trong khi phát biểu nhân dịp ngày lễ kỷ niệm các anh hùng của Philippines có sự tham dự của Đại sứ Zhao Jianhua và các nhà ngoại giao khác, ông đã nói với Đại sứ Zhao rằng ông sẽ không ngay lập tức yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài mà sẽ làm điều đó sau, bởi nếu không các cuộc đối thoại giữa hai nước sẽ bị trì hoãn, và điều này là không có lợi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay vẫn hết sức cương quyết yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ là “kẻ thua cuộc”. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết chính phủ nước này “bày tỏ sự biết ơn đối với sự ủng hộ của Ấn Độ đối với vụ kiện Trung Quốc ở Biển Đông và tin tưởng đây sẽ là động lực mới cho cả hai nước tăng cường quan hệ, đồng thời cho biết Thủ tướng Ấn Độ Modi có cuộc gặp bên lề với Tổng thống Philippines Duterte bên lề Hội nghị hượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Lào vào ngày 6/9, theo tờ India Today ngày 1/9 đưa tin. Trong phạm vi Ấn Độ có thể duy trì quan điểm mà không làm mất mặt Trung Quốc, sự ủng hộ Philippines trong vấn đề này cũng như tuyên bố lập trường về vụ kiện Trọng tài Biển Đông của nước này được Philippines xem là một động thái ủng hộ mạnh mẽ, giúp nước này có ưu thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.Ông cũng nói thêm, việc khởi động các cuộc đàm phán chính thức hay các thoả thuận song phương với Trung Quốc sẽ phải được đặt trong bối cảnh Phán quyết Toà Trọng tài, đồng thời cho biết chính sách của Philippines về vấn đề này là rất rõ ràng và dứt khoát. Tuyên bố này của Ngoại trưởng Yasay được xem là phù hợp và nhất quán với một tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 2/9 rằng ông dứt khoát ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp với Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp đối với các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông trên cơ sở Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới