Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnViệt Nam làm gì để ra khỏi bế tắc ?

Việt Nam làm gì để ra khỏi bế tắc ?

Tin tức quốc tế ngày ngày khiến lòng dân Việt lo lắng. Trong nước kinh tế suy thoái nặng nề. Ngoài nước vô vàn thứ như lửa cháy. Trung Quốc và Nga sắp tập trận chung trên Biển Đông. Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa công bố kế hoạch xây dựng một con đường dọc theo biên giới tỉnh Takeo và yêu cầu di dân đến khu vực gần biên giới với Việt Nam…

Hải quân Việt Nam huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Haye Trung Quốc vẫn tai lành tai điếc, ráo riết các hoạt động quân sự hóa trên các đảo ăn cướp của Việt Nam. Vậy thì chính sách muốn làm bạn với tất cả các nước, không liên minh với nước này để “đánh” nước kia các đã khiến cho chả ai muốn tin. Việt Nam hiện đang thiếu vắng đồng minh “ruột” trong hoạn nạn. Chưa bao giờ vận mệnh dân tộc, Tổ quốc bị nhiều mối đe dọa như hôm nay.

Trung Quốc tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng trước sau chính sách của Bắc Kinh vẫn là chính sách của những hoàng đế thiên triều suốt mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính và khuất phục Việt Nam.Nhìn vào những diễn biến gần đây, không cần phải là chuyên gia thượng thặng cũng hình dung ra thế đứng mong manh cả về an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống của Việt Nam.

Chúng ta gặp lại một nghịch lý, có thể tạm gọi đó là nghịch lý của tư duy hay còn gọi là nghịch lý trong quá trình tiến hóa của sự vật. Cùng tắc biến, biến tắc thông! Dù tình hình khá nguy cấp, ngoại giao Việt Nam vẫn còn “cửa ra” cho những lựa chọn, nhưng phải nói ngay rằng, các lối ra giờ đây là khá hẹp. Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hàng đầu đối với ngoại giao Việt Nam là cần tìm câu trả lời câu hỏi:Việt Nam là gì trong thế giới hôm nay?.

Thật ra khi Hamlet tự hỏi một câu dạng như thế trong bi kịch của Shakespeare, Hamlet đã biết rất rõ mình là ai.

Trong một thế giới cạnh tranh và đối kháng về địa – chính trị như hiện nay, Việt Nam càng phải tự biết mình là ai và đặc biệt là phải làm cho các đối tác hiểu rõ, Việt Nam là ai và ta có cái gì mà đối tác đang cần? Việt Nam có thể đóng góp cụ thể nào vào công việc chung của khu vực, liên khu vực cũng như trên toàn cầu? Ngày nay, mọi quốc gia, kể cả lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều gặp phải những vấn nạn của riêng nó, không có ngoại lệ. Đấy là chưa nói các thế tan – hợp trong thiên hạ lúc này thế nào cũng sẽ tạo ra nhu cầu và cơ hội để liên minh.

Không một quốc gia nào có thể một mình tự đứng ra giải quyết các khó khăn một cách đơn độc. Đối tác càng chất lượng, đồng minh càng “ruột” bao nhiêu, đất nước càng an toàn bấy nhiêu. Trong một thế giới “phẳng, nóng và chật”, sự liên kết giữa các nước “cùng hội cùng thuyền” thường được đặt ra như là ưu tiên hàng đầu. Nếu không định vị được cho mình một thế đứng vững chãi thì mọi chuyện sẽ rất khó khăn.

Việt Nam tuy có được nhiều quan hệ đối tác chiến lược hay toàn diện đã được tập hợp bằng các con số thống kê, nhưng chất lượng của các mối bang giao ấy lại không đáp ứng được nội hàm cần phải có, thì rõ ràng nước này sẽ gặp rất nhiều trắc trở, và chính họ tự cản trở mình trong việc hoàn thành sứ mệnh đề ra.

Bài học “lòng dân và vận nước” bao giờ cũng mới. Bởi lẽ, hiểm nguy của mọi nguy hiểm hiện nay, thật ra là một bí mật công khai: Lòng tin của người dân đối với chế độ chính trị nói chung và đối với đảng cầm quyền nói riêng đã và đang giảm sút. Chính ông Nguyễn Phú Trọng , người đứng đầu của Đảng đã đánh giá:“Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh… đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Còn nhớ trước đây, một nhà ngoại giao đã từng đến Bộ Ngoại giao và Quốc hội Hà Lan để vận động phía bạn công khai ủng hộ Việt Nam có quy chế “kinh tế thị trường”. Các nhà chức trách Hà Lan, từ cao nhất là bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế đến các chuyên gia về Việt Nam; từ các Vụ Chính trị khu vực đến Vụ Kinh tế đa phương, đều thống nhất một câu trả lời: “Chúng tôi rất thông cảm với ngài đại sứ, nhưng chúng tôi thiết nghĩ, quý ngài nên quay về xin chính nhân dân các ngài, xin chính các nhà doanh nghiệp, các thương gia Việt Nam công nhận cái quy chế ấy. Muốn thế, các ngài nên sớm chấm dứt sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế”.

Nói vậy nhưng hồi ấy, chính Hà Lan là một trong những quốc gia Tây Bắc Âu đã sớm công nhận điều Việt Nam đề nghị. Hà Lan còn dành ưu tiên cho Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển ở châu Á được nhận viện trợ ODA. Ai cũng biết mặt trời lên không phải nhờ gà trống gáy. Công cuộc lobby của các sứ giả sẽ không đi đến đâu, nếu phía đối tác không nhìn thấy Việt Nam như một nhịp cầu nối ASEAN với châu Âu, và Việt Nam tuy có nhiều thứ lạc lõng nhưng lại có cơ cấu dân số vàng (lúc bấy giờ) và nhiều lợi thế tiềm ẩn khác nữa.

Mọi lối ra cho ngoại giao không thể nào thiếu vắng vai trò của người dân. Đặc biệt trong bối cảnh xung năng của xã hội hiện đại đang tạo ra nhiều “chuyển động Brao-nơ” khó dự kiến và khó kiểm soát. Bên cạnh ý chí và tập hợp ý chí của giới cầm quyền thì quá trình đối thoại với người dân cần được đặt ra một cách sòng phẳng, thực tế. Từ các nguồn mở về lao động trên lộ trình thực thi Hiệp định TPP đến các ngư dân đêm ngày bám biển để vừa làm kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo… không đâu có thể vắng bóng người dân. “Tài nguyên con người” là một khái niệm rộng, đang được các nước tiên tiến coi là nhân tố hàng đầu cho phát triển. Hãy nhìn “làn sóng start-up” (làn sóng khởi nghiệp) ở Việt Nam mấy năm gần đây đủ thấy tiềm năng về “tài nguyên con người” của nước này “khủng” như thế nào.

Hơn nữa, thế giới còn nhìn vào cách đối đãi với xã hội dân sự nói chung để thẩm định các chất lượng “tiệm cận văn minh phổ quát” của mọi chính quyền hợp pháp và hợp hiến. Kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến kiến quốc trước đây, minh triết từ các bậc đế sư ngày xưa đều mách bảo những bài học quý giá về chính sách thân dân.

Muốn đất nước thịnh vượng và hòa mục thật sự thì mọi người dân phải kết lại với nhau như “đằng lạc” (như một cuộn mây), người lãnh đạo trị vì mà đừng để người dân biết là họ bị trị, tức là “vô vi nhi vô bất vi” (không làm mà không có gì là không làm). Nhà cầm quyền xử sự thuận theo tự nhiên, không bị ràng buộc vào bất cứ một khuôn mẫu khiên cưỡng nào cả. Bởi thế Việt Nam đang rất cần cả sự cố kết lẫn sự cởi mở, từ cả bên trong lẫn bên ngoài để đối phó với đủ loại thách thức.

Một trong những phương cách có thể tính đến là cần mở ra cuộc đối thoại ở tầm hệ thống. Có đối thoại để tìm ra lỗi hệ thống và biện pháp khắc phục thì mới đáp ứng được yêu cầu cứu nguy dân tộc ở thời điểm khắc nghiệt hiện nay. Nếu chỉ nói cho yên thân mình, nói vòng nói vo theo kiểu “không thể nóng vội, phải có lộ trình”… thực chất chỉ là né tránh những điều gốc rễ, cốt lõi.

Người dân Việt không cần những lời nói thuận miệng, nhạt như nước ốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới