Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ lôi kéo ASEAN nhằm “đẩy lùi sự can thiệp” vào Biển...

TQ lôi kéo ASEAN nhằm “đẩy lùi sự can thiệp” vào Biển Đông

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 – 29 được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Malcolm Turnbull đã tái khẳng định lập trường chung về căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhất trí ủng hộ tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự dựa trên các nguyên tắc, gián tiếp kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài đã bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của nước này với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông.

Hội nghị thượng đỉnh giữa 10 nước ASEAN và đối tác Trung Quốc tại thủ đô Viêng Chăn, Lào

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, các nhà lãnh đạo cũng đã tái khẳng định rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Phán quyết hồi tháng 7 của Toà Trọng tài ủng hộ các yêu sách của Philippines. Thủ tướng Turnbull đặc biệt đã khẳng định “Phán quyết là một sự thật, và là một thực tế”. Đề cập đến sự quyết đoán về vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc ở trên biển, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với “nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực theo hướng làm bùng phát căng thẳng”.

Ông Malcolm Turnbull còn nhấn mạnh mọi quốc gia ở khu vực đều có lợi ích những lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “dù tiến trình còn chậm nhưng tôi lạc quan tin tưởng rằng các bên có thể đi đến ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử”. Nhân dịp này, Thủ tướng Singapore cũng kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác và giảm thiểu các rủi ro do xung đột có thể gây ra do các căng thẳng ở Biển Đông có “một tác động vô hình” lên môi trường đầu tư, cụ thể là “môi trường hoà bình, ổn định và tin cậy” ở khu vực.

Rõ ràng Trung Quốc không phải là không lường được trước những diễn biến bất lợi như thế này. Tờ News Abs-Cbn Corporation mới đây cho biết, tại Hội nghị cấp cao tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, bất chấp sự có mặt của những quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ngoài khu vực, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngang nhiên phát biểu rằng Trung Quốc mong muốn “lôi kéo” các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhằm “đẩy lùi sự can thiệp” vào vùng Biển Đông đang tranh chấp. Mặc dù không có thêm giải thích nào cho câu nói này của Thủ tướng, dường như “lối dùng câu chữ này” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là nhằm cảnh cáo các nước nằm ngoài khu vực không được can dự trực tiếp vào tranh chấp, ví dụ như Mỹ. Trong khi các tàu của Trung Quốc hành động ngày càng “quyết đoán” trên thực địa khiến tình hình Biển Đông ngày càng gặp nhiều bất ổn, ông Lý Khắc Cường vẫn dửng dưng tuyên bố tình hình ở khu vực này vẫn đang “chuyển biến theo hướng tốt đẹp”.

Trung Quốc còn vui mừng nắm lấy cơ hội khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập trường về Biển Đông tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc. Thậm chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh dám thản nhiên đưa lập trường của nước Nga làm lá chắn để tuyên bố rằng “Lập trường của ông Putin cho thấy Nga công bằng và khách quan, và đại diện cho tiếng nói công lý của cộng đồng quốc tế”, đồng thời vẫn tiếp tục lặp lại quan điểm phi lý đối với Phán quyết vụ kiện Biển Đông.

Theo Tân Hoa xã ngày 9/9, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã cố gắng “tạo điểm nhấn” cho lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông về vụ kiện Trọng tài, về quyền của Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp theo đối thoại và tham vấn. Bên cạnh đó, ông tiếp tục dùng những lời sáo rỗng, khăng khăng khẳng định “hoà bình và ổn định khu vực trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua có được là nhờ “các quy tắc khu vực có hiệu quả” được nêu trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó các bên liên quan cũng đều phải đàm phán để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào”, qua đó gián tiếp chỉ trích Philippines và các nước ngoài khu vực “làm phức tạp tình hình, huỷ hoại trật tự khu vực dựa trên các quy tắc”. Thay vào đó ông ta tự đề xuất ra một giải pháp mơ hồ cho riêng Trung Quốc và ASEAN, đó là “đưa các tranh chấp biển vào kiểm soát trước khi chúng được giải quyết”, “các bên nên hiểu và ủng hộ những nỗ lực của nhau” thay vì “để chuyện bé xé ra to hay thậm chí là gây chia rẽ, bất hoà”.

Điều này đi ngược lại một thực tế rõ ràng là chính Trung Quốc là bên tìm cách cản phá việc triển khai DOC kể từ khi văn kiện này được ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002 và cũng chính Trung Quốc đã phá vỡ các nội dung thỏa thuận trong DOC thông qua việc xây dựng quy mô lớn ở Trường Sa và đẩy nhanh quân sự hóa ở Biển Đông.

Liên quan đến hành động của Trung Quốc ngoài thực địa ngay trước thềm cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cấp cao, theo thông tin mới được đưa trên trang web của hãng tin CNN, người Phát ngôn của Tổng thống Philippines Ernesto Abella đã khẳng định Philippines đang tiến hành điều tra làm rõ với phía Trung Quốc về những chiếc tàu mà quân đội Philippines đã công bố hình ảnh cho thấy Trung Quốc có khả năng nạo vét cát xung quanh bãi cạn Scarborough – “một bãi đá nhỏ nhưng mang tính chiến lược và có ngư trường đánh cá phong phú rộng 130 hải lý (200 km) về phía Tây của đảo Luzon của Philippines”, “trong phạm vi của Vịnh Subic, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ đang được tái khởi động bằng một thoả thuận mới.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, với Trung Quốc, bãi cạn Scarborough sẽ tạo chỗ đứng chiến lược cho nước này. Bà Ernesto cũng tiết lộ thêm, Manila đang làm việc với các quan chức Trung Quốc để điều tra về sự xuất hiện của các tàu nói trên, thông qua các kênh ngoại giao và kênh “cửa sau”, chủ yếu là thông qua các đại diện đặc biệt của nước này như cựu Tổng thống Fidel Ramos. Trong khi đó, có thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila khẳng định rằng “Tình hình chẳng có gì biến động. Không có bất kỳ hoạt động xây dựng hay nạo vét nào ở đó cả”. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn phủ nhận việc nước này ra sức cải tạo đảo, thay vào đó họ tìm cách ngụy biện trắng trợn rằng việc họ tiến hành tuần tra ở các vùng nước xung quanh bãi cạn này chỉ nhằm mục đích “thực thi pháp luật”.

Tạp chí National Interest mới đăng lại bài viết trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có tên: “Vì sao chiến lược “Chèn ép” của Trung Quốc ở Biển Đông (và ngoài Biển Đông) lại thất bại?”. Bài viết này đưa ra một số bình luận và đánh giá về chính sách và đường lối ngoại giao cứng rắn của nước này trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho rằng Trung Quốc không phải là một nhà hoạch định “chiến lược và bài bản” như bấy lâu người ta vẫn nhận định một cách sai lầm. Những cuộc đối đầu Bắc Kinh gây ra ở hai vùng biển đã đem lại nhiều rắc rối hơn là thành công cho nước này, với những hành động quyết đoán hơn trước, tạo ra một loạt những nguy cơ và thực hiện chính sách ngoại giao độc đoán với các nước láng giềng.

Để đáp trả quyết định của Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao (THAAD) nhằm kiềm chế tiềm lực của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã không ngại thể hiện sự không hài lòng bằng cách dùng công cụ chính trị và kinh tế để duy trì quan điểm của riêng mình về vấn đề này, cũng như về quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ. Úc cũng đã từng phải hứng chịu kiểu ngoại giao này của Trung Quốc sau khi đã “dám” lên tiếng ủng hộ Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông khi bị một tờ báo Nhà nước của nước này bôi nhọ là “tiểu hổ giấy”, “một đất nước không văn minh”… Không chỉ dừng lại ở việc xúc phạm các quốc gia khác, nước này còn liên tục gây ra những lo ngại cho cộng đồng quốc tế về những thứ như “Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã sẵn sàng” hay là “Chúng tôi sẽ bước đến và cho họ một bài học xương máu như Đặng Tiểu Bình đã làm với Việt Nam năm 1979”.

Tác giả bài viết lý giải nguyên tắc chỉ đạo cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua gói gọn trong 24 chữ xuất phát từ chiến lược của Đặng Tiểu Bình: Từ từ quan sát; duy trì quan điểm; bình tĩnh giải quyết; che giấu tiềm lực và nhấm nháp thời gian; duy trì tốt sự thận trọng và không bao giờ tuyên bố vai trò lãnh đạo. Hành xử của Trung Quốc có thể được giải thích theo bốn hướng: một là các quan chức Trung Quốc thấy rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình không còn có thể áp dụng với một Trung Quốc ngày nay được nữa bởi thế cân bằng quyền lực ở khu vực đã thay đổi; thứ hai là chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng rõ nét trong nội địa Trung Quốc gây áp lực cho lãnh đạo nước này; thứ ba là nước này nghĩ rằng việc gây áp lực sẽ có hiệu quả để áp đặt lên các nước nhỏ và yếu hơn, tuy nhiên điều này dường như là phản tác dụng, cuối cùng, và là điều đáng ngại nhất, việc đưa ra quyết sách ở Trung Quốc đang ngày càng được củng cố ở tầm lãnh đạo cao nhất, và một khi được đưa ra, để những quyết sách hay động lực cho chính sách đối ngoại như vậy có thể được thay đổi gần như là không thể. Tác giả nhận định, tất cả những điều trên đặt ra thách thức cho Mỹ và các nước khu vực, họ cần phải tránh đưa ra một đường lối quá cứng rắn, dồn Trung Quốc “vào góc tường” và khiến nước này có những phản ứng tiêu cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới