39 nước trong đó có Mỹ, các nước EU hôm qua phát tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng chính trị đang leo thang ở Campuchia.
Ông Keith Harper, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (giữa) nêu quan ngại về tình hình chính trị Campuchia tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: UN
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang căng thẳng chính trị hiện nay ở Campuchia, đe dọa hoạt động hợp pháp của các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền”, Keith Harper, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đọc tuyên bố chung tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tuyên bố được các nước như Mỹ, Australia và tất cả 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua, kêu gọi xuống thang căng thẳng ngay lập tức. “Đang có quan ngại đặc biệt về hành động pháp lý không tương xứng nhằm vào những người chỉ trích chính phủ”, Phnompenh Post dẫn tuyên bố cho biết.
Hạ viện Mỹ trước đó thông qua bản kiến nghị chỉ trích hành vi “quấy rối” bằng pháp lý với những người thuộc phe chính trị đối lập ở nước này.
Phát biểu tại hội đồng của Liên Hợp Quốc ở Thụy Sĩ, Ney Samol, Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc, cho biết nước này không hoan nghênh sự can thiệp tình hình nội bộ.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 12/9 kêu gọi loại bỏ những lực lượng “phá hủy trật tự xã hội”, sau khi đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) thông báo họ có kế hoạch tổ chức biểu tình. Không lâu sau đó, hàng chục xe tải chở lính vũ trang Campuchia bao vây trụ sở CNRP.
Ông Son Chhay, nhà lập pháp thuộc CNRP, cho biết đảng sẽ tổ chức một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 25 năm Hiệp định Hòa bình Paris vào ngày 23/10, nhưng nó không liên quan đến cuộc biểu tình lớn đang được lên kế hoạch. Cũng theo ông Chhay, họ chưa ấn định ngày tổ chức biểu tình, dù những người ủng hộ đã gửi hàng hóa như nước, gạo và nước mắm.