Sau 5 năm, tỉ lệ người Việt uống rượu bia tăng mạnh trong khi hoạt động thể lực ngày càng ít.
Đây là những thông tin đáng lo ngại tại cuộc điều tra quốc gia quy mô nhất từ trước đến nay về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm vừa được công bố.
Kết quả khảo sát gần 4.000 người trưởng thành cho thấy khoảng 77% đàn ông và 11% phụ nữ uống rượu bia (có uống trong vòng 30 ngày qua).
Tỉ lệ chung cho cả 2 giới là gần 45% trong khi cách đây 5 năm, con số này chỉ 37%. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới tăng mạnh 11% và nữ tăng 6%.
Đáng lưu ý, gần một nửa nam giới trong diện khảo sát sử dụng rượu bia ở mức nguy hại, tức trong 30 ngày có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên, tương đương 180 ml rượu mạnh hay 6 lon bia 330 ml.
Trong số những người có uống rượu bia trong 30 ngày qua, gần một nửa từng điều khiển phương tiện giao thông sau khi nhậu 2 giờ.
Hiện Việt Nam chỉ cấm quảng cáo rượu bia cho người từ 15 tuổi trở lên, các đối tượng còn lại không hạn chế trong khi dự thảo luật Kiểm soát rượu bia do Bộ Y tế xây dựng dự định trình vào năm 2017 tiếp tục bị lùi lại.
Hiện trạng này khiến các chuyên gia lo ngại tình hình lạm dụng rượu bia tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Trong khi sử dụng rượu bia thiếu kiểm soát, người Việt cũng đang “chết mòn” do thói quen lười vận động.
Sau 5 năm, tỉ lệ hoạt động thể lực của người Việt (hoạt động cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần) giảm từ 30,4% xuống còn 26%, trong đó nam giới giảm mạnh từ 28% xuống 19%, nữ giới giữ nguyên 28%. Càng trẻ, đàn ông Việt càng lười vận động, ngược với xu thế ở nữ giới.
Song song với đó, thế hệ người trưởng thành tại Việt Nam hiện đang ăn ít rau, nhiều thịt hơn khuyến cáo và ăn mặn gấp đôi bình thường, hút thuốc lá thuộc top 15 thế giới…
Cô gái trẻ bị béo phì và tiểu đường điều trị tại bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: T.Hạnh |
Cộng gộp nhiều yếu tố khiến tỉ lệ béo phì ở Việt Nam tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015 và số người tăng huyết áp gia tăng thêm 5% lên mức 20,3%.
TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam có hơn 350.000 người chết vì các bệnh không lây nhiễm. trong đó chết do bệnh tim mạch chiếm đến 70.000 ca; ung thư 66.000 ca, đái tháo đường 13.000 ca…
TS Bắc cho biết, tổng các bệnh không lây nhiễm đang chiếm gần 70% tổng chi phí gánh nặng bệnh tật. Do đó, phòng chống các bệnh không lây nhiễm đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.