Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThương vụ đường sắt TQ đổ bể: Peru nói thẳng

Thương vụ đường sắt TQ đổ bể: Peru nói thẳng

Tổng thống Peru đã dội gáo nước lạnh vào Trung Quốc khi nói thẳng những hạn chế trong dự án đường sắt xuyên lục địa do Bắc Kinh đề xướng.

Quá tốn kém, có hại cho môi trường

Mới đây, trả lời phỏng vấn đài truyền hình địa phương RPP trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Tổng thống Kuczynski, người mới nhậm chức hồi tháng 7 năm nay đã bày tỏ lo ngại về dự án đường sắt xuyên lục địa của Bắc Kinh.

“Tôi bảo với họ, mà không hề gây khó chịu, rằng đường tàu xuyên qua Amazon này quá đắt đỏ, nó có thể gây ra những tác động môi trường và chúng tôi phải xem xét nó một cách cẩn trọng”, ông Kuczynski xác nhận.

Theo lời ông Kuczynski, một công ty đường sắt Trung Quốc – không được nêu tên – đã tỏ ra hứng thú với việc xây dựng một chuyến tàu đi lại trên bờ biển miền Trung Peru. Ý tưởng này do chính tổng thống khởi xướng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua phát triển cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, ông Kuczynski còn cho biết Công ty TNHH Nhôm Trung Quốc đang quan tâm tới việc xây dựng một nhà máy luyện kim và một nhà máy thép tấm ở Peru.

Trước đó, vào tháng 5 năm ngoái, trong nhiệm kỳ của Tổng thống tiền nhiệm Ollanta Humala, Trung Quốc và Peru đã đồng ý nghiên cứu tính khả thi của tuyến đường sắt dài 5.300 km liên kết bờ Đại Tây Dương của Brazil với bờ Thái Bình Dương của Peru.

Theo Tân Hoa xã, tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc và khoáng sản từ Mỹ-Latinh sang châu Á. Ông Ollanta Humala nói rằng sự tham gia của Trung Quốc trong dự án là “không thể thiếu được”.

Tuy nhiên, các nhà môi trường học cho biết dự án đi qua rừng Amazon và núi Andes này có thể phá hủy rừng nhiệt đới và ẩn chứa nhiều nguy cơ với các bộ lạc bản địa.

Trung Quốc nhận nhiều trái đắng

Thái độ cương quyết của Tổng thống Peru trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh đã thu hút nhiều sự chú ý của báo chí phương Tây.

Thậm chí hãng tin Reuters sáng 14/9 đã có bài viết với tựa đề “Tổng thống Peru tạt gáo nước lạnh vào đề xuất làm đường sắt của Trung Quốc”.

Nhiều tờ báo lớn khác cũng dẫn nguồn tin từ đài truyền hình địa phương RPP để phân tích quan điểm trái chiều trên.

Theo số liệu thống kê, chỉ riêng năm 2015, Trung Quốc đã cấp 65 tỉ USD cho khu vực Mỹ La tinh, số tiền lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này là để chống lại sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay đã mong muốn hiện thực hóa đường sắt xuyên lục địa. Tuy nhiên khi đến với Mỹ La tinh, tốc độ của họ chậm lại. Dự án đường sắt trên được cho là đầy thách thức, trong đó gồm việc đối phó với các nhóm bản địa và vấn đề về môi trường, bên cạnh chuyện quy mô xây dựng lớn.

Trung Quốc đã từng thử và thất bại với kế hoạch tương tự. Năm 2011, nước này đưa ra kế hoạch “khá tiến bộ” cho tuyến đường sắt nối bờ Thái Bình Dương với bờ Đại Tây Dương ở Colombia.

5 năm sau, tuyến đường sắt trên không tồn tại và thậm chí chưa từng được khởi công. Bộ Kinh tế Colombia không trả lời đề nghị bình luận của báo giới.

Dự án đường sắt nhỏ hơn này sẽ là một trong những công trình thể hiện rõ ràng nhất quyền lực của Trung Quốc nhằm đối mặt với Mỹ, tạo sự cạnh tranh trực tiếp với kênh đào Panama. Colombia lẽ ra đã là một nước dễ dàng cho các dự án do có nền kinh tế diễn biến tốt nhất tại Nam Mỹ và tình hình chính trị ổn định.

Từ Mexico đến Brazil, nhiều dự án tư nhân và của chính phủ Trung Quốc bị chậm trễ lâu, bị đình chỉ hoặc không bao giờ được khởi công. Khác biệt văn hóa, tình trạng quan liêu và tham nhũng là vài lý do cho thực trạng trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới