Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐàm luậnHun Sen và Việt Nam: Có còn là bạn tốt?

Hun Sen và Việt Nam: Có còn là bạn tốt?

Nhật báo Campuchia ngày 2/9 có bài viết cho rằng ông Hun Sen đang lợi dụng vấn đề với Việt Nam để phục vụ mục đích tranh cử trong các cuộc bầu cử xã – phường vào tháng 6/2017 và bầu cử Quốc hội năm 2018.

Thủ tướng Campuchia và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Phản ứng mạnh mẽ của ông Hun Sen trước các bình luận của người Việt trên Facebook về vấn đề Biển Đông, được nhân lên với căng thẳng biên giới gần đây, cho thấy quan hệ giữa Chính phủ Campuchia và Hà Nội đang ngày một giảm sút. Ngày 28/8, Bộ Ngoại giao Campuchia đã ra một tuyên bố phản đối kịch liệt các công dân Việt Nam “đã thực hiện những hành động vô đạo đức sỉ nhục lãnh đạo Campuchia” và yêu cầu Hà Nội “trừng phạt những người dân này”. Ngày 31/8, phía Việt Nam đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi không đồng ý với việc sử dụng quyền tự do bày tỏ ý kiến để làm nhục một ai đó hoặc phá vỡ mối quan hệ truyền thống, tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước”, nhưng không đưa ra bất kỳ một sự trừng phạt “đặc biệt” nào đối với những người sự dụng Facebook công kích ông Hun Sen.

Trong khi đó, các quan chức cả hai nước vẫn tranh cãi về việc phân định biên giới. Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập từ lâu khẳng định đường biên giới đang bị đẩy về phía Tây. Lập trường này của đảng CNRP đang giành được sự ủng hộ lớn ở Campuchia.

Campuchia cũng đã liên tục từ chối cùng Việt Nam và các nước láng giềng ASEAN chính thức phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông – điều mà nhiều nhà phân tích cho là đã mang lại cho Campuchia các khoản viện trợ khổng lồ. Hãng tin Reuters mới đây có bài viết miêu tả Campuchia “đang ngày càng nổi lên như một vệ tinh của Trung Quốc”. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Phay Siphan nói rằng Campuchia và Việt Nam vẫn duy trì các mối quan hệ bạn bè thân thiết. Tuyên bố của ông Phay Siphan có đoạn: “Cả hai bên đã có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề kể từ năm 1979. Các nước láng giềng luôn luôn có một số khác biệt”.

Ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia ở Caberra, nói về những bình luận của ông Hun Sen trên Facebook: “Các quan chức Việt Nam có đủ độ chín để nhìn nhận những bình luận của ông Hun Sen trên Facebook như một hoạt động chạy đua trong bầu cử, lợi dụng làn sóng chống Việt Nam. Tôi không cho rằng điều này dẫn đến sự tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa hai nước. Việc sử dụng mạng xã hội của Thủ tướng Hun Sen nhằm tăng cường hình ảnh của ông đối với thanh niên Campuchia và để chứng tỏ ông ta đang kiểm soát được tình hình”.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Ou Virak cho rằng những ý kiến được đưa lên Facebook và tranh chấp biên giới không thể hiện sự bế tắc trong các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tuy nhiên, ông cho rằng cả hai đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và CNRP đang “chính trị hóa những căng thẳng biên giới”. Nhà phân tích Virak nói: “Họ đang chơi một ván bài dân tộc chủ nghĩa nửa vời”.

John Ciorciari, một nhà nghiên cứu về Campuchia và là Phó Giáo sư tại Trường chính sách công Gerald R.Ford thuộc Đại học Tổng hợp Michigan, cũng cho rằng những điều được đưa lên Facebook là nhằm hướng đến người dân trong nước, chứ không phải các nhà ngoại giao nước ngoài. Ông Ciorciari bình luận trong một bức thư điện tử: “Thủ tướng Hun Sen nhận thấy rõ ràng rằng mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc là chỗ dựa quan trọng trong khi sự ủng hộ dành cho CPP trong các cuộc bầu cử đang giảm dần. Quan hệ gần gũi với Việt Nam là điểm yếu dễ bị các thủ lĩnh đối lập Campuchia lợi dụng triệt để. Với việc đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông, ông Hun Sen khiến triển vọng đưa ra một chính sách đối ngoại cân bằng trở nên khó khăn hơn trong tương lai”.

RELATED ARTICLES

Tin mới