Chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ đang “nắm Châu Âu trong tay” và muốn kéo NATO cùng mình can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối phó Nga-Trung.
Mỹ sẽ xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương để đối phó cả Nga lẫn Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Mỹ giữ vững châu Âu, xoay trục về châu Á
Một chuyên gia phân tích của Nga vừa bình luận rằng, Hoa Kỳ đang củng cố vị thế của mình trên lãnh thổ Kosovo. Các chuyên gia tin rằng, Washington làm như vậy để chuẩn bị “bàn đạp quân sự” trong trường hợp bất đắc dĩ, nếu giả sử buộc phải đóng cửa những căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức.
Tuy nhiên, trước hết Mỹ sẽ cố sức giữ các căn cứ quân sự ở Đức. Bất chấp việc công chúng nước này phản đối, Washington vẫn tích cực sử dụng thành trì lớn nhất ở nước ngoài là căn cứ không quân Rammstein ở Rhineland-Palatinate, một bang ở phía tây nam nước Đức.
Rammstein là một trong hai căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này, là nơi được các chuyên gia khẳng định là có chứa đầu đạn hạt nhân chiến thuật (sử dụng trên máy bay chiến đấu chiến thuật) của Mỹ. Lực lượng Mỹ đồn trú ở căn cứ này có khoảng 15.000 binh sĩ và 30.000 chuyên gia dân sự.
Trưởng khoa chính trị học và xã hội học Trường Đại học Tổng hợp Kinh tế Plekhanov là ông Andrey Koshkin vừa tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của Sputnik rằng, đừng mong đợi Mỹ giảm hiện diện quân sự của họ ở châu Âu, cũng như ở những vị trí quan trọng mang tính chiến lược khác trên thế giới.
Nhà chính trị học quân sự này cho rằng, cấu trúc địa chính trị thế giới đang có những biến động cực kỳ phức tạp buộc Hoa Kỳ phải giữ chặt lấy châu Âu. Điều này cho phép họ kiểm soát Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á, các tuyến đường thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Nhưng nếu “nắm Châu Âu trong tay”, thì có gì tiện lợi bằng việc hiện diện trực tiếp tại các quốc gia tham gia diễn tập quân sự chung và các nước thành viên khối NATO châu Âu. Điều này là một cơ chế hiệu quả bắt Lục địa già phải phục tùng sự điều khiển của Hoa Kỳ.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ khẳng định, để hoàn tất tham vọng trở thành siêu cường độc tôn trên thế giới, ngăn cản Nga-Trung hình thành một trật tự thế giới đa cực, nếu Mỹ chỉ giữ địa vị chủ đạo trong hình thái an ninh châu Âu thì chắc chắn không thể thực hiện được.
Tiếp theo sự thành công trong chiến lược mở rộng về phía đông của NATO và sự ổn định ở khu vực Balkan, hình thái an ninh của châu Âu đã ổn định, Mỹ quyết định điều chỉnh trọng tâm chiến lược xưng bá toàn cầu từ khu vực châu Âu, hướng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện Mỹ đang tính kế “xoay trục về châu Á”, nằm trong chiến lược “Tái cân bằng”. Xu thế cắt giảm một số căn cứ của Mỹ ở các điểm khác nhau trên thế giới sẽ không hề ảnh hưởng đến sức mạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì Washington mong muốn lôi kéo cả NATO đến đó.
Hiện nay, cả Nga và Trung Quốc đã trỗi dậy buộc Hoa Kỳ phải lo lắng thật sự. Tất cả điều này sẽ góp phần thúc đẩy NATO đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ngay cả khi tân tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức, có lẽ xu hướng này cũng không có điều gì thay đổi.
Tuy nhiệm vụ này không hề dễ dàng gì bởi những biến động ở Trung Đông và tình hình Ukraine khiến Mỹ đang phải căng mình trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tầm quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương sẽ khiến Washington phải chấp nhận giảm hiện diện ở các khu vực khác để xoay trục về đây.
Xoay trục sang châu Á: Ngăn Nga, chặn Trung Quốc trỗi dậy
Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ mới nhất (ban hành năm 2015) đã tái nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách “xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương” và hoạch định việc Mỹ tiếp tục chuyển thêm nhiều nguồn lực kinh tế, quân sự và ngoại giao sang khu vực này.
Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, lợi ích quốc gia của Mỹ trên toàn cầu là các giá trị mang tính bền vững, nhưng tình hình thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm vừa qua, vì vậy, Chiến lược An ninh Quốc gia 2015 của Mỹ sẽ phải có sự thay đổi để thích ứng.
Bà Susan Rice nhấn mạnh, về căn bản, Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tăng cường các nền tảng sức mạnh Mỹ, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự, để duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ trong thế kỷ 21, giúp Nhà Trắng có thể giải quyết những thách thức hiện tại và nắm bắt các cơ hội trong tương lai.
Vấn đề căn bản xuyên suốt mọi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ là theo đuổi mục tiêu bất biến: Giành vị thế “lãnh đạo” thế giới, loại bỏ các đối thủ chính trị. Đây là mục tiêu mang tính chiến lược lâu dài được khẳng định và không bao giờ thay đổi qua các đời Tổng thống Mỹ.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2015, cụm từ “lãnh đạo” hoặc các từ đồng nghĩa như vậy được đề cập đến gần 100 lần. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là luận điểm: “Mỹ hoan nghênh các cường quốc đang nổi lên nhưng cảnh báo, sẵn sàng ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng”.
Trọng điểm trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là ngăn cản sự xuất hiện hoặc lớn mạnh của một cường quốc trong khu vực có thể đe dọa vị trí bá chủ của Mỹ, đó tất nhiên là ám chỉ sự “trỗi dậy không hòa bình” của Trung Quốc và mối liên kết ngày càng chặt chẽ với Nga.
Từ đầu năm 2015 đến nay, cục diện thế giới đã thay đổi rất nhiều. Nga và Trung Quốc đã nổi lên là 2 đối thủ tiềm tàng nhất của Mỹ. Bắc Kinh là một ông kẹ mới nổi về kinh tế và quân sự, còn Moscow là một cường quốc đang phục sinh cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều là những mối đe dọa đến địa vị bá chủ của Washington nhưng với cách thức không đồng nhất và ở những mức độ nguy hiểm khác nhau.
Trung Quốc hiện là một cường quốc về kinh tế và quân sự với ngân sách khổng lồ và tham vọng bành trướng khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không hề gây được ảnh hưởng chính trị tích cực trên thế giới, do không có đồng minh, cũng như không xây dựng được “quyền lực mềm”, nên nước này khó có thể cướp được địa vị thống trị của Mỹ.
Tuy Moscow không thể so được với Bắc Kinh về tiềm lực kinh tế nhưng Moscow vẫn là nước nằm trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và có một nền tảng quân sự thuộc dạng mạnh nhất thế giới. Điều đó đã biến Nga trở thành một đối thủ lớn nhất của Mỹ.
Việc kế thừa và phát triển những ảnh hưởng chính trị dưới thời Liên Xô cũng khiến Nga có địa vị quan trọng trên thế giới. Đồng thời, do mâu thuẫn về “ý thức hệ” và sự tự tôn dân tộc, Nga hiện là đối thủ ngáng chân Mỹ trong mọi vấn đề toàn cầu.
Trong giải quyết một số sự vụ quốc tế, tiếng nói của Nga đã có vị thế quyết định, có vai trò lấn át uy tín của Mỹ, thực tế Iran, Triều Tiên, Ukraine và mới đây nhất là Syria đã chứng minh cho điều đó. Bởi vậy, Moscow mới chính là đối thủ lớn nhất đe dọa vị thế lãnh đạo thế giới của Washington.
Đòn trừng phạt của Mỹ về vấn đề Ukraine đã đẩy Moscow tăng cường hợp tác với Bắc Kinh. Hiện Nga và Trung Quốc tuy chưa kết minh nhưng thực sự đã xây dựng mối liên hệ khá chặt chẽ cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Cái bắt tay dù là miễn cưỡng của 2 cường quốc này đã làm thay đổi cán cân lực lượng bất lợi cho Mỹ.
Do đó trong thời gian tới, chắc chắn Washington sẽ có sự điều chỉnh về phương pháp và biện pháp để kéo NATO về châu Á, nhằm củng cố thực lực ở châu Á-Thái Bình Dương, ngăn chặn sự hình thành khối đồng minh quân sự Nga-Trung để giành lại thế chủ động ở khu vực đầy phức tạp này.