Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiThất bại trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Thất bại trong chính sách Biển Đông của Mỹ

Tình hình Biển Đông 23/9: Các chính sách trên Biển Đông và thỏa thuận thương mại TPP của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất bại khi mà Washington không thể kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Vị thế số 1 khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đang bị Trung Quốc đe dọa. 

Tờ Financial Times nhận định chính sách trên Biển Đông cùng thỏa thuận kinh tế toàn cầu TPP của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ thất bại. Đầu tiên phải kể tới những lời xúc phạm nặng nề của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với người đồng cấp Mỹ Barack Obama, đã khiến cả thế giới bị sốc. Chưa dừng lại, chỉ sau vài ngày, ông Duterte tiếp tục có tuyên bố làm tổn thương Nhà Trắng khi khẳng định Philippines sẽ ngừng tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Hải quân Mỹ. Tổng thống Philippines còn nhấn mạnh: “Trung Quốc hiện là một cường quốc và Bắc Kinh sở hữu đội quân hùng mạnh nhất trong khu vực”. 

Tuyên bố của ông Duterte khiến Washington bị tổn thương bởi trong những năm qua, chính quyền của Tổng thống Obama đã nỗ lực cam kết với các đồng minh châu Á rằng Mỹ có đầy đủ phương tiện và sẵn lòng duy trì vị thế quân sự số 1 tại châu Á – Thái Bình Dương. Điển hình, trong bài phát biểu hồi năm 2011, ông Obama khẳng định “Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và chúng tôi ở đây để duy trì vị thế này”. Kể từ đó, Mỹ đã điều động thêm lực lượng hải quân vào khu vực và ông Obama thường xuyên có chuyến công du dài ngày từ Washington tới Đông Á. 

Song giờ đây ông Duterte đang trở thành mối thách thức trực tiếp trước tuyên bố Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 tại Thái Bình Dương trong khi ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực có xu hướng “chiều theo ý” của Bắc Kinh. 

Đánh giá của Tổng thống Philippines về cán cân sức mạnh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi về tương quan sức mạnh giữa hai cường quốc này. Trong khi Mỹ có tới 11 tàu sân bay thì Trung Quốc chỉ có 1 song mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lại đang tăng nhanh trong những thập niên gần đây. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đầu tư vào nhiều loại vũ khí như tên lửa, tàu ngầm. Đây có thể là mối đe dọa tấn công nguy hiểm đối với các tàu sân bay Mỹ.  

Trong năm 2015, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm tới hành động Trung Quốc xây hàng loạt “đảo nhân tạo” nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền đơn phương trên gần 90% diện tích Biển Đông. Đáng nói Mỹ không thể ngăn Trung Quốc bành trướng mà chỉ có thể giới hạn hành động của Bắc Kinh bằng cách tiến hành các cuộc tuần tra trên biển dưới danh nghĩa đảm bảo quyền tự do hàng hải. Hành động của Mỹ một lần nữa khẳng định Washington không công nhận chủ quyền phi lý mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông. 

Tầm quan trọng của Biển Đông thể hiện qua việc chính quyền Tổng thống Obama nhiều lần lên tiếng khẳng định vùng biển này gắn liền với lợi ích của Mỹ. Trong bài báo “Kỷ nguyên Thái Bình Dương của Mỹ” được xuất bản hồi năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ ra rằng “một nửa tàu thương mại trên thế giới đi qua vùng biển này” và Washington lo ngại Bắc Kinh đang nỗ lực biến Biển Đông thành “hồ của Trung Quốc”. 

Lâu nay, Mỹ cũng nhấn mạnh các nước cần thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông thay vì tham gia một cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Và Philippines được Washington kỳ vọng là trụ cột để Mỹ áp dụng chiến lược kiềm chế Trung Quốc dựa trên luật pháp quốc tế.  

Cụ thể Washington từng kỳ vọng việc Manila giành được phần thắng trong vụ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế liên quan tới tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” trên Biển Đông, sẽ giúp kiềm chế tham vọng bá chủ của Bắc Kinh. Song đến nay, Washington lại khó có thể gia tăng sức ép yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết khi mà Philippines công khai tuyên bố ngừng tập trận chung với Hải quân Mỹ. 

Tuy nhiên hồi tuần trước, Nhật Bản tuyên bố tham gia các cuộc tuần tra chung với Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Nhưng với một đối tác như Nhật Bản, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông lại giống như một cuộc chiến sức mạnh với Trung Quốc hơn là thực thi luật pháp quốc tế. Và trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều quốc gia Đông Nam Á sẽ chọn phương án nghiêng về một bên thay vì mạo hiểm tham gia cuộc chiến trong khu vực. 

Trong khi đó, chính sách “trục châu Á” của Mỹ cũng đang gặp nhiều trắc trở liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoại trừ Trung Quốc, TPP có sự góp mặt của 12 quốc gia bao gồm Mỹ và Nhật Bản. Thỏa thuận TPP được xem là đòn đối đầu với sự thống trị kinh tế của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhấn mạnh “về lâu dài, giá trị chiến lược của thỏa thuận TPP sẽ rất tuyệt vời”. 

Tuy nhiên sự đồng tình của Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama dường như không thể giúp TPP trụ vững khi mà hai ứng cử viên tranh ghế Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton, đều lên tiếng phản đối thỏa thuận kinh tế này. Còn hiện nay Tổng thống Obama vẫn đang nỗ lực kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận này trước khi ông hết nhiệm kỳ. Song cơ hội để TPP tồn tại là rất ít bởi gần đây, chế độ bảo hộ đang xuất hiện tại Mỹ. 

Nếu Mỹ không thể thông qua TPP, các đồng minh châu Á của Washington sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Cụ thể trong chuyến thăm gần đây tới Washington, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định thỏa thuận TPP chỉ hoạt động suôn sẻ một khi Mỹ đảm bảo cam kết duy trì an ninh cho các đồng minh châu Á. 

RELATED ARTICLES

Tin mới