Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại LHQ, ông Obama kêu gọi hoà bình ở Biển Đông

Tại LHQ, ông Obama kêu gọi hoà bình ở Biển Đông

Trong bài phát biểu lần cuối trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Obama kêu gọi một giải pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp Biển Đông, thay vì quân sự hoá các thực thể.

Một loạt những điểm nóng đáng chú ý của thế giới đã được Tổng thống Mỹ nêu ra trong bài phát biểu được xem là chia tay Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 20.9.

Ông Obama nói “các xã hội của chúng ta” đang đầy rẫy những sự bất định và bất an. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng “các quốc gia hùng mạnh đang thách thức những hạn chế do luật pháp quốc tế áp đặt. Và đó chính là nghịch lý đang định nghĩa thế giới chúng ta ngày nay”.

Nhắc đến điểm nóng Biển Đông, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ khẳng định: “Ở Biển Đông, một giải pháp hoà bình do luật pháp mang lại đối với các tranh chấp sẽ đem đến sự ổn định vững chắc lớn hơn rất nhiều so với việc quân sự hoá các bãi đá và rạn san hô”.

Tờ Japan Times của Nhật Bản cho hay, phát biểu của Tổng thống Mỹ ám chỉ tới việc Trung Quốc không ngừng cải tạo và bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng công sự ở Biển Đông.

Phát biểu trước 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ cũng kêu gọi thế giới gây sức ép để Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài The Hague trong vụ kiện của Philippines, vốn bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhận định về tình trạng bạo lực lan tràn trên thế giới, ông Obama bày tỏ thất vọng vì “những chu kỳ xung đột và đau khổ” lặp đi lặp lại khiến nhân loại phải chịu đựng. Bốn tháng trước khi rời nhiệm sở, ông Obama thừa nhận những thách thức nghiệt ngã mà thế giới phải đối mặt là cuộc khủng hoảng người nhập cư, chủ nghĩa khủng bố, bất bình đẳng tài chính và xu hướng khiến người nhập cư và người Hồi giáo phải hứng chịu mọi tội lỗi. Trên khắp Trung Đông, “trật tự xã hội căn bản đang tan rã” – nhà lãnh đạo Mỹ lấy ví dụ.

Cuộc họp năm nay của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria lún sâu vào khủng hoảng, trong khi nỗ lực ngoại giao mới nhất của Mỹ và Nga về giải pháp hoà bình cho Syria lại một lần nữa thất bại.

Ông Obama thừa nhận, bạo lực giáo phái và cực đoan tàn phá Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới không thể nhanh chóng bị đảo được. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh rằng, các nỗ lực ngoại giao và giải pháp phi quân sự là chìa khoá để giải quyết cuộc chiến Syria cũng như các cuộc chiến khác.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan, các cuộc chiến tranh, xung đột kéo dài, nhất là ở Syria, Israel-Palestine, Lybia, Iraq, Yemen, Ukraina… đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, thế giới ngày nay hoàn toàn có khả năng ngăn chặn chiến tranh, xung đột, nghèo đói, biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký khẳng định rằng, Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững sẽ giúp tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi quốc gia và mọi người dân, đồng thời tỏ lạc quan trước việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa thông qua Kế hoạch hành động về ngăn ngừa chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Phiên thảo luận Cấp cao Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến kéo dài đến ngày 29.9. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng. 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới