Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc âm thầm lập 2 khu vực nhận dạng ở Biển...

Trung Quốc âm thầm lập 2 khu vực nhận dạng ở Biển Đông?

Hải quân Trung Quốc đang từng bước thành lập khu vực nhận dạng hàng hải (MNIZ) và khu vực nhận dạng âm thanh dưới nước (UAIZ) ở Biển Đông.

Hình ảnh 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) lớp 094 được bố trí trên đảo Hải Nam.

Hãng thông tấn Đa chiều (DW News) hôm 22/9 dẫn nguồn từ tạp chí quốc phòng Kanwa của Canada cho biết, Hải quân Trung Quốc đang từng bước thành lậpkhu vực nhận dạng hàng hải (MNIZ) và khu vực nhận dạng âm thanh dưới nước (UAIZ) ở Biển Đông, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn tàu ngầm Mỹ, Nhật tiến lên phía Bắc vào vùng biển Đài Loan.

Trong đó, UAIZ là vùng nhận dạng được xây dựng trên cơ sở hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển quanh các đảo, đá và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo, để phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.

Còn MNIZ chủ yếu là hệ thống radar tìm kiếm mặt biển được bố trí trên các đảo, đá để phát hiện tàu mặt nước của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước ASEAN đi vào khu vực mà Trung Quốc cho là thuộc “vùng đặc quyền kinh tế”, hay “lãnh hải” của mình.

Một khi có “tàu lạ” đi vào khu vực UAIZ, hay MNIZ, Hải quân Trung Quốc sẽ lập tức giám sát.

Kanwa cho biết thêm, hiện nay hải quân Trung Quốc đã triển khai cả 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) lớp 094 đến đảo Hải Nam. Do đó, ý đồ quân sự của việc thiết lập UAIZ ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp bằng vũ lực từ năm 1974) càng mang tính chiến lược. Quân đội Trung Quốc có thể tận dụng độ sâu ở Biển Đông để đưa tàu ngầm hạt nhân lớp 094 tuần tra MNIZ và UAIZ giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, khiến hệ thống chống tàu ngầm của Mỹ rất khó khăn để tiếp cận các khu vực này.

Theo Kanwa, so với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), việc Trung Quốc thiết lập MNIZ và UAIZ có ý nghĩa lớn hơn về mặt quân sự, bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều hệ thống radar tìm kiếm mặt biển, hệ thống cảm biến âm thanh dưới đáy biển và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo trên các đảo, đá, rạn san hô mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Kanwa nhận định, Bắc Kinh sẽ không công khai việc thành lập MNIZ và UAIZ ở Biển Đông, nhưng các thiết bị phục vụ MNIZ và UAIZ sẽ sớm phát hiện về hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật Bản và ngăn chặn chúng lên phía Bắc vào vùng biển Đài Loan.

Trước đó, Kanwa từng đưa tin nội bộ Trung Quốc đã quyết định về phạm vi ADIZ ở Biển Đông và khả năng sẽ chính thức công bố vào năm 2017. Nguyên tắc cơ bản phân vùng ADIZ ở Biển Đông là lấy giới hạn khu vực mà Bắc Kinh tự cho là thuộc “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý xung quanh đảo Phú Lâm, đảo Hải Nam và 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông làm tiêu chuẩn.

RELATED ARTICLES

Tin mới