Giá dầu tăng sau quyết định của OPEC tại cuộc họp Alger, tuy có thể không giữ mức cao trong dài hạn nhưng có tác động đến chính sách nhập khẩu dầu của Bắc Kinh trong khoảng 3-6 tháng tới, theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc.
Trong cuộc họp không chính thức ở Alger ngày hôm qua, OPEC đã thỏa thuận là cần thiết phải giảm mức khai thác xuống còn 32,5-33 triệu thùng/ngày, nhưng hạn ngạch đóng băng của mỗi nước thành viên và thời hạn đóng băng (cụ thể là thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc) chỉ được xác định trong cuộc họp chính thức của tổ chức này trong tháng 11.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng thỏa thuận mới đây của OPEC chỉ làm tăng giá dầu trong ngắn hạn, vì hạn mức cho Iran vẫn chưa được xác định. Vì thế, giá dầu có giữ mức cao trong dài hạn hay không còn tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của OPEC trong cuộc họp tháng 11 tại Vienna, theo các chuyên gia.
Trong ngắn hạn thì rõ ràng giá dầu có tăng rõ, dầu Brent tăng tức khắc 5% dưới tác động của thỏa thuận OPEC ngày hôm qua, một chuyên gia cho biết.
Vậy thỏa thuận 28/9 của OPEC có những tác động gì đến thị trường dầu mỏ Trung Quốc?
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế nước này, ngay cả tình trạng tăn giá ngắn hạn cũng là một tin tốt cho các công ty nhà nước trong lĩnh vực khai thác dầu ở quốc gia này, vốn đã phải chịu nhiều thiệt hại do giá dầu thế giới tuột dốc.
Được biết, trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia China National Offshore Oil Corporation (CNOOC) bị lỗ 1,164 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, thật thê thảm nếu so sánh với mức lãi 2,3 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Công ty này giải thích rằng bị lỗ là do không dự kiến sự giảm giá của dầu thô so với cùng kỳ năm ngoái, cũng như do khấu hao một loạt tài sản nhất định, bao gồm cả cát dầu ở Canada
Lợi nhuận ròng của công ty năng lượng khổng lồ PetroChina (công ty con của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc – CNPC) trong 6 tháng đầu năm nay rớt thê thảm, chỉ còn bằng 1/48 so với cùng kỳ năm ngoái, với con số 79,49 triệu USD. PetroChina cũng đổ tội cho tình trạng giá dầu thế giới giảm sâu.
Các chuyên gia dự báo rằng việc giá dầu tăng cao trong dài hạn sẽ khiến Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu dầu, vốn đã tăng cao trong thời gian gần đây, khi giá dầu xuống thấp. Tuy nhiên họ cũng nói rằng hãy còn sớm để nói đến những tác động của giá dầu đối với chính sách nhập khẩu dầu của Bắc Kinh, vì hiện tại Trung Quốc đang có nhiều hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện.
Các chuyên gia cũng cho biết, ngoài sự biến động giá dầu trên thị trường thế giới, chính sách về dầu mỏ của Bắc Kinh còn phụ thuộc rất nhiều vào một yếu tố quan trọng nữa, đó là mức độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong từng giai đoạn.
Theo số liệu của Cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 8, Nga, Saudi Arabia và Oman là ba nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Trong tháng 8, Trung Quốc tăng 50% nhập khẩu dầu từ Nga so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,64 triệu tấn; nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia tăng 12%, lên 4,36 triệu tấn; nhập khẩu dầu từ Oman vào tháng cũng tăng lên đáng kể – 38% so với cùng kỳ, với 3,56 triệu tấn. Trung Quốc còn có một nhà cung cấp tiếm năng nữa, đó là Iran.