Friday, December 20, 2024
Trang chủBiển nóngHoàn Cầu: TQ cần "nhẫn nại chiến lược" về biển Đông với...

Hoàn Cầu: TQ cần “nhẫn nại chiến lược” về biển Đông với Duterte

Trung Quốc cần sự kiên nhẫn chiến lược hơn để có thể giải quyết vấn đề biển Đông sau chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Kyodo News ngày 22/9 đưa tin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự định thăm Trung Quốc trong hai ngày 19-20/10, sau đó là chuyến thăm Nhật Bản ngày 25-27/10.

Theo kế hoạch ban đầu của Manila, Nhật sẽ là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN mà ông Duterte công du, nhưng Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã “tác động” để thay đổi lịch trình của nhà lãnh đạo này.

Hiện chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines đều chưa xác nhận lịch trình công du của Tổng thống Duterte.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 24/9 bình luận, nếu thông tin từ Kyodo News được xác thực, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho thấy Rodrigo Duterte “hướng về Trung Quốc”.

Trung Quốc nhiều lần hoan nghênh chuyến công du của Duterte. Khác với thời cựu Tổng thống Aquino, giai đoạn hỗ trợ, cộng tác tích cực giữa Philippines-Trung Quốc có khả năng được mở ra.

Dù vậy, theo Hoàn Cầu, rất khó để hai bên “hạ cánh mềm” trong vấn đề biển Đông và hiệu quả mà chuyến thăm của Duterte có thể mang lại đến đâu vẫn là vấn đề khó đoán.

Rodrigo Duterte đã nhậm chức hơn hai tháng, Sự khác biệt về quan điểm đối ngoại và phong cách của ông với chính phủ Aquino đã được chứng minh. Nhưng ông cũng cho thấy một số mâu thuẫn, chính sách đối ngoại không rõ ràng, rập khuôn, và một số vấn đề khiến các bên cảm thấy “nuốt không trôi”.

Hoàn Cầu: TQ cần nhẫn nại chiến lược về biển Đông với Duterte - Ảnh 1.

Tổng thống Duterte gần đây đã phát biểu: “Chúng ta vẫn cần Mỹ ở biển Đông”. (Ảnh minh họa: Reuters)

Duterte là thử thách “kiên nhẫn chiến lược” của chính phủ Trung Quốc

Hoàn Cầu cho rằng, Tân Tổng thống Philippines đã không “sốt sắng” với phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) người tiền nhiệm. Có thể là ông không tin phán quyết có thể mang lại lợi ích thiết thực cho Philippines.

Tuy nhiên, việc “bỏ qua” phán quyết PCA sẽ khiến Manila khó giải thích với đồng minh Mỹ, Nhật Bản. Vì vậy giọng điệu của ông có thể nói là thấp hơn Aquino III, nhưng Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Duterte “gió chiều nào che chiều ấy”, thái độ thất thường.

Bên cạnh đó, trọng tâm chính trị của Philippines đang xoay sang các vấn đề trong nước, rất khó để Washington và Manila có thể dung hòa trong vấn đề biển Đông. Nhưng quan hệ đồng minh là không thể phá vỡ và mâu thuẫn giữa hai nước không thể bị đẩy đi quá xa.

Hoàn Cầu phân tích, tình hình biển Đông hiện nay chưa cho thấy xu hướng giảm thiểu căng thẳng, rất không chắc chắn “ngày mai sẽ xảy ra điều gì”.

Trong khi Mỹ cố gắng phát huy đóng vai trò khẳng định quyền tự do hàng hải và đối trọng với Trung Quốc, Manila rất khó để tạo ảnh hưởng đến những biện pháp mà đồng minh sẽ áp dụng.

Tờ báo Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này nhận thức rõ cơ hội quan trọng để điều chỉnh mối quan hệ với các nước quanh biển Đông qua chuyến thăm của Duterte. “Thời kỳ tồi tệ nhất của mối quan hệ Trung Quốc-Philippines đã qua.”

Theo đó, những khó khăn trong quan hệ tương lai với các nước láng giềng vẫn còn và Bắc Kinh không thể đáp ứng mọi điều kiện, nhưng phải tìm mọi cách để tránh chính quyền Duterte ngả hẳn về Washington và làm vấn đề biển Đông một lần nữa trở thành mối quan tâm hàng đầu của Manila.

Đó là mục tiêu thử thách sự khôn ngoan và “nhẫn nhịn” của chính phủ Trung Quốc.

Hoàn Cầu cho rằng, bên cạnh việc duy trì lợi ích ở biển Đông, Bắc Kinh phải chứng minh được sự “quan tâm chân thành” đến cục diện hòa bình và ổn định của biển Đông, đối xử bình đẳng với các nước láng giềng.

Theo tờ báo “diều hâu” này, nếu Trung Quốc đủ kiên nhẫn thì “tính hợp lý” trong chính sách biển Đông của họ sẽ phát huy tác dụng, trong khi sự “ranh mãnh” của Mỹ-Nhật bị bóc mẽ.

“Trung Quốc cần kiên nhẫn nhiều hơn về mặt chiến lược. Đầu xuôi thì đuôi lọt, vấn đề về Biển Đông sẽ không khó để giải quyết,” Hoàn Cầu kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới