Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 03/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 03/10/2016

Bản tin Biển Đông ngày 03/10/2016.

Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh minh họa: Xinhua.

1) Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Các nước cần tìm kiếm các giải pháp thực tế để ngăn ngừa các vụ việc xảy ra trên Biển Đông  

Ngày 1/10, trang Channel News Asia, ABC News đưa tin:

Ngày 30/9, bên lề cuộc họp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước Đông Nam Á và Mỹ tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã kêu gọi các quốc gia tìm kiếm giải pháp thực tế để ngăn ngừa các vụ việc xảy ra trên Biển Đông, nơi Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn có yêu sách lãnh thổ đối với nhiều đảo lớn nhỏ trong khu vực. Cụ thể, ông Ng cho biết “các tàu quân sự hầu như không mấy liên quan” đến các sự vụ trên Biển Đông vì đã có các quy tắc va chạm bất ngờ trên biển, mà trên thực tế, xung đột thường xuyên xảy ra trên thực địa xuất phát từ nguyên nhân là các tàu đánh cá hoặc các tàu thuyền dân sự. Đề cập đến Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7, ông nói rõ, “Phán quyết là luật, nhưng có “những vấn đề thực tế” cần quan tâm, đó là các cơ chế nhằm ngăn ngừa bất kỳ xung đột leo thang nào”.

2) Mỹ tiết lộ các sáng kiến an ninh hàng hải trong thời gian tới tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Ngày 2/10, tạp chí The Diplomat đưa tin:

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng không chính thức giữa Mỹ và các nước ASEAN tại Hawaii tuần vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter mới tiết lộ một số sáng kiến an ninh hàng hải mới: ghi nhận tầm quan trọng của tình hình khu vực Biển Đông và sự tham gia đáng kể của lực lượng Cảnh sát biển Mỹ trong hợp tác với các nước ASEAN hiện nay, Mỹ sẽ tổ chức thêm các sự kiện giữa ASEAN và Mỹ trong khu vực, bao gồm đối thoại hàng hải ASEAN và trau dồi nhận thức về lĩnh vực biển. Thúc đẩy hợp tác liên ngành cũng sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được các quan chức hai bên lưu ý trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phải đối mặt. Nhằm tạo điều kiện chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất, ông Carter cũng đã mời các Bộ trưởng ASEAN đến thăm Lực lượng Đặc nhiệm Liên cơ quan phía Nam của Mỹ ở Florida để được tận mắt chứng kiến quá trình phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật của quân đội Mỹ với các nước đối tác. Để xây dựng các cơ chế trao đổi này, ông Carter cũng tiết lộ thêm, ông đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), một viện nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức một hội thảo vào năm tới nhằm xác định và giải quyết vấn đề khoảng cách trong hợp tác Mỹ – ASEAN. Các quan chức Quốc phòng Mỹ khẳng định Hội nghị là bằng chứng cho vai trò của ASEAN trong chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như những tiến triển trong thế và lực hiện nay của Lầu Năm góc, bởi Hội nghị đã xử lý nhiều vấn đề an ninh, trong đó, an ninh biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là một trong những vấn đề trọng tâm.

3) Cố vấn Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chỉ trích Singapore

Ngày 2/10, tờ The Strait Times đưa tin:

Sau cuộc đấu khẩu gay gắt giữa một tờ báo Trung Quốc và một Đại sứ của Singapore, ngày 29/9, Giáo sư Jin Yinan, Giám đốc một trường Đại học Quốc phòng của PLA ngang ngược chỉ trích Singapore đã cố tình đưa vấn đề Biển Đông trở thành một vấn đề quốc tế, đồng thời lớn tiếng dọa nạt rằng Bắc Kinh sẽ khiến Singapore “phải trả giá vì đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Trung Quốc”, thậm chí còn nói rằng “việc Trung Quốc trả đũa Singapore là điều không thể tránh khỏi, không chỉ trên mặt công luận… Chúng tôi sẽ có một số hành động để đáp trả, hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt, để thể hiện sự không hài lòng của mình”. Lý giải cho tuyên bố đầy kích động này, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – ASEAN, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Xu Liping cho hay “Bắc Kinh có thể chấp nhận việc Singapore có những quan điểm khác biệt song không hề muốn thấy nước này thể hiện công khai điều này”. Chuyên gia Zhang Mingliang thuộc Đại học Jinan nhận định, cuộc khẩu chiến đã tạo ra “một làn sóng chưa từng có tiền lệ” chỉ trích nhằm vào Singapore, đặc biệt là từ phía người dân nhưng ông cũng nói rằng “khó có khả năng cuộc khẩu chiến này để lại tác động gì cho quan hệ song phương của hai nước”.

4) Các chuyên gia cảnh báo: “Hiểu lầm” có thể dẫn đến xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Ngày 3/10, tờ ABC News đưa tin:

Một trong các cựu quan chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ, cựu Đô đốc Dennis Blair, nguyên là Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và Tư lệnh Thái Bình Dương, mới đây đã cảnh báo Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mở đối với vấn đề Biển Đông bởi những hiểu nhầm cơ bản giữa hai quốc gia. Ông cho rằng chiến tranh không phải là cái kết mà cả Mỹ và Trung Quốc muốn dùng để giải quyết những mâu thuẫn giữa hai nước, nhưng hai bên đang kẹt vào thế đối kháng khiến giải pháp thỏa hiệp gặp khó khăn. Liên quan đến các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Blair cho rằng những yêu sách này là “không thể chấp nhận được” đối với Mỹ và điểm bế tắc này đã tạo ra tình thế chưa bên nào có thể tránh được. Cựu Đô đốc cũng đặt ra giả thiết, nếu xung đột xảy ra, “việc trung lập hóa” các đồn điền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ có thể chỉ mất “10 hay 15 phút thực hiện bởi các lực lượng của Mỹ”. Đồng thời, ông cũng kêu gọi Lực lượng Phòng vệ của Úc “đưa các lực lượng vũ trang vào vùng nước và vùng trời quốc tế”, “cùng tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông”.

5) New Zealand tham gia diễn tập nhiều bên ở Biển Đông

Ngày 3/10, trang China.org.cn đưa tin từ Hãng Tân Hoa xã:

Ngày 3/10, Lực lượng Phòng vệ New Zealand (NZDF) cho biết, New Zealand sẽ đưa 60 quân tinh nhuệ và một máy bay trinh sát P-3K2 Orion đến Malaysia trong tuần này để tham gia vào một cuộc diễn tập nhiều bên thường niên ở Biển Đông nhằm thúc đẩy hợp tác chuyên môn và đảm bảo khả năng phối hợp của nước này. Dự kiến, New Zealand sẽ cùng với các nước Úc, Malaysia, Singapore và Anh thực hiện cuộc diễn tập thuộc một phần của chương trình Bersama Lima, một chương trình diễn tập tổ chức bởi các nước thành viên Công ước Phòng vệ 5 nước ký năm 1971, kéo dài trong 3 tuần.

RELATED ARTICLES

Tin mới