Thursday, January 9, 2025
Trang chủĐiểm tinTheo TQ, Nga-Nhật gác tranh chấp, cùng khai thác Kuril?

Theo TQ, Nga-Nhật gác tranh chấp, cùng khai thác Kuril?

Nga và Nhật khó đạt được phân định chủ quyền Kuril trong thời gian ngắn tới và có thể sẽ áp dụng phương án “gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”.

Trên danh nghĩa, Nga và Nhật đang trong tình trạng chiến tranh.

Hai phương án cho tranh chấp Kuril

Kyodo ngày 3/10 dẫn lời Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố trước Quốc hội là Nhật Bản sẽ không thay đổi quan điểm đòi chủ quyền cả 4 hòn đảo Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri, mà nước này gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi đây là quần đảo Nam Kuril.

Ông đồng thời khẳng định giải quyết vấn đề lãnh thổ là quyết định đúng đắn đối với tương lai của cả Nhật Bản và Nga. Nhật kiên định những nguyên tắc chủ quyền nhưng sẽ tiếp tục đàm phán với Nga để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền tồn tại đã hơn nửa thế kỷ.

Các quan chức Nga thời gian qua cũng khẳng định rằng, không có chuyện Nga chuyển giao các đảo nước này quản lý đối với quần đảo Kuril để đổi lấy viện trợ kinh tế và sự gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Nhật Bản, như những đồn đoán của giới truyền thông 2 nước.

Theo đó, không có thỏa thuận hay nhượng bộ nào đã được Nga chấp thuận, chủ đề “bán” hoặc “bàn giao lại” các đảo thuộc quần đảo Kuril, ở phía Bắc Nhật Bản để đổi lấy viện trợ kinh tế, cũng như cách gọi đây là “cách tiếp cận mới” của giới truyền thông là điều không đúng sự thực.

Về lý thuyết, Nhật Bản và Nga (người thừa kế các quyền về chủ quyền của Liên Xô) vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh vì Xô-Nhật chưa ký kết hiệp ước hòa bình sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2, do đó, việc ký kết hiệp định hòa bình là điều rất quan trọng.

Tuy nhiên, 2 bên đang có bất đồng về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Kuril (thực tế do Nga quản lý, thuộc vùng Sakhalin), còn Nhật cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi là Chishima (thuộc tỉnh Hokkaidō). Đó là khúc mắc lớn nhất của 2 nước trong việc ký kết hiệp định hòa bình.

Mặc dù 2 bên đã dựa vào một số tài liệu như Tuyên bố Xô-Nhật năm 1956, Tuyên bố Tokyo năm 1993 và Tuyên bố Moscow năm 1998, cũng như Tuyên bố Irkutsk năm 2001 để làm cơ sở trong các cuộc đàm phán song phương nhưng trên thực tế, Tuyên bố năm 1956 là tài liệu duy nhất có tính chất pháp lý về quy chế của quần đảo Kuril mà cả hai bên (Nhật-Xô, trong đó Nga là “người thừa kế”) đã ký kết và phê chuẩn.

Nếu dựa vào các văn kiện này, có thể giả định hai phương án lựa chọn.

Phương án 1: Nhật chủ quyền, Nga kinh tế

Theo giới truyền thông, ông Abe đã giới thiệu với ông Putin một công thức truyền thống của Nhật Bản: “Hiệp ước hòa bình + bốn hòn đảo Shikotan, Habomai, Kunashir và Iturup” (trả cho Nhật), đổi lấy gói lớn các sáng kiến về hợp tác kinh tế cùng có lợi (chủ yếu cho Nga).

Ở đây có một yếu tố thúc đẩy quan trọng, đó là các biện pháp trừng phạt quốc tế đang cản trở sự phát triển kinh tế của Nga. Trong trường hợp này, Nhật Bản sẽ đơn phương xóa bỏ lệnh cấm vận, và Nga sẽ nhanh chóng tận dụng các cơ hội về kinh tế mà Tokyo trao cho.

Một đề xuất tương tự đã được thảo luận vào năm 1997 giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto, tại cuộc hội đàm ở Krasnoyarsk.

Khi đó, hai bên đã thảo luận về gói văn kiện gồm 6 sáng kiến kinh tế và thậm chí đã đồng ý ký kết hiệp ước hòa bình vào năm 2000. Tuy nhiên, phương án này cuối cùng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và triển khai trên thực tế.

Phương án 2: Nga-Nhật chia đều 4 đảo

Phương án thứ hai là hai bên quay trở lại Tuyên bố năm 1956, trong đó xác định, sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, Nhật Bản sẽ tiếp nhận chuyển giao hai đảo Shikotan và Habomai, còn Nga sẽ quản lý 2 đảo là Kunashir và Iturup.

Giả thuyết này có vẻ là hợp lý hơn cả, bởi hiện nay Tuyên bố năm 1956 là tài liệu duy nhất có tính chất pháp lý về quy chế của quần đảo Kuril mà cả hai bên Nhật-Xô đã ký kết và phê chuẩn, đồng thời, giới lãnh đạo Nga không chỉ một lần thừa nhận tính chất pháp lý của nó.

Có thể sẽ xuất hiện một chi tiết mới trong phương án này là cam kết của hai bên “tiếp tục đàm phán về quy chế tương lai của Kunashir và Iturup”, ví dụ, phi quân sự hóa các hòn đảo này, hoặc tạo lập ở đó một đặc khu kinh tế để các nhà đầu tư Nhật Bản được hưởng các ưu đãi đặc biệt.

Phương án 2-2 là tối ưu, nhưng trong tương lai gần, rất có thể Nga và Nhật sẽ “gác tranh chấp, cùng khai thác”

Các chuyên gia và giới truyền thông Nga-Nhật nhận định rằng, phương án 2-2 (chia đều 4 đảo cho 2 bên), Nga sẽ giữ Iturup và Kunashir, chuyển giao Shikotan và Habomai cho Nhật Bản là lời giải tối ưu nhất, phù hợp với những điều khoản đã ký trong Tuyên bố năm 1956.

Tokyo và Moscow đều tiếp nhận những vấn đề chủ quyền mang yếu tố lịch sử, Nga là từ Liên Xô, Nhật là từ nước Nhật phát xít bại trận trong Thế chiến thứ 2. Xa hơn nữa, cả Nhật và Nga đều đã từng thay nhau chiếm giữ quần đảo này, nên một giải pháp trung hòa là điều 2 bên có thể chấp nhận.

Với phương án này, Nhật và Nga mỗi bên nhận 1 nửa trong số 4 đảo tranh chấp. Về hình thức, Moscow cũng không mất mặt, mà còn được tiếng là tôn trọng luật lệ quốc tế, còn đây được coi là một thắng lợi ban đầu đối với Nhật Bản, để tiếp tục đàm phán chủ quyền 2 đảo còn lại.

Một dấu hiệu rất quan trọng cho thấy phương án này có thể được Nga chấp nhận là trong thời gian qua, Moscow đã đầu tư xây dựng rất nhiều công trình quân sự trên 2 đảo Iturup và Kunashir, còn Shikotan và Habomai được chú trọng đầu tư phát triển kinh tế.

Điều này cho thấy, Moscow sẽ không nhân nhượng về 2 đảo lớn Iturup và Kunashir, nhưng có thể thỏa hiệp trong việc chuyển giao lại 2 đảo nhỏ Shikotan và Habomai cho Nhật Bản, sau khi 2 bên ký Hiệp định hòa bình.

Tuy hợp lý nhưng trong điều kiện hiện nay, hai bên vẫn chưa thể thực hiện được điều này do xuất phát từ những yếu tố khách quan và chủ quan từ cả phía Nga và Nhật Bản.

Về phía Nhật Bản

Tuy có một bộ phận đảng phái và dư luận xã hội Nhật Bản coi giải pháp 2-2 là phù hợp nhưng ở đây không thể bỏ qua vai trò của Mỹ. Từ trước đến nay Washington đều nhắc nhở Tokyo không nên có bất cứ thỏa hiệp nào với Nga về vấn đề chủ quyền.

Hơn nữa, Washington luôn ép Tokyo phải cứng rắn với Nga về vấn đề tranh chấp chủ quyền bán đảo Crimea với Ukraine, cũng giống như quần đảo Kuril. Nhật Bản cũng không được phép gỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga bởi họ là một thành phần của G7.

Nếu Nhật thỏa hiệp chia 2-2 với Nga tức là thừa nhận “chủ quyền chiếm đoạt trái phép của Nga” với 1 phần của quần đảo Kuril, đó là điều bất lợi cho Mỹ trong vấn đề tương tự là bán đảo Crimea. Do đó, Washington sẽ làm tất cả để phá thỏa hiệp này.

Về phía Nga

Nga là đất nước có hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa rất cao, do đó, Moscow sẽ không thể nhanh chóng làm thay đổi tâm lý của phần lớn cư dân nước này về việc trao trả 2 đảo cho Nhật Bản, đây sẽ là phương án có lộ trình lâu dài, mang tính chất chuyển tiếp.

Hơn nữa, Nga hiện đang bị cáo buộc “dùng vũ lực chiếm Crimea của Ukraine”. Việc nước này trả lại 2 đảo cho Nhật Bản có thể dẫn đến liên tưởng là nước này thừa nhận đã chiếm đóng trái phép 2 đảo của Nhật trong hơn nửa thế kỷ. Đó là bất lợi, nếu một mai Ukraine kiện Nga trước tòa án quốc tế.

Hơn nữa, Moscow cũng sẽ không dễ dàng để mất những khoản đầu tư vào các công trình kinh tế ở 2 đảo nhỏ Shikotan và Habomai. Do đó, Moscow có thể sẽ đưa kém theo các điều kiện kinh tế có lợi trong thời gian dài rồi mới chuyển giao chúng cho Tokyo.

Kết luận:

Các chuyên gia kết luận, những phân tích trên cho thấy rằng, trong thời gian ngắn tới, Moscow và Tokyo rất khó đạt được việc phân định chủ quyền đối với quần đảo này. Hai bên vẫn sẽ có những tiếp xúc và bàn bạc nhưng việc trao trả các đảo còn lâu mới có thể xảy ra.

Trong thời gian tới, để đạt được Hiệp định hòa bình, 2 bên sẽ có những thỏa hiệp nhất định, ví dụ như “Tạm gác tranh chấp, cùng nhau khai thác”, giống như chiến lược “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!”, mà Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện trên Biển Đông.

Như vậy, trong thời gian tới, Nga sẽ cho phép các doanh nghiệp Nhật Bản được đầu tư vào các đảo này, tận dụng các cơ sở hạ tầng Nga đã xây dựng ở đây, theo phương châm hai bên cùng có lợi, nhưng chủ quyền các đảo vẫn thuộc về Moscow.

Trong thời gian không ngắn, thậm chí có thể kéo dài hàng chục năm, khi dư luận Nga đã quen với sự hiện diện của người Nhật trên các đảo này và vụ việc Crimea “mờ dần trong quá khứ” thì khi đó Nga và Nhật Bản mới có thể đạt được thỏa thuận chủ quyền.

RELATED ARTICLES

Tin mới