Friday, April 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSamsung Việt Nam đang được hưởng quá nhiều ưu đãi?

Samsung Việt Nam đang được hưởng quá nhiều ưu đãi?

Hiện tại Samsung Việt Nam đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, vì thế với những lỗi sai do doanh nghiệp, thì không nên ưu ái thêm.

Samsung xin Việt Nam miễn thuế cho Galaxy Note 7 bị lỗi

Không nên chấp nhận

Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) vừa có văn bản gửi Tổng cục Hải quan xem xét các cơ chế ưu đãi trong việc đổi trả sản phẩm Galaxy Note 7, để hãng được miễn thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Sau khi phát hiện lỗi trong quá trình sản xuất các sản phẩm Galaxy Note 7, Samsung đã quyết định thu hồi lại toàn bộ sản phẩm này trên thị trường, trong đó tại Việt Nam.

Theo đề xuất của SEVT, việc đổi trả Note 7 có thể áp dụng theo hình thức tạm nhập – tái xuất và tạm xuất – tái nhập đối với chi nhánh khi thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi sản phẩm bị lỗi từ khách hàng và xuất trả sản phẩm mới thông qua chi nhánh.

Trước đề xuất trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 4/10, PGS TS. Nguyễn Văn Ngãi – Khoa Kinh Tế – Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: “Theo quan điểm của tôi, không nên đồng tình với đề xuất trên của SEVT. Bởi lẽ, đối với rủi ro mà do chính doanh nghiệp gây ra thì họ phải chịu trách nhiệm, phải chấp nhận, chứ không được đề nghị xin ưu đãi về thuế.

Quan điểm của tôi là không ủng hộ việc này, không thể làm dưới hình thức tạm nhập – tái xuất được. Việc này không giống như trong khu chế xuất, nhập về rồi lại xuất ra, không phải như vậy mà là thu hồi trên thị trường, rồi lại hoàn trả thị trường.

Đây là công ty đầu tư nước ngoài ngay trong nước, xong rồi sản xuất hàng hóa, bán trong nước là chủ lực, cùng với đó là xuất khẩu sang các thị trường khác, nên không thể lấy lý do tạm nhập – tái xuất”.

Hơn nữa, theo ông Ngãi, Samsung đang nhận được khá nhiều ưu đãi dưới hình thức doanh nghiệp FDI, với mức ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án.

Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp. 

”Ở đây là lỗi do khâu công nghệ sở hữu nên họ phải chấp nhận, phải chịu trách nhiệm, chứ không thể kêu gọi hoàn thuế, kêu gọi qua các cơ quan quản lý. Nếu dành ưu đãi cho SEVT trong sự việc lần này sẽ dễ tạo ra tiền lệ xấu, rủi ro không đảm bảo được” – ông Ngãi thẳng thắn.

Đề cập lại vấn đề Việt Nam nhận được gì, ông Ngãi nói rõ, thực tế con số 30 tỉ USD xuất khẩu điện thoại của Samsung, nghe kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng thực tế 70 – 80% hàng hóa để sản xuất là nhập khẩu từ nước ngoài. Nghĩa là, doanh nghiệp ở nước ngoài hưởng lợi chứ không phải Việt Nam. Lợi nhuận Việt Nam có được từ việc Samsung đầu tư không hề lớn.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài cho biết: “Tất cả hãy làm theo Luật hiện hành, nhà nước không nên gánh chịu những hệ quả của dây chuyền sản xuất có lỗi của doanh nghiệp.

Sản xuất có lỗi thì yêu cầu nhà nước có ưu đãi, khi có lãi thì chúng ta được gì. Ưu ái quá sẽ tạo thành tiền lệ xấu”. 

Khó kiểm soát được sản phẩm được miễn thuế

Về những hệ lụy nếu tiếp tục ưu đãi, theo PGS TS. Nguyễn Văn Ngãi, Việt Nam không kiểm soát được doanh nghiệp làm lỗi bao nhiêu sản phẩm, thu hồi bao nhiêu, nên cách tốt nhất là không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của DN này.

Ông nhắc lại: “Tại sao trong một cơ chế thị trường sòng phẳng, một sự cố không phải do lỗi của phía quản lý, không phải do thiên tai, thời tiết mà chúng ta phải chấp nhận thay đổi. Nên vì một môi trường cạnh tranh bình đẳng, đừng quá nuông chiều doanh nghiệp FDI”.

Đồng tình, TS Phan Hữu Thắng nói rõ: “Nếu muốn kiểm soát được số điện thoại xuất nhập, chắc chắn Tổng cục hải quan phải làm tròn trách nhiệm của mình, theo đúng Luật, kiểm soát các lô hành theo số seri đăng ký.

Nhưng thiết nghĩ không nên có chuyện Luật chạy theo doanh nghiệp, mà phải yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật VN.

Không thể cứ có chuyện gì lại thay đổi, lại có cơ chế ưu đãi. Nuông chiều doanh nghiệp quá là điều khó chấp nhận bởi điều đó sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới