Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngMỹ - Nhật cần ai để thay thế Philippines ở Biển Đông?

Mỹ – Nhật cần ai để thay thế Philippines ở Biển Đông?

Trong bối cảnh Philippines đang có động thái kết thân với Trung Quốc, Mỹ – Nhật hy vọng đưa Việt Nam trở thành đối tác an ninh trong khu vực nhằm giữ thế cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.

Tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ bị suy giảm khi Philippines thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định chính sách đối ngoại “độc lập” của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte không nên bị xem thường bởi nó có thể giảm dần tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đặc biệt ở Biển Đông. 

“Chính sách đối ngoại hiện thời của Tổng thống Duterte đang dịch chuyển xa dần Mỹ để hướng sang Trung Quốc. Điều này có thể làm giảm dần tầm ảnh hưởng địa chính trị của Washington ở châu Á đúng thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng không ngừng nóng lên. Kết quả Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành đối tác an ninh trong khu vực ở Biển Đông”, hãng nghiên cứu BMI Research thuộc Tập đoàn Fitch Group (Mỹ) nhận định trong bản báo cáo đăng hôm 30/9 dưới tiêu đề “Chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte làm giảm tầm ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ”. 

Thuật ngữ “tái cân bằng” chính sách ngoại giao mà các thành viên trong Nội các của ông Duterte nhắc tới ám chỉ Philippines đang từng bước làm lành với quốc gia láng giềng Trung Quốc bất chấp việc Manila gửi đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2013 liên quan tới những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 

Hôm 12/7, Tòa quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Song Bắc Kinh khẳng định không công nhận phán quyết trên. 

“Bước dịch chuyển địa chính trị quy mô lớn ở châu Á diễn ra vào giữa năm 2016, thời điểm ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippines. Hành động này đang làm giảm vị thế của Mỹ song lại làm lợi cho Trung Quốc. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông Duterte là Tổng thống Benigno Aquino III theo đuổi chính sách chống Trung Quốc khi mà Bắc Kinh ngang nhiên xâm lấn chủ quyền trên Biển Đông. Ông Aquino đã thắt chặt quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Nhật Bản, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á. Trái lại, ông Duterte lại có những tuyên bố chống Mỹ nhưng làm thân với Trung Quốc. Điều đó cho thấy sự hiện diện của Philippines trong khối các quốc gia châu Á do Mỹ dẫn đầu nhằm cân bằng sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, sẽ sớm không còn tồn tại”, tờ Inquirer dẫn báo cáo của BMI Research.

Cũng theo bản báo cáo của BMI Research, với vị trí chiến lược nằm giữa các tuyến đường thương mại toàn cầu kết nối khu vực Thái Bình Dương và Biển Đông, Philippines hiện là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng địa chính trị quan trọng. 

“Mỹ đã nhận ra địa thế quan trọng của Philippines cách đây hơn một thế kỷ. Và kể cả sau khi Philippines giành được độc lập vào năm 1946, Mỹ vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Manila”, BMI Research nhấn mạnh. 

Quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Philippines được ghi dấu bằng sự kiện Tổng thống Aquino ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng có thời hạn 10 năm với Washington hồi năm 2014. 

Liên quan tới tình hình Biển Đông, BMI Research viết: “Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục củng cố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông khi cho xây các hòn đảo nhân tạo và biến nơi đây trở thành các cơ sở quân sự cũng như tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông trong tương lai gần”. 

Cũng theo BMI Research, với vị thế địa chính trị ở châu Á hiện nay, Trung Quốc coi Philippines là nhân tố chủ chốt ở khu vực “chuỗi đảo thứ nhất” chạy xuyên từ phía nam Nhật Bản và Đài Loan ra Biển Đông. Đây từng là khu vực Mỹ thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm kiềm chế Liên Xô cũ và Trung Quốc. 

“Do đó, nếu Philippines từ bỏ mạng lưới liên minh của Mỹ, đây sẽ là cú tát mạnh với chiến lược ‘chuỗi đảo thứ nhất’ của Washington. Ngay cả khi Philippines thể hiện vị trí trung lập, Trung Quốc vẫn giành ưu thế”, BMI Research nhấn mạnh. 

Khi nhắc tới Tổng thống Duterte, BMI Research cho rằng “bản tính bốc đồng của ông Duterte đã tạo ra sự rối loạn địa chính trị”. Cụ thể, ông Duterte trở thành tâm điểm của quốc tế kể từ tháng Chín khi công khai chỉ trích Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan tới chiến dịch chống ma túy khiến hơn 3.000 người Philippines thiệt mạng. 

Theo ông Duterte, những lời chỉ trích nhằm vào chiến dịch chống ma túy được xem như hành động xâm phạm chủ quyền của Philippines đồng thời nhấn mạnh tham vọng theo đuổi “chính sách đối ngoại độc lập” chuyển sang thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và khả năng là cả Nga. 

Tuy nhiên, BMI Research cho rằng “kế hoạch chính sách đối ngoại về lâu dài của ông Duterte vẫn là ẩn số”. Bởi ông Duterte vẫn là người thiếu kinh nghiệm chính trường quốc tế và những tuyên bố của ông này có phần trái chiều so với hành động. Cụ thể, sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố ngừng các cuộc tuần tra với Mỹ trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ngay lập tức lên tiếng đính chính lời của Tổng thống. 

Đáng nói, tính bốc đồng của ông Duterte có thể dẫn tới những rủi ro chính trị. “Đầu tiên, những tuyên bố chống Mỹ của Tổng thống Duterte có thể chọc tức Mỹ hoặc tạo ra sự nghi ngờ về mức độ tin cậy của Philippines khi là đồng minh của Mỹ cho dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Do đó, Washington sẽ phải tìm một đối tác mới trong khu vực và Việt Nam là ứng cử viên sáng giá nhất. 

Ngoài ra, ông Duterte cũng không cần quan tâm tới ai là tân Tổng thống Mỹ dù đó là Hillary Clinton hay Donald Trump. Theo BMI Research, ứng cử viên Hillary Clinton là người ủng hộ chiến lược “trục châu Á” điều này đồng nghĩa với việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong khi, Tổng thống Duterte lại muốn thi hành chính sách ngoại giao độc lập hơn và sẽ không bắt tay với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Còn ứng cử viên Donald Trump đã nhiều lần đặt ra câu hỏi tại sao Mỹ phải duy trì mối quan hệ đồng minh lâu đời với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, NATO và Ả Rập Xê-út cũng như hiệp ước quốc phòng lâu đời với Philippines. 

“Trong vòng 6 năm tới nếu như ông Duterte vẫn tại vị, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines sẽ đầy bất ổn dù Manila không nghiêng hẳn về Trung Quốc. Chính quan hệ đồng minh lỏng lẻo giữa Mỹ và Philippines sẽ giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế khi mà năng lực chống đối chọi với Trung Quốc bị suy giảm”, BMI Research cho hay. 

Mặc dù ông Duterte chưa có những phát ngôn “gây sốc” với Nhật Bản nhưng với quan điểm thân Trung Quốc, chắc chắn Tokyo sẽ phải xem lại chính sách đối ngoại với Manila. Còn đối với Nga, một quốc gia vốn có ít tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, việc ông Duterte muốn thắt chặt quan hệ với Moscow là tín hiệu với Mỹ cho thấy Philippines sẵn sàng trở thành bạn tốt của những nước mang tư tưởng phản đối Washington. 
RELATED ARTICLES

Tin mới