Quân đội của Trung Quốc đang tài trợ cho dự án nghiên cứu chế tạo lò phản ứng hạt nhân gọn nhẹ, có thể dễ dàng vận chuyển và lắp đặt trên các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Chuyên gia Trung Quốc cũng lo ngại nguy cơ sự cố.
Tàu và trực thăng Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông – Ảnh: Reuters
Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 11-10, lò phản ứng hạt nhân này được gọi là “bộ pin hạt nhân xách tay”, với chiều dài 6,1 mét và cao 2,6 mét, đủ nhỏ để đặt vào container và vận chuyển bằng tàu biển.
Dù kích cỡ nhỏ gọn nhưng “nhà máy điện hạt nhân mini” này có công suất đến 10 megawatt, tức có khả năng sản xuất điện năng đủ dùng cho 50.000 hộ gia đình. “Nhà máy” này được cho là có thể hoạt động trong nhiều năm, thậm chí hàng thập niên mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Ngoài ra, khi vận hành, nó cũng không thải ra khói hay bụi, vì có thể tồn tại gần như “vô hình”.
Báo SCMP cho biết các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ An toàn Năng lượng Hạt nhân thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đang làm việc cật lực để có thể xuất xưởng thiết bị đầu tiên trong vòng 5 năm tới.
Nhiều khả năng lò phản ứng đầu tiên này sẽ được mang ra một trong các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng và tôn tạo trái phép ở Biển Đông.
GS Huang Qunying, một trong các nhà khoa học hạt nhân tham gia dự án, thừa nhận “một phần chi phí dự án là do quân đội Trung Quốc tài trợ”.
“Nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là có thể sử dụng nó cho mục đích dân sự” – GS Huang nói với báo SCMP, ngụ ý sẽ dùng thiết bị này làm nguồn điện khi đưa dân ra ở các đảo chiếm đóng trái phép.
Nguồn điện hạt nhân cũng có thể được dùng để vận hành các nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt để cung cấp cho người dân cư trú trên các đảo chiếm đóng trái phép thuộc các quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận công nghệ họ đang theo đuổi tương tự như loại lò phản ứng nhiệt làm nguội bằng chì nhỏ gọn được hải quân Liên Xô sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân hồi những năm 1970.
Tác hại môi trường
Nếu một nhà máy điện hạt nhân thực sự được đưa vào hoạt động trên Biển Đông, các tác động gây ra cho môi trường là rất nghiêm trọng, theo báo SCMP.
Khi xảy ra sự cố, chất thải phóng xạ từ nhà máy mini này không chỉ ảnh hưởng các nước xung quanh Biển Đông, mà còn có thể lan ra toàn thế giới vì chảy theo các dòng hải lưu.
Một nhà nghiên cứu môi trường hàng hải thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo có thể người dân ở đại lục không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu nhà máy xảy ra sự cố, nhưng có thể sẽ ăn phải cá và thủy sản nhiễm phóng xạ.
“Trước khi cho vận hành nhà máy điện hạt nhân trên các đảo ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc nên cân nhắc không chỉ lợi ích chính trị, quân sự hay kinh tế, mà còn các ảnh hưởng của nó đến môi trường” – nhà nghiên cứu giấu tên nói với báo của Hong Kong.