Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga khống chế Trung Đông và Địa Trung Hải?

Nga khống chế Trung Đông và Địa Trung Hải?

Ngày 12.10, Thượng viện Nga phê chuẩn thoả thuận cho phép triển khai lực lượng không quân thường trực ở Syria. Cùng với việc lập căn cứ hải quân thường trực ở nước này sẽ giúp Nga củng cố thế đứng chân vững chắc tại Trung Đông và Địa Trung Hải.

158 thượng nghị sĩ Nga đã bỏ phiếu thông qua thoả thuận triển khai lực lượng không quân thường trực tại căn cứ Khmeimim, Syria – tờ Russia Today cho hay.

Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng tại Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), ông Viktor Ozerov khẳng định, lực lượng không quân Nga ở Syria chỉ vì mục đích quốc phòng mà không nhằm vào các nước thứ ba. Ông cũng nói thêm, quyết định này đánh dấu “sự đầu tư đáng kể” của Nga vào nỗ lực quốc tế nhằm ổn định tình hình ở Syria.

Trước đó, hôm 7.10, Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu nhất trí phê chuẩn thoả thuận. Tài liệu này được ký kết vào ngày 26.8.2015 tại Damascus, cung cấp cơ sở pháp lý cho chiến dịch của Nga ở Syria.

Theo thoả thuận, không quân Nga sẽ hành động theo mệnh lệnh của chỉ huy và chính quyền Syria, được sử dụng vũ khí, đạn dược, trang thiết bị và vật liệu cần thiết để “đảm bảo sự an toàn và tính mạng của nhân viên Nga ở Syria”.

Tài liệu cho biết thêm, nhân viên Nga sẽ được hưởng điều kiện miễn trừ ngoại giao.

Căn cứ Khmeimim nằm gần Latakia, thành trì của Tổng thống Bashar al-Assad. Tại đây, Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 từ tháng 11.2015.

Trước đó, hôm 10.10, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov khi phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga đã cho biết, Nga sẽ cải tạo cảng Tartus thành một căn cứ hải quân thường trực ở Syria.

Thỏa thuận sẽ sớm được phê chuẩn, có thể ngay trong tháng Mười, theo một số nguồn tin. Tartus nằm ở phía tây bắc Syria. Nhiều hệ thống tên lửa phòng không S-300 mới được triển khai tại đây.

Giới phân tích nhận định, việc Nga triển khai cả căn cứ không quân và hải quân thường trực ở Syria là nhằm củng cố thế đứng ở toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, bảo vệ lợi ích quốc gia, vô hiệu hoá các mối đe doạ và tăng cường chính sách đối ngoại, quốc phòng của mình.

“Nếu Nga muốn một lần nữa đóng vai trò chính yếu trên trường quốc tế, họ cần căn cứ hải quân ở Syria, chủ yếu để bảo vệ lợi ích của mình” – ông George Messi, trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Công nghệ Mỹ ở Beirut, Lebanon nhận định với Ria Novosti.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, căn cứ ở Tartus sẽ tạo nên một “vùng hỗ trợ đáng tin cậy” cho lực lượng hải quân Nga được triển khai đến khu vực.

Sự hiện diện của tàu chiến đấu mặt nước và tàu ngầm được trang bị tên lửa hành trình Kalibr ở Tartus sẽ giúp Nga kiểm soát tình hình ở Trung Đông và Địa Trung Hải, nhất là trong bối cảnh NATO có nhiều hành động quyết đoán hơn.

Tuy nhiên, Washington chắc chắn sẽ không thích điều này. Quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đã đang căng như dây đàn, nay sẽ phức tạp hơn, bất kể ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Mỹ có lý do lo ngại về căn cứ của Nga ở Tartus, vì nó nằm rất gần căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồn trú Đơn vị Không quân 39 (39 ABW) của Mỹ và các lực lượng của NATO.

Ngoài ra, tên lửa S-300 và S-400 mà Nga đã triển khai đến Syria cũng là những cái gai trong mắt người Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới