Một bệnh nhân người nước ngoài đã được cấy ghép tạng để kéo dài sự sống tại một bệnh viện Trung Quốc. Với lòng biết ơn, ông đã hỏi một nhân viên bệnh viện về thông tin người hiến tặng để có thể tạ ơn và báo đáp.
Nhưng không ai ở bệnh viện – thậm chí cả vị bác sĩ thực hiện ca ghép tạng – biết danh tính của người hiến.
Trước chuyến bay về nhà, người bệnh nhân này đã được cấp mộtvăn bản cấy ghép tạng chính thức. Ông cuối cùng cũng biết được danh tính của người đã trao tặng cuộc sống cho mình: Một nam tử tù 30 tuổi. Trùng hợp thay, tất cả các bệnh nhân cấy ghép khác đều nhận được tạng hiến từ những tử tù 30 tuổi, khỏe mạnh. Chỉ có tên người hiến là khác nhau.
Một thông tín viên tự nhận mình đã từng làm việc tại Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân vào giữa những năm 2000 gần đây đã tường thuật lại tình tiết trên và những điều kỳ dị khác trong một bản tuyên bố cá nhân được gửi cho Đài Truyền hình Tân Đường Nhân.
Dưới đây là bản dịch của lời tuyên bố, đã được biên tập cho súc tích và rõ ràng.
Tôi hiện đang sống ở Trung Quốc đại lục. Tôi đã từng làm việc tại trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân. Những gì tôi biết được có thể xem như một lời cảnh báo hiếm hoi đến những ai đang cố chấp đàn áp Pháp Luân Công. Nó cũng là một câu chuyện cảnh tỉnh lương tâm cho những người đồng hương của tôi.
Đảng Cộng sản bán nội tạng người
Khi Trung Quốc đang chào đón một số lượng lớn bệnh nhân ghép tạng người nước ngoài, tôi được nhận vào làm việc ở trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân nằm ở tầng bảy. Tôi đã sắp xếp để có được công việc tại trung tâm cấy ghép này thông qua một lời giới thiệu.
Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân lúc đó còn được gọi là Trung tâm Cấy ghép Tạng Đông phương vì đây là nơi xử lý số lượng lớn các ca ghép tạng và có trụ sở tại Trung Quốc. Ngày nay, bệnh viện này vẫn là trung tâm lớn nhất ở châu Á.
Thế giới môi giới nội tạng là một chiếc hộp đen – nhưng từ các mối liên hệ của tôi với thế giới này, tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều kênh để mọi người tìm hiểu hoặc có được tạng.
Một kênh là thông qua trung gian. Một vị bác sĩ Hàn Quốc nổi tiếng, công tác tại một trong những bệnh viện lớn nhất ở Hàn Quốc, sẽ giới thiệu bệnh nhân của mình với một người trung gian. Người trung gian này sẽ dẫn dắt những người bệnh đến bệnh viện Thiên Tân.
Không có thoả thuận ngoại giao về việc cấy ghép tạng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Thay vào đó, những người trung gian thuộc các tổ chức giống như Mafia sẽ thương lượng các giao dịch cấy ghép.
Nhiều người trong số các bệnh nhân cấy ghép tạng người nước ngoài đến Trung Quốc để tìm một lá gan hoặc thận. Phần lớn những người nước ngoài này là người Hàn Quốc, trong khi phần còn lại đến từ Nhật Bản hay Đài Loan.
Các bác sĩ ngoại quốc là một kênh cấy ghép tạng khác. Vì ở Trung Quốc thiếu các bác sĩ cấy ghép tạng nên một bệnh viện vô danh đã thuê một bác sĩ người Hàn Quốc với mức lương cao. Vị bác sĩ Hàn Quốc này đã nói với tôi rằng các đồng nghiệp của ông ở Trung Quốc đã đăng ký thông tin hộ tịch (hộ khẩu) ở hai nơi – một ở Hàn Quốc, và một ở Trung Quốc – và rằng ông là một công dân Trung Quốc hợp pháp. Tôi không biết những người bác sĩ Hàn Quốc như thế có bao nhiêu dòng máu Trung Quốc đang chảy trong người.
Kênh thứ ba là các quảng cáo thương mại Trung Quốc. Các quảng cáo này do những nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc đóng vai chính, nhằm mục đích lừa dối và lôi kéo những bệnh nhân tiềm năng. Một bệnh nhân người Hàn Quốc mà tôi giữ liên lạc cho biết những đồng hương của ông đã đổ xô đến Trung Quốc sau khi xem một quảng cáo ghép tạng của diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Phó Bưu (Fu Biao).
Ngày 26 tháng 8 năm 2004, Phó Bưu đã đến Bệnh viện 309 Bắc Kinh để kiểm tra. Ngày hôm sau, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan. Vào ngày 02 tháng 9, Phó được ghép gan tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Nhân dân ở Bắc Kinh.
Kíp trưởng phẫu thuật cho Phó là bác sĩ Thẩm Trung Dương, người được giới truyền thông Trung Quốc ca tụng là “con dao mổ hàng đầu”. Bác sĩ Thẩm từng là người đứng đầu viện nghiên cứu ghép tạng tại Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và Trung tâm Cấy ghép Tạng Đông phương ở Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân.
Vào tháng 04 năm 2005, Phó tái phát bệnh ung thư. Ông đã phẫu thuật ghép gan lần hai vào ngày 28, và lại một lần nữa được thực hiện bởi bác sĩ Thẩm, và lần này là tại Trung tâm Cấy ghép Tạng Đông phương.
Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 8, Phó Bưu đã qua đời.
Tháng 03 năm sau, việc mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công vẫn còn sống ở quận Tô Gia Đồn tại thành phố Thẩm Dương bị bóc trần. Giữa những năm từ 2002 đến 2005 được cho là thời kỳ cao điểm của hoạt động mổ cắp nội tạng của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân. Sau đó, một bài báo tiết lộ rằng bác sĩ Thẩm Trung Dương đã tiến hành các thí nghiệm cấy ghép gan có sử dụng các đối tượng đang còn sống, nhiều người trong số này “đã chết trong khi đang tiến hành thí nghiệm”.
Về sau, một người đã cung cấp thông tin về nguồn cung các lá gan đã được hiến cho nam diễn viên Phó Bưu – từ hai học viên Pháp Luân Công tỉnh Sơn Đông. Bác sĩ Thẩm đã giết các học viên này để lấy nội tạng.
Mặc dù Phó có lẽ chỉ sống thêm được một năm nữa sau hai ca cấy ghép gan, quảng cáo cấy ghép tạng của ông ta vẫn tiếp tục được truyền bá tại Hàn Quốc. Vậy nên, người Hàn Quốc vẫn tới Trung Quốc để phẫu thuật vào năm 2006 bởi họ, không giống như người Trung Quốc, không biết rằng Phó Bưu đã qua đời.
Những người cần ghép gan trên thế giới đã trở thành nạn nhân của trò lừa gạt tàn ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngân hàng nội tạng người lớn nhất thế giới
Một bệnh nhân người Hàn Quốc đã từng kể với tôi rằng các bác sĩ Trung Quốc đã học được kỹ thuật cấy ghép nội tạng từ các bác sĩ Nhật Bản có kỹ thuật thượng thừa.
Khi tôi còn làm việc tại trung tâm cấy ghép tạng Thiên Tân, các nhân viên bệnh viện đã quen thuộc với giáo sư Trịnh, một chuyên gia về cấy ghép gan, và giáo sư Tống, một chuyên gia cấy ghép thận. Họ được coi là những bác sĩ phẫu thuật cấy ghép giỏi nhất trong lĩnh vực của mình, và cả hai đều đã học được nhiều kỹ xảo trong nghề tại Nhật Bản. Hai vị giáo sư này không chỉ làm cố định cho một bệnh viện nào – ngày hôm nay họ thực hiện phẫu thuật tại Trung Quốc, và ngày hôm sau họ sẽ đến Nhật Bản hay một nơi nào khác.
Tại Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân, các bác sĩ thường thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép theo một nhóm ba người. Tôi không chắc có bao nhiêu nhóm phẫu thuật như vậy. Những bác sĩ này làm việc bất kể ngày đêm, trong khi các phiên dịch viên của bệnh viện cùng chờ đợi với người thân bệnh nhân trong các hành lang. Một ca ghép gan có thể kéo dài đến 10 giờ.
Tôi đã đặt câu hỏi với giáo sư Trịnh và giáo sư Tống, tại sao những người nước ngoài, đặc biệt là người Hàn Quốc và Nhật Bản, lại lặn lội đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng. Họ nói với tôi rằng mặc dù họ [người Hàn Quốc và Nhật Bản] sở hữu kỹ năng cấy ghép điêu luyện, nhưng không thể tìm thấy những người hiến tặng trong một khoảng thời gian ngắn ở các nước châu Á nói trên. Ví dụ, thời gian chờ đợi cho một cơ quan nội tạng được hiến tặng ở Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể kéo dài đến 10 năm, hoặc sớm nhất là 5-6 năm. Một số bệnh nhân đã qua đời trong khi chờ đợi được hiến tặng vì có được một cơ quan như vậy không phải là điều dễ dàng.
Các giáo sư nói thêm rằng tất cả mọi người trong đội y tế của họ và bệnh nhân của họ đều biết về thời gian chờ này. Vậy nên, nhiều bệnh nhân nước ngoài quyết định du lịch đến Trung Quốc vì có vẻ như có nhiều người hiến tạng ở Trung Quốc.
Những bệnh nhân sửng sốt và đau buồn
Hầu hết những bệnh nhân tôi đã gặp tại Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân đều đang cần một lá gan hoặc thận. Trừ khi cơ thể bệnh nhân từ chối cơ tạng được ghép vào, họ sẽ được xuất viện sau một khoảng thời gian ngắn. Trong những trường hợp bình thường, bệnh nhân sẽ nhận được tạng trong hai ngày, trong khi thời gian chờ này ở nơi khác là từ 10 ngày đến nửa tháng – các bệnh nhân nói rằng như vậy là quá nhanh.
Một bệnh nhân người Hàn Quốc có thời gian chờ đợi lâu nhất ở trung tâm cấy ghép Thiên Tân trong số những người mà tôi đã gặp – nguyên một tháng – và hoá ra lúc đó vụ bê bối thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị phơi bày.
Sau một tháng ở Thiên Tân, bệnh viện nói với bệnh nhân này nên đến thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc để cấy ghép, và họ lập tức bay đến đó. Tôi đã không biết rằng mạng lưới cấy ghép nội tạng thực sự có tồn tại.
Cuộc phẫu thuật ở Vũ Hán rất thành công, và người bệnh cùng gia đình của ông rất hài lòng với kết quả. Trước khi trở về Hàn Quốc, bệnh nhân này và người vợ của mình – một người có đức tin – đã hỏi về người hiến tặng. Việc ghép gan đã khiến ông mất một số tiền (khoảng 300.000-500.000 NDT, tương đương 45.000 đến 75.000 USD), bệnh nhân cho biết, nhưng chính người hiến tặng đã cho phép ông lấy lại sức khỏe và kéo dài cuộc sống của mình.
“Tôi muốn biết ai đã hiến tặng lá gan để tôi có thể cảm ơn gia đình của người đó và báo đáp họ bằng tiền hay bất kỳ điều gì họ cần. Tôi thật sự rất biết ơn”, người này nói.
Vào thời điểm đó, các nhân viên bệnh viện không cách gì biết được nguồn gốc của các cơ tạng được hiến tặng. Ngoài ra, chúng tôi cũng được cảnh báo trước khi được thuê là không nên đi hóng chuyện xung quanh hay hứng thú tán chuyện với bệnh nhân.
Nhưng tôi muốn hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người bệnh nhân Hàn Quốc này trước khi ông ấy trở về nhà.
Tất nhiên, các bệnh nhân không biết rằng chúng tôi bị cấm việc rình mò khắp nơi, và tôi cũng không nên đặt các câu hỏi, nhưng tôi vẫn nói chuyện với bác sĩ thực hiện ca cấy ghép cho người bệnh này.
Vị bác sĩ cho biết: “Anh (chị) đang hỏi về người hiến tạng? Thậm chí chúng tôi còn không biết người hiến là ai nữa, và không có cách nào để tìm ra cả. Không ai có thể nói với anh (chị) bất cứ điều gì, và không có hồ sơ tồn tại”.
Tôi kể lại câu trả lời của bác sĩ cho bệnh nhân này và gia đình của ông, và họ đã rất sửng sốt.
Ông ấy cho biết rằng luật pháp quốc tế đã quy định việc chuyển giao của các cơ quan nội tạng. Theo các đạo luật này, những người hiến tạng và gia đình của họ sẽ được yêu cầu ký vào hồ sơ cấy ghép tạng. Nếu không có hồ sơ theo đúng quy tắc, các bác sĩ cấy ghép sẽ phải chịu trừng phạt. Ở Hàn Quốc, mọi người đều biết người hiến tạng của họ là vì thông tin này phải được công khai theo luật định.
Quay trở lại, những nhân viên bệnh viện chúng tôi không biết bất cứ điều gì về luật pháp quốc tế liên quan đến cấy ghép nội tạng. Bệnh nhân người Hàn Quốc này đã giải thích rằng nếu không có những luật định cấy ghép này, nhiều người có thể sẽ bị sát hại hàng loạt bởi bọn tội phạm muốn trục lợi từ những cơ quan nội tạng của họ. (Khi đó một cơ quan nội tạng có thể được bán với giá khoảng 300.000 đến 700.000 NDT).
Trước khi rời khỏi bệnh viện, bệnh nhân đến từ Hàn Quốc này đã nói rằng bệnh viện cần cung cấp cho ông một văn bản chính thức cho thấy rằng ông đã làm phẫu thuật và cơ tạng mà ông đã nhận được, cũng như thông tin và chữ ký cá nhân của người hiến. Nếu không có tài liệu này, người này sẽ không thể lên máy bay.
Tôi đã hộ tống người này và gia đình ông ấy đến sân bay. Họ và những bệnh nhân ghép tạng khác đã lên một chiếc máy bay hai tầng đặc biệt thay vì máy bay thương mại. Cuối cùng, các bệnh nhân ghép tạng đã được cấp hồ sơ cấy ghép, trong đó nói rằng họ được nhận tạng từ một nam tử tù 30 tuổi. Chỉ có tên của các tù nhân là khác nhau.
Tất cả mọi thứ đã được dàn dựng.
Vào thời điểm đó, tôi đã không nhận thức được rằng các cơ tạng mà những người nước ngoài đã bỏ ra một số tiền lớn để mua vốn xuất phát từ các học viên Pháp Luân Công. Nhiều người trong chúng ta đã quá ngây thơ, và không tưởng tượng ra nổi những người mờ mắt vì tiền đã thực sự bị tẩy não bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hết người này đến người khác, những thiên thần mặc áo trắng đã biến thành ác quỷ giết người. Biết rằng những điều này không thể được phép tiếp diễn, tôi đã bỏ công việc của mình tại Bệnh viện Trung ương Đệ Nhất Thiên Tân.
Về sau, tôi nhận được thông tin về việc thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công thông qua các kênh khác nhau. Tôi đã làm những gì tôi phải làm, và phơi bày sự thật với thế giới để những người có lương tâm có thể tự giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của ma quỷ.
Gần đây, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua H.Res.343, một nghị quyết kêu gọi chính quyền Trung Quốc lập tức ngừng ngay việc thu hoạch và buôn bán các cơ quan nội tạng thu được từ các học viên Pháp Luân Công và những tù nhân lương tâm khác.
Trong 17 năm qua, các học viên Pháp Luân Công – những người sống theo các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn – đã phải chịu đựng hàng trăm phương pháp tra tấn vô nhân đạo, trong đó có cả hoạt động mổ cắp nội tạng tàn ác. Điều này phải bị chấm dứt ngay lập tức, và không nên được phép liên can đến phần còn lại của nhân loại.
Trách nhiệm của mỗi người Trung Quốc đang ở đại lục và hải ngoại là phải chấm dứt tội ác thu hoạch nội tạng sống này.