Một trong những lo ngại mà Nga đang phải đối mặt đó là, trong trường hợp một cuộc xung đột xảy ra, tên lửa phóng đồng loạt từ máy bay và tàu ngầm Mỹ sẽ vô hiệu hóa các cơ sở quân sự quan trọng.
Một số hệ thống ra đa cảnh giới của Nga |
Vì lý do này, Nga bắt đầu thực hiện những bước đi cần thiết để quân sự hóa các cơ sở dân sự. Cụ thể, quân đội Nga đang mua về những thiết bị gây nhiễu điện tử để lắp lên các tháp viễn thông phát sóng điện tử. Trong trường hợp xung đột xảy ra, họ sẽ bật các thiết bị này để khiến các tên lửa bay chệch mục tiêu.
Nga sẽ thiết lập hệ thống gây nhiễu tên lửa trên các tháp viễn thông trên toàn quốc. |
“Vào thời điểm hiện tại, việc thử nghiệm các thiết bị này đã được hoàn tất và chúng sẽ được bàn giao cho quân đội trong thời gian tới”, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga trả lời báo Izvestia.
Báo Izvestia cũng viết rằng những thiết bị này “được lắp đặt cùng ăng ten phát sóng trên các tháp viễn thông, qua đó lập thành một mạng lưới bao phủ toàn bộ khu vực và khiến các vệ tinh không thể theo dõi những nơi này”.
Việc Nga lắp đặt hệ thống gây nhiễu lên các tháp phát sóng tín hiệu điện thoại di động là hợp lý xét trên phương diện chiến thuật quân sự. Hiện tại Mỹ đang sở hữu một số lượng lớn tên lửa hành trình, máy bay không người lái cùng các hệ thống định hướng hiện đại.
Ông Anton Lavrov, một nhà phân tích quân sự Nga cho biết: “Tín hiệu từ vệ tinh là nền tảng của tất cả các hệ thống định vị mục tiêu. Vì vậy, chỉ cần tần số tín hiệu sai lệch một chút cũng có thể khiến tên lửa đi trượt.”
Mặc dù vậy, các chuyên gia Mỹ tin rằng các tên lửa của Mỹ như Tomahawk có những thiết bị đặc biệt được thiết kế để chống các thiết bị gây nhiễu. Một trong số đó là hệ thống AGR mà theo hãng chế tạo tên lửa này là Raytheon, có thể “cho phép vệ tinh có thể liên tục xác định lần ra vị trí của mục tiêu trong điều kiện nhiễu tín hiệu nặng”.
Tạp chí nguyệt san O.E. Watch do Văn phòng Nghiên cứu Quân sự Nước ngoài của Quân đội Mỹ nói rằng việc Nga lắp đặt các thiết bị gây nhiễu trên các tháp viễn thông là một bước chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn.
“Động thái này là một trong những nỗ lực để giúp Nga chuẩn bị cho những tình huống xung đột quân sự quy mô lớn, bên cạnh các cuộc diễn tập quân sự bất ngờ, tái cơ cấu lực lượng quân đội dự bị, thực hiện huấn luyện chỉ huy và quốc hữu hóa một số nhà máy công nghiệp”, O.E. Watch viết.
Một trong những nhược điểm của việc lắp đặt hệ thống gây nhiễu gần khu dân cư đó là, nếu Nga khởi động chúng, họ cũng sẽ không thể sử dụng thiết bị điện tử của mình. Vì vậy, các chuyên gia quân sự tin rằng nó sẽ chỉ được sử dụng trong những tình huống bất khả kháng.
Dù vậy, việc sử dụng các tháp viễn thông như một thiết bị quân sự sẽ phát huy hiệu quả khi Nga có thể tận dụng toàn bộ 250.000 tháp trên toàn đất nước, và đây được coi là một biện pháp chống tên lửa hành trình rất hữu hiệu.