Friday, April 19, 2024
Trang chủĐàm luậnVề khả năng Philippines “biếu không” bãi cạn Scarborough cho TQ

Về khả năng Philippines “biếu không” bãi cạn Scarborough cho TQ

Ngày 19/10, Tổng thống Philippines Duterte sẽ thăm Trung Quốc với trọng tâm là vấn đề khai thác bãi cạn Scarborough. Đối lập Philippines lo sợ nhân dịp này ông Duterte sẽ “dâng” bãi cạn này cho Trung Quốc để đổi lấy các khoản đầu tư kinh tế từ Bắc Kinh. Nếu trong trường hợp đó, cục diện tranh chấp Biển đông sẽ thế nào?

Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự tính thăm Bắc Kinh từ 19 đến 21/10 và sẽ hội đàm với Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc. Chương trình nghị sự của ông sẽ tập trung vào thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, bao gồm cả việc tiếp cận bãi đá Scarborough. Các nguồn tin ngoại giao và doanh nhân tại Manila cho biết hơn 20 doanh nhân sẽ tháp tùng ông Duterte và nhiều thỏa thuận sẽ được ký kết, tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ song phương.

Các chuyên gia dự đoán trong chuyến đi này, có thể có một thỏa thuận về việc tái mở tiếp cận bãi đá Scarborough. Nhưng đó có thể là thỏa thuận miệng, chứ không thành văn, để tránh việc chính thức thừa nhận phán quyết của tòa án quốc tế. Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ quyết định của toà án quốc tế đưa ra hồi tháng 7/2016, trong vụ Philippines kiện, vì tòa phán quyết rằng các đòi hỏi của Trung Quốc ở vùng biển này là vô giá trị.

Trước đây, ông Duterte muốn Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa và cho phép ngư dân tiếp cận bãi đá Scarborough, ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Nhưng ông không muốn nhấn mạnh tới việc thực hiện phán quyết của tòa và nói là muốn thương lượng dần dần.

Thái độ hòa hoãn này của Philippines đã khiến Trung Quốc “án binh bất động” tại Biển Đông từ vài tháng nay. Viện nghiên cứu Úc ASPI ngày 10/10/2016, nhận định, Bắc Kinh đang phải tự kềm chế để xem diễn biến ra sao. Nếu thực sự là tân Tổng thống Philippines xoay trục qua Trung Quốc thay vì qua Mỹ, Bắc Kinh sẽ có thể bất chiến từ nhiên thành tại Biển Đông, vừa có khả năng có được một thỏa thuận song phương với Philippines về Biển Đông, vừa phá được phần nào chính sách tái cân bằng của Mỹ qua vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Tóm lại cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chờ tình hình mới mà phía Philippines đặt ra, cụ thể là chính sách đối ngoại rõ ràng của ông Duterte, để có bước đi tiếp.

Viện nghiên cứu ASPI đưa ra hai lý do có thể khiến Philippines có thỏa thuận song phương với Trung Quốc nhân dịp ông Duterte thăm Bắc Kinh. Thứ nhất, tại Biển Đông, Manila quan tâm đến quyền đánh bắt cá và tiềm năng dầu khí tại khu vực tranh chấp hơn là quyền tự do lưu thông hàng hải quốc tế. Thứ hai, Philippines không muốn phải đối đầu quân sự với Trung Quốc, một nguy cơ đặc biệt lớn nếu Philippines bị Mỹ sử dụng như cơ sở quân sự.

Nếu đạt thỏa thuận về bãi cạn Scarborough, có nghĩa là Philippines từ bỏ chủ quyền trước đây của mình và chịu thua trước Trung Quốc. Từ năm 1965, Philippines thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Đến tháng 6/2012, Trung Quốc đã chiếm thành công bãi cạn này từ tay Philippines. Đây là lý do khiến chính quyền Aquino đâm đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.

Lo ngại trước điều này, lên tiếng trong cuộc hội thảo ở Viện nghiên cứu Asian Institute of Management tại thành phố Makati hôm 14/10, thẩm phán tối cao pháp viện Philippines, ông Antonio Carpio, nói rằng Duterte sẽ vi phạm Hiến pháp nếu có sự nhân nhượng với Bắc Kinh về cuộc tranh chấp hiện nay. “Tôi không muốn điều đó xảy ra vì nếu tổng thống từ bỏ chủ quyền của chúng ta ở Scarborough thì ông sẽ bị giải nhiệm”, theo bản tin của tờ Philippines Star. Ông Carpio nói thêm rằng nếu Manila nhượng bộ thì vĩnh viễn quốc gia này sẽ không còn cơ hội lấy lại, ngay cả khi vấn đề được đưa ra trước tòa án quốc tế.

Mối quan hệ hữu nghị giữa Philippines và Mỹ là một trong những trụ cột trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama. Thế nhưng liên minh này đang bị thử thách nghiêm trọng kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền từ ba tháng nay. Theo nhận định của nhà báo Nyshka Chandran trên website CNBC (ngày 4/10/2016) thì nếu Mỹ rút, Philippines có nguy cơ bị Trung Quốc xâm lấn. Ernest Bower, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành văn phòng cố vấn rủi ro chính trị BowerGroupAsia (BGA), nhận xét: “Lật lại lịch sử sẽ thấy hậu quả tai hại tiềm tàng nếu Manila trục xuất lực lượng quân sự Mỹ. Sau khi Philippies đóng cửa các căn cứ của Mỹ ở vịnh Subic và Clart vào năm 1991, Trung Quốc bắt đầu xác quyết các yêu sách chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough”.

Richard Bush, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, cảnh báo: “Rất có khả năng Bắc Kinh có tận dụng bối cảnh Mỹ vắng mặt tại khu vực để tăng cường hiện diện tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp”.

Như vậy nếu Philippines đạt được thỏa thuận song phương với Trung Quốc và trục xuất quân Mỹ khỏi Philippines như những đe dọa của ông Duterte thì coi như Trung Quốc sẽ làm chủ hoàn toàn Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới