Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrở lại Cam Ranh, Nga ưu tiên số 1 ở Châu Á-TBD

Trở lại Cam Ranh, Nga ưu tiên số 1 ở Châu Á-TBD

Trong chiến lược tái lập các căn cứ quân sự trên toàn thế giới, “trở lại Cam Ranh” đang là ưu tiên hàng đầu của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.

 

Nga quyết khôi phục hệ thống căn cứ quân sự trên toàn thế giới

Moscow đã công bố quyết định thiết lập căn cứ hải quân thường trực ở Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria. Nga cũng đã chuyển đến Syria hệ thống tên lửa phòng không S-300 để đảm bảo an ninh cho căn cứ, trước đó các hệ thống S-400 và Pantsir-S cũng đã được đưa đến căn cứ Hmeymim.

Liên quan đến vấn đề này, bình luận viên của MIA “Rossiya segodnya” và “Sputnik” Alexandr Khrolenko cho biết, từ quan điểm thuần túy quân sự, các căn cứ quân sự nước ngoài có vai trò vô cùng quan trọng đối với các cường quốc quân sự trên thế giới.

Về an ninh và an toàn hàng hải, các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là căn cứ không/hải quân sẽ đảm bảo an toàn của các tuyến đường biển chính, hỗ trợ hoạt động giao thương trên thế giới, chống cướp biển.

Về quân sự, căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu và tính ổn định chiến đấu của hạm đội, cho phép phân bổ hiệu quả lực lượng hải quân trên các đại dương và làm cho các khu vực xung đột và hướng chiến đấu nguy hiểm trở nên dễ tiếp cận hơn.

Từ góc độ địa-chính trị, việc các căn cứ hải quân có mặt ở nước ngoài không chỉ cho thấy vị thế quan trọng của đất nước, mà nó còn là điều kiện để phát triển kinh tế bền vững và khai thác an toàn các nguồn tài nguyên biển, cũng như công cụ quân sự và ngoại giao để tăng cường an ninh quốc gia và quốc tế.

Trong nhiều năm, Hải quân Liên Xô đã mở các căn cứ quân sự tại Ai Cập. Tuy nhiên, Liên Xô đã ngừng sử dụng căn cứ không quân ở thành phố Sidi-Barrani của Ai Cập ngay từ những năm 1972-1973.

Sau khi mở các căn cứ quân sự tại Syria và Ai Cập, Liên Xô tiếp tục triển khai các thiết bị quân sự ở Syria, Cuba và Việt Nam. Hoạt động này sau đó cũng được quân đội Nga kế thừa.

Nhưng vào đầu những năm 2000, Moscow đã đóng lại căn cứ tại Cuba và Việt Nam, chỉ còn duy trì duy nhất một trạm hậu cần-kỹ thuật ở Tartous/Syria, để bảo đảm cho hoạt động của các chiến hạm của Hạm đội Biển Đen ra vào hoạt động ở Địa Trung Hải.

Tro lai Cam Ranh, Nga uu tien so 1 o Chau A-TBD

Quân đội Nga đang muốn khôi phục các căn cứ quân sự trên toàn thế giới

Tuy nhiên, sau những khủng hoảng hậu Xô viết, hiện nay Nga đã tìm lại được vị thế của một cường quốc chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn thế giới, phá bỏ thế đơn cực của Mỹ, xây dựng thế giới đa cực, trong đó Nga đóng vai trò quan trọng nhất.

Những sự kiện gần đây đã một lần nữa chứng minh rằng, tốt hơn hết Nga đừng hy vọng vào một mối quan hệ mang tính hợp tác với phương Tây, mà nên tin tưởng vào sức mạnh của bản thân mình. Cụ thể là sự hiện diện của lực lượng Hải quân và Hàng không-vũ trụ Nga tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Do đó, Nga cần khôi phục lại hệ thống các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới.

Các hướng ưu tiên mở căn cứ quân sự của Nga

Hướng đầu tiên: Trung Đông và Địa Trung Hải.

Kể từ năm 1977, trạm cung ứng hậu cần-kỹ thuật (PMTO) cho Liên đội tàu số 5 Địa Trung Hải của Hải quân Nga đã hoạt động ở Tartus, Syria. Tuy nhiên, khái niệm giữa PMTO và căn cứ quân sự tác chiến có sự khác biệt rất lớn.

Điểm cung ứng hậu cần cho phép cung cấp nhiên liệu và nước ngọt cho các tàu thuyền, bổ sung nguồn thực phẩm, tiến hành sửa chữa thường xuyên, nhưng các tàu không được đòn trú ở đó. Còn căn cứ là mức độ hoàn toàn khác về khả năng tác chiến và an ninh.

Trong tình hình đổi mới của mình, căn cứ Tartus cho phép sử dụng những khả năng của Hải quân Nga ở khu vực Địa Trung Hải một cách hiệu quả hơn. Các chiến hạm Nga sẽ không phải “vật vờ” ngoài Địa Trung Hải, không phải chịu cảnh vài ba tháng 1 lần thay quân từ hạm đội Biển Đen.

Cơ sở hạ tầng sau khi đổi mới cho phép cả tàu chiến lớn như tàu sân bay, tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu ngầm và máy bay hải quân cùng trú đóng trong một thời điểm. Đây sẽ đem lại ưu thế cho Nga trong so sánh tương quan lực lượng chiến lược với Mỹ-NATO ở khu vực Trung Đông.

Ngoài ra, việc triển khai các máy bay chiến thuật ở căn cứ Hmeymim cũng đem lại sự bảo đảm chắc chắn cho không phận Syria và Địa Trung Hải, giúp Nga có đầy đủ công cụ chiến thuật để thực hiện các ý đồ tác chiến trong phạm vi hẹp.

Hôm 15/10, tờ báo Nga “Izvestia” dẫn nguồn từ giới ngoại giao và quốc phòng Nga đưa tin rằng, Moscow đang đàm phán với Cairo về việc cho Nga thuê một số căn cứ quân sự của Ai Cập, trong đó có căn cứ không quân Xô-viết tại thành phố Sidi-Barrani.

Đây là thành phố biển rất quan trọng nằm trên dải bờ biển phía Tây Bắc của Ai Cập và nằm ở ven bờ phía nam của Địa Trung Hải, nằm khá gần kênh đào Suez, nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ.

Nếu Nga khôi phục được căn cứ không/hải quân ở thành phố cảng Sidi-Barrani của Ai Cập thì quân đội Nga có thể hoàn toàn khống chế phần đông của Địa Trung Hải, bảo đảm an ninh cho Syria và cửa ngõ vào Biển Đen của Nga, chặn đường Hạm đội 5 Mỹ lên chi viện cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải.

Hướng thứ hai: Châu Mỹ La tinh

Ở hướng này, Nga có thể sẽ không tái triển khai các căn cứ tác chiến và các lực lượng chiến đấu, bởi kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tên lửa Caribê vào năm 1962, Moscow không muốn lặp lại tình cảnh thế giới một lần nữa đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hơn nữa, giả sử cuối cùng Nga vẫn sẽ tiến hành các bước đi để triển khai cơ sở hạ tầng quân sự ở Cuba, thì Hoa Kỳ sẽ làm tất cả để ngăn chặn điều này. Trước hết, Washington sẽ sử dụng các đòn bẩy áp lực chính trị, nhưng nếu không được, họ có thể tiến hành những biện pháp quân sự, khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều.

Trung tâm vô tuyến điện tử ở Lourdes của Nga ở Cuba

Ngay cả giới lãnh đạo Cuba chắc chắn cũng sẽ có quan điểm tương tự. Cuba cũng không muốn trong trường hợp này sẽ trở thành “bãi chiến trường” giữa Nga và Hoa Kỳ, sau khi nước châu Mỹ Latinh này đã nhận những hậu quả tai hại kéo dài hàng nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, Nga có thể sẽ đề nghị Cuba nối lại hoạt động của Trung tâm vô tuyến điện tử ở Lourdes, nằm cách 250 km ngoài khơi bờ biển của Hoa Kỳ. Cơ sở này đã được Liên Xô mở ra vào năm 1967 và Nga chỉ thừa kế nó chưa đầy một thập kỷ, trước khi đóng cửa vào năm 2000.

Khả năng của các thiết bị ở đây cho phép Nga tiến hành hoạt động tình báo vô tuyến khá hiệu quả trên toàn bộ chiều sâu lãnh thổ của “đối thủ tiềm năng”. Ngoài ra, Nga có thể dùng Lourdes để phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự (VTS) với các nước châu Mỹ Latin dễ dàng hơn.

Do đó, Moscow đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Havana về việc nối lại hoạt động của trung tâm Lourdes. Vào tháng 6 năm 2014, một phần thỏa thuận đã hình thành định dạng và hai bên vẫn tiếp tục đàm phán các phần tiếp theo.

Tuy nhiên, việc khôi phục hoàn toàn hoạt động của nó – với mục đích nhằm thẳng vào Mỹ – là vấn đề rất khó khăn bởi Washington chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt, còn giới lãnh đạo Cuba cũng không muốn phá hỏng mối quan hệ với Mỹ, vừa mới được khôi phục và vẫn chưa đầy đủ.

Hướng thứ ba: Châu Á-Thái Bình Dương

Vào năm 1979, Liên Xô đã nhận được quyền sử dụng điểm cung ứng hậu cần Cam Ranh miễn phí trong vòng 25 năm. Sau hai thập kỷ hoạt động, việc sử dụng cảng Cam Ranh của Nga đã hết hạn và Moscow đã quyết định không gia hạn thời gian sử dụng quân cảng này.

Tuy nhiên, sau khi khôi phục lại vị thế của một cường quốc thế giới, mục đích hàng đầu của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương hiện nay là khôi phục sự hiện diện quân sự ở Việt Nam. Đổi lại, Nga sẽ phát triển xây dựng ở Việt Nam cơ sở hạ tầng của trung tâm quốc tế đảm bảo cho tàu dân sự và quân sự.

Cam Ranh – một vịnh nằm sâu trong đất liền và kín gió có tầm quan trọng chiến lược đối với tàu thuyền dân sự và quân sự trên các tuyến đường biển giữa vùng Viễn Đông (Nga) và sang các vùng biển châu Á và châu Phi.

Cảng Cam Ranh có thể thường xuyên hiện diện khoảng 10 tàu chiến, tàu sân bay có thể đồn trú và cả các máy bay trinh sát, vận tải. Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và các máy bay tiếp liệu khổng lồ Il-78 của Nga đều có thể cất, hạ cánh ở sân bay Cam Ranh.

Bình luận viên MIA “Rossiya segodnya” Alexandr Khrolenko nhận xét, khoảng cách từ vịnh Cam Ranh đến đảo Guam 4000 km, các chuyến bay tuần tra của máy bay Tu-95 Nga đến khu vực đảo Guam sẽ là mối lo ngại thường trực của quân đội Mỹ.

Người Mỹ sẽ phải đánh giá lại sự hiện diện của Hải quân và lực lượng Không quân vũ trụ Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương như là một động thái biểu dương lực lượng.

Học thuyết Hải quân của Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng về sự có mặt thường xuyên của đất nước này ở các đại dương trên thế giới, các căn cứ nư Cam Ranh sẽ làm tăng thêm khả năng hoạt động độc lập của hải/không quân Nga trên thế giới – ông Alexandr Khrolenko kết luận.

 

Phóng to

Việt Nam không cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh

Ngày 13 tháng 10, ông Lê Hải Bình- người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố: ” Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam”

Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việt Nam đã nghiêm túc thực thi chính sách này nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia. Việt Nam xây cảng Quốc tế Cam Ranh để sử dụng cơ sở hạ tầng ở cảng cung cấp hậu cần cho các tàu chiến nước ngoài hoạt động ở Biển Đông và Thái Bình Dương.

Tàu chiến của Mỹ và những quốc gia khác như Nhật Bản và thậm chí là cả Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông cũng được mời cập cảng này, để được cấp dịch vụ sửa chữa-kỹ thuật, nạp nguyên liệu, nếu đã đạt được các thỏa thuận với phía Việt Nam.

Chuyên gia Nga Anton Tsvetov nhận định, việc Hà Nội lập Cảng quốc tế Cam Ranh để phục vụ cho các tàu thuyền nước ngoài đã cho thấy, việc Nga tính đến chuyện bố trí căn cứ quân sự tại Cam Ranh là rất khó, bởi mục đó không bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của Việt Nam.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới