Wednesday, January 1, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐiều gì khiến ông Duterte “dội nước lạnh” vào Mỹ?

Điều gì khiến ông Duterte “dội nước lạnh” vào Mỹ?

Giống như một vở kịch không có cốt truyện, “cuộc chiến ngoại giao” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với Mỹ có vẻ như đang thiếu một lý do hợp lý, giới quan sát nhận định. Trong khi đó, quan hệ của Philippines với Trung Quốc dường như đang ấm lên nhanh chóng sau 6 năm dưới mức đóng băng.

Philippines đang xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga. Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: ABS-CBN News

Ông Duterte, với biệt danh DU30 trên mạng xã hội, đang có chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này, với đoàn tháp tùng gồm đại diện nhiều doanh nghiệp lớn của Philippines để khai thác các cơ hội đầu tư, thương mại… Điều này báo trước những chấn động chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương, nhiều nhà phân tích nhận định.

 Trong khi có những tuyên bố từ Philippines rằng nước này có thể đứng vững mà không cần viện trợ nước ngoài (từ phương Tây), một bộ trưởng Philippines nói chuyến thăm lần này của ông Duterte có thể mang về khoảng 3 tỷ USD “viện trợ” từ Trung Quốc.

Bước chuyển trong quan hệ tay ba

Một bài báo trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 18/10 mô tả chuyến thăm của ông Duterte sang Trung Quốc lần này là “dội gáo nước lạnh” vào quan hệ Mỹ – Philippines. Chuyến thăm cũng được coi là bước chuyển thú vị của thế kỷ trong quan hệ Philippines – Trung Quốc và Philippines – Mỹ.

Trong những cuộc tranh luận về giá trị của việc nên nắm giữ Philippines sau chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ hay không, đại diện ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc Charles Denby cho rằng, Philippines là cửa ngõ để Mỹ bước vào thị trường Trung Quốc rộng lớn. Trong bài viết “Chúng ta có nên giữ Philippines?” (năm 1898), ông Denby viết: “Tôi thừa nhận sự tồn tại của tư tưởng quốc gia chống lại việc thâu tóm lãnh thổ nước ngoài, nhưng chúng ta phải cạnh tranh trong các quan hệ thương mại của thế giới ở những thị trường xa xôi. Thương mại, chứ không phải chính trị, mới là vua… 

Sẽ có một tương lai không biên giới mà khi đó Thái Bình Dương trở nên quan trọng với chúng ta hơn Đại Tây Dương… Việc sở hữu (Philippines) cho chúng ta chỗ đứng và tầm ảnh hưởng. Nó cũng mang lại cho chúng ta thương mại có giá trị về cả xuất khẩu và nhập khẩu…”. Lời tiên tri đó đã trở thành hiện thực. 

Thái Bình Dương trở nên ngày càng quan trọng với thế giới hơn Đại Tây Dương. Nhưng Tổng thống Duterte dường như sắp đảo ngược lý lẽ của ông Denby: thay vì Philippines trở thành cửa ngõ của Mỹ và Trung Quốc, Mỹ sắp trở thành cửa ngõ để Philippines vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Vẫn chưa rõ ông Duterte muốn bán cho Trung Quốc những sản phẩm nào, khi Trung Quốc đang là trung tâm sản xuất của thế giới. Nhưng rõ ràng Philippines có thể trở thành một nguồn nguyên vật liệu thô cho các sản phẩm hoàn thiện của Trung Quốc. Đây phải chăng là một bộ phim đã chiếu xong trong lịch sử quan hệ Philippines – Mỹ? Hay đánh dấu sự đi xuống của quan hệ này, để lại nhiều tác động trong quan hệ quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương?

Theo nhà báo Francisco Tatad, Bộ trưởng Thông tin Philippines (giai đoạn 1969-1980) và thượng nghị sĩ (giai đoạn 1992-2001), “quan hệ đặc biệt” giữa Philippines với Mỹ đã trải qua hơn 100 năm; không hoàn hảo, nhưng quan hệ này đã vượt qua phép thử của thời gian, dù có những mâu thuẫn và bất mãn. 

Quan hệ kinh tế của Philippines với Mỹ chỉ thua quan hệ với Nhật Bản; quan hệ an ninh và quân sự với Washington cũng lâu đời như vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Thái Bình Dương; quan hệ chính trị từng bị nhúng máu nhưng đã được củng bố bởi những quan điểm ủng hộ nhau trên nhiều diễn đàn khắp thế giới.

Nhưng để quyết định xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và Nga, ông Duterte đã lựa chọn hạ cấp quan hệ lịch sử với Mỹ, ngay cả khi Mỹ không phản đối, không tạo trở ngại gì trên con đường ông tiến lại gần Bắc Kinh và Mátxcơva, ông Tatad nhận định. Theo vị cựu Bộ trưởng Thông tin Philippines, có vẻ như Tổng thống Duterte muốn sử dụng chính sách đối ngoại của mình để giải quyết một vấn đề trong nước như cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi.

Đến nay, dân Philippines được coi là những người thân Mỹ nhất thế giới, một khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy. Theo ông Tatad, rất nhiều người trong số đó cũng ủng hộ Tổng thống Duterte, nên họ có thể không đi ngược lại chiến lược xoay trục mà ông đã tuyên bố. Nhưng có vẻ những người này không hiểu lý do thực sự của sự dịch chuyển này là gì. Có thể họ cảm thấy bị mất phương hướng.

Do bực bội cá nhân?

Chính Trung Quốc là nước đã đòi chủ quyền và đưa phương tiện ra bao vây bãi cạn Scarborough để giành quyền kiểm soát từ Philippines. Trong khi đó, Mỹ là khán giả quan tâm muốn thấy tranh chấp trên biển được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, còn Trung Quốc muốn giải quyết bằng con đường song phương. Nhiều người đồng ý rằng, ông Duterte nên khám phá thêm những lĩnh vực có thể hợp tác với Trung Quốc chừng nào Philippines chưa thể thảo luận về tranh chấp lãnh thổ. Nhưng không ai hiểu lý do vì sao ông Duterte lạnh nhạt với Mỹ vì điều đó.

Tổng thống Duterte vẫn chưa tiết lộ lý do chính xác khiến ông nhiều lần mạnh miệng chỉ trích Mỹ. Chưa có điều gì nghiêm trọng xảy ra trong quan hệ song phương, và hai nước cũng không hề mâu thuẫn hay cạnh tranh nhau trên lĩnh vực chính trị, kinh tế hay quân sự. 

Tổng thống Duterte cũng chưa từng nói việc Mỹ “vi phạm nhân quyền” trong vụ thảm sát 600 người Hồi giáo Philippines cách đây 100 năm hay việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ý kiến về cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra ở Philippines là lý do để ông quyết định quay lưng với Washington. 

Rõ ràng những điều này khó có thể là lý do thực sự. Khi không có một lời giải thích chính thức nào, quyết định không nghiêng về Mỹ dường như chỉ là do sự bực bội cá nhân, nhưng điều này rất vô lý vì Tổng thống Duterte có thể và nên vượt lên trên nó, ông Tatad nhìn nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới