Thursday, January 9, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTruy trách nhiệm các Bộ vì “nhà nghèo làm chính sách như...

Truy trách nhiệm các Bộ vì “nhà nghèo làm chính sách như nhà giàu”

Quốc hội quyết định thực hiện việc hỗ trợ nhà ở với những người có công đang phải ở nhà tạm, nhà không đảm bảo. Chính sách được Chính phủ triển khai “mở” tới đầy đủ các nhóm đối tượng người có công. Con số đẩy lên gấp nhiều lần, ngân sách cần thiết cũng đội lên, nhiều vướng mắc khó gỡ…

Sáng 19/10, UB Các vấn đề xã hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Các Bộ Xây dựng, LĐ,TB&XH, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tư pháp là đối tượng có trách nhiệm giải trình.

Báo cáo của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho thấy, theo Nghị quyết 494 năm 2013 của Quốc hội, có 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng cần phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Phiên giải trình diễn ra tại UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng nay, 19/10.

Số lượng hỗ trợ là khoảng 71.000 hộ (49.000 hộ xây dựng mới và hơn 21.000 hộ sửa chữa, cải tạo). Theo đề nghị thêm của các địa phương, tổng số hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 1 được nâng lên thành 80.000 hộ. Đến khi triển khai Quyết định 22 của Chính phủ, đến tháng 7/2014, theo kê khai của các địa phương, số lượng lên tới trên 300.000 hỗ, tăng gấp 4,6 lần so với số lượng dự kiến năm 2012.

Theo thống kê của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2016, nhà nước đã hoàn thành hỗ trợ 75.600 trên tổng số 80.000 hộ dân. Còn lại 4.400 hộ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tổng kinh phí đã cấp đủ để thực hiện chính sách này (gần 2.800 tỷ đồng).

Về kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, con số còn rất lớn, trên 291.000 hộ. Nguồn kinh phí tính toán là khoảng 7.540 tỷ đồng.

Về việc chương trình được thực hiện chậm so với kế hoạch, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà giải thích, do việc cấp kinh phí từ ngân sách TƯ còn chậm và phải chia thành nhiều đợt. Đến nay, kinh phí ngân sách cần cấp để thực hiện giai đoạn 2 đến nay chưa bố trí được.

Nêu chất vấn đầu tiên, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi sốt ruột vì đến nay mới chỉ 1/4 trên tổng số hộ người có công được hỗ trợ, vẫn còn gần 300.000 hộ phải chờ đợi. Ông Lợi đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ ngành khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng Quyết định 22 năm 2013 để triển khai Nghị quyết của Quốc hội, xác định số hộ người có công cần hỗ trợ, vượt quá diện điều chỉnh của Pháp lệnh Người có công.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà xác nhận có 3 điểm tồn tại trong việc thực hiện chương trình, trong đó có sự phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời, Nghị quyết 494 của Quốc hội nếu so với Pháp lệnh người có công năm 2005 thì có 9 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng đến năm 2012, khi sửa Pháp lệnh, số đối tượng nâng lên thành 12 nhóm nên số lượng người được hưởng hỗ trợ cũng tăng lên.

Bộ trưởng Hà xác nhận có việc chậm trễ trong triển khai thực hiện chính sách. Từ khi có Nghị quyết của Quốc hội đến khi Chính phủ ban hành Quyết định 22, Bộ Xây dựng ra thông tư hướng dẫn thực hiện mất gần 1 năm vì khoảng thời gian đó các Bộ tập hợp để bàn về diện đối tượng được hỗ trợ. UB Các vấn đề xã hội khi đó cũng đề nghị đi kiểm tra trước nên tiến độ chậm lại. Ông Hà nhận định, có nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) lập luận tiếp, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ đối tượng hỗ trợ là người có công đang ở nhà tạm hoặc hư hỏng nặng. Khi đó, khảo sát là 71.000 hộ, mà số cho bổ sung lại tới 335.000 hộ. Đại biểu cho rằng, có sự lãng phí việc hỗ trợ nhà ở cho người có công thành chính sách nhà ở. Tiếp xúc cử tri, mọi người có công đều cho rằng mình là đối tượng được hưởng chính sách. Việc mở rộng đối tượng theo Quyết định 22 vượt tầm Pháp lệnh Người có công, làm vượt lớn dự kiến ngân sách. Ông Phong cho rằng đây là “lỗi” trong việc tham mưu.

Ông Phong cũng nêu hiện tượng đáng lo ngại, các địa phương đua nhau kê khai, hệ luỵ là có tỉnh, đối tượng người có công của mình không nhiều nhưng danh sách đưa lên rất lớn; ngược lại, các địa phương có lượng người có công lớn nhưng kê khai đúng danh mục người ở nhà tạm, hư hỏng nặng thì lại ít, dẫn đến mất công bằng. Trách nhiệm về vấn đề này, ông Phong cho là nằm ở Bộ LĐ,TB&XH.

Thứ trưởng Bộ Lao động Huỳnh Văn Tí tham gia giải trình về trách nhiệm phối hợp, tham mưu thực hiện chính sách.

Bộ trưởng Xây dựng đáp lại: “Quan điểm của chúng tôi, nếu có điều kiện, nhà nước hỗ trợ nhà ở được với mọi người có công là tốt nhất, dù đúng là có khó khăn về kinh phí. Vậy nên, việc xác định 12 nhóm đối tượng của chương trình này, tôi cho là phù hợp với Pháp lệnh Người có công sửa đổi”.

Nói về trách nhiệm của Bộ mình, ông Hà khẳng định, Bộ Xây dựng đã triển khai hướng dẫn rất kỹ thông tư đã ban hành nhưng công tác kiểm tra, uốn nắn chưa thật xao sát ở cơ sở. Bộ trưởng Xây dựng cũng công nhận, việc phối hợp giữa các bộ trong việc thống kê, xác định đối tượng hỗ trợ chưa tốt.

“Nhưng tôi vốn là một lãnh đạo địa phương, tôi khẳng định, không ai sát hơn cán bộ địa phương về việc kê danh sách vì việc xác nhận thực hiện từ thôn xóm, lên đến thẩm tra ở từng huyện, từng tỉnh” – Bộ trưởng Xây dựng nói thêm về nghi vấn về số hộ người có công được thống kê.

Tiếp lời, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Huỳnh Văn Tí cũng nhận định, nói về tính chính xác, độ tin tưởng của số lượng kê khai thì “chưa có cơ sở gì để bác thông tin này”.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội vẫn yêu cầu đánh giá cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành trong việc cùng tham mưu, soạn thảo Quyết định 22 của Chính phủ khi bộ làm kế hoạch thì nói biết thông tin, bộ chi tiền lại bảo không được địa phương báo cáo. Đi giám sát cũng thấy ở tỉnh, mỗi sở một ý.

Đại biểu Đặng Thuần Phong bình luận thêm: “Các bộ đã tự đẩy mình bước vào con đường khó khăn khi cào bằng về chính sách, khiến mọi người có công đều nghĩ là mình được hưởng chính sách hỗ trợ trong khi rõ ràng Quốc hội quyết định hỗ trợ cho người có công đang phải ở nhà tạm, nhà không đảm bảo”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bình luận, các Bộ tham mưu chính sách theo kiểu “nhà nghèo nhưng làm kiểu nhà giàu”, rõ ràng như thế là có liên đới trách nhiệm.

RELATED ARTICLES

Tin mới