Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐàm luậnBa tranh chấp và ba mục tiêu:TQ và Biển Đông(kỳ I)

Ba tranh chấp và ba mục tiêu:TQ và Biển Đông(kỳ I)

Việc gia tăng cạnh tranh gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của nước này về chủ quyền, tài nguyên, và an ninh trong vùng biển Đông đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo ngoại giao và quân sự Mỹ, những người luôn tìm cách thúc đẩy sự ổn định và an ninh ở các vùng biển có tính quan trọng toàn cầu này. Khi các nhà lãnh đạo Mỹ thảo luận những chính sách và chiến lược hỗ trợ ổn định khu vực, một số đã mô tả bản chất các tranh chấp phức tạp ở vùng biển Đông như là một nút rối duy nhất của những thử thách đầy cam go.Trên thực tế có thể phân chia thành ba loại tranh chấp, mỗi loại đều có những người bên liên quan, luật chơi và hoạt động chính trị riêng.

Đường lưỡi bò của TQ bị cắt

I.  Ba tranh chấp

Có ba loại tranh chấp cơ bản ở Biển Đông, mỗi loại đều có các bên liên quan, luật chơi, hoạt động chính trị và các vấn đề an ninh liên quan. Những tranh chấp này đã dẫn đến sự tái diễn những căng thẳng và xung đột trong khoảng bốn mươi năm. Những sự cố nổi bật về chủ quyền bao gồm cuộc tấn công của Trung Quốc vào các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa tại quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc tấn công vào quân đội Việt Nam gần Đảo Chữ thập (Fiery Cross Reef) vào năm 1988, và vào năm 1995, Philippines đã hất cẳng quân đội Trung Quốc khỏi Đảo Vành Khăn (Mischief Reef). Kết quả của hàng loạt các sự kiện này là sự hợp nhất của một lập trường chính trị thống nhất của ASEAN để phản đối hành vi của Trung Quốc và để giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc chấp nhận bản Tuyên bố năm 2002 với ASEAN về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, trong đó bao gồm thỏa thuận để “ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý bằng phương pháp hòa bình mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực…”.

Điều tiếp theo chính là 15 năm tương đối yên tĩnh trong khu vực do Trung Quốc theo đuổi chính sách hội nhập với các nước láng giềng khu vực Đông Nam Á qua các chương trình văn hóa, thương mại, cơ sở hạ tầng và kinh tế hào phóng.

Hoa Kỳ nhiều lần bày tỏ thái độ trung lập đối với các kết quả liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền và thẩm quyền pháp lý miễn là tất cả các bên tiếp tục theo đuổi các biện pháp hòa bình trong việc giải quyết tranh chấp.

Sự ổn định này đã bị phá vỡ bởi một loạt các hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Sự bùng nổ căng thẳng gần đây ở Biển Đông lại bắt đầu khi Trung Quốc gây áp lực đối với Việt Nam và một số công ty dầu mỏ về việc thăm dò và khoan dầu ngoài khơi trên bờ biển của Việt Nam. Như Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scot Marciel đã xác nhận trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào tháng Bảy năm 2009 rằng: “Bắt đầu từ mùa hè năm 2007, Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty dầu khí của Mỹ và nước ngoài ngừng việc khai thác với các đối tác Việt Nam ở Biển Đông hoặc sẽ phải đối mặt với hậu quả khôn lường trong các giao dịch kinh doanh của họ với Trung Quốc”.

Cuộc điều trần ở Thượng viện đã được tổ chức trong bối cảnh của “Sự kiện tàu Impeccable” tháng 3 năm 2009, trong đó một tàu nghiên cứu của hải quân Mỹ đã bị những “ngư dân” Trung Quốc tấn công một cách hung hãn ở khoảng 70 hải lý ngoài đảo Hải Nam, với sự hỗ trợ của các tàu dân sự và quân sự của Trung Quốc.

Những hành động này của Trung Quốc đã gây ra sự tái diễn căng thẳng trong khu vực. Đáp lại chính sách mới của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN hồi tháng 7 năm 2010 như sau:

“Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ khác nhau mà không có sự cưỡng ép nào. Chúng tôi khuyến khích các bên tiến tới thỏa thuận cho một quy tắc ứng xử toàn diện. Hoa Kỳ, như mọi quốc gia, có lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, quyền tiếp cận mở đối với các vùng biển chung của Châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông”.

Cho đến thời điểm này, thuộc tính chung duy nhất của mọi tranh chấp ở Biển Đông đó là Trung Quốc luôn là bên có liên quan đến tất cả các tranh chấp này. Tuy nhiên, sự chuyển biến của Trung Quốc trong năm 2009 theo hướng quyết đoán, thậm chí hung hãn – đặc biệt là trong nỗ lực kiểm soát các hoạt động hải quân của Mỹ ở Biển Đông đã gây ra sự chú ý và mối quan tâm của Mỹ đến cả ba loại tranh chấp này. Nhằm tìm một con đường để trở về trạng thái ổn định khu vực như mong muốn, việc xem xét các thuộc tính của từng loại tranh chấp là vô cùng hữu ích.

Những tranh chấp về chủ quyền liên quan đến vấn đề trong đó các quốc gia ven biển có quyền thực thi chủ quyền trên lãnh thổ tự nhiên của các đảo ở Biển Đông. Vấn đề này liên quan đến Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và có thể cả Brunei.[3] . Năm 1992, Trung Quốc ra Luật Lãnh hải và Khu vực tiếp giáp, mà cụ thể là tuyên bố chủ quyền đối với từng nhóm đảo trong biển Đông – quần đảo Pratas-(Đông Sa), quần đảo Hoàng Sa (Xisha), Macclesfield Bank (Trung Sa), và quần đảo Trường Sa (Nansha). Vào năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bắt đầu xuất bản bản đồ với một loạt đường kẻ hình chữ U trong vùng Biển Đông để phân định biên giới biển của mình.[4] Chính phủ Trung Quốc lặp đi lặp lại đặc điểm bản đồ này sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở đại lục vào năm 1949 và ngày nay vẫn còn được mô tả trên các bản đồ xuất bản tại Trung Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, bản chất của yêu sách của Trung Quốc đối với việc mở rộng vùng biển và hàng loạt đảo, bãi cát ngầm, bãi đá và đảo nhỏ nằm bên trong chín nét gạch của đường chữ U (hay còn gọi là đường lưỡi bò – nd) chưa bao giờ được định rõ. Trong số các học giả và quan chức Trung Quốc, xuất hiện bốn trường phái tư tưởng chủ đạo về ý nghĩa của đường kẻ này, nhưng chính phủ Trung Quốc duy trì một chính sách nghiên cứu mơ hồ về ý nghĩa của đường kẻ gồm chín nét này.

Các vùng biển chủ quyền

Một số nhà phân tích chính sách của Trung Quốc cho rằng vùng biển trong đường kẻ hình chữ U nên được xem là vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, tùy theo đo đạc đầy đủ của cơ quan chức năng chính phủ có thể gọi là nội thủy hoặc lãnh hải. Ví dụ, một nhóm các nhà phân tích quốc phòng cấp cao Trung Quốc đã mô tả các lợi ích ngoài khơi của Trung Quốc như “khu vực mở rộng ra ngoài đường bờ biển lục địa của Trung Quốc nằm trong khoảng 200 hải lý (về phía đông) và 1600 hải lý (về phía nam)” hoặc xấp xỉ đến 4 độ vĩ bắc được công bố trong báo cáo năm 1935. Họ xem những “vùng biển trong phạm vi quyền tài phán này của Trung Quốc … [là] khu vực mở rộng thuộc chủ quyền quốc gia của Trung Quốc”.

Vùng nước lịch sử

Một số người Trung Quốc đã cho rằng khái niệm “vùng nước lịch sử” cho phép chính phủ xác nhận hợp pháp quyền kiểm soát rộng lớn đối với vùng Biển Đông. Khái niệm này là một biến thể của yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và phản ánh quan điểm của nhiều học giả và các quan chức trọng yếu Trung Quốc rằng đường chín đoạn đó thể hiện một sự xác nhận đối với vùng nước lịch sử, hoặc “quyền sở hữu” lịch sử, hoặc ít nhất là một số loại đặc quyền lịch sử để quản lý vùng biển và lãnh hải trong địa giới của đường kẻ đó. Có lẽ, tuyên bố có thẩm quyền nhất của pháp luật quốc tế về vấn đề này được ban hành vào năm 1951 bởi Tòa án Tư pháp Quốc tế trong Vụ kiện về việc đánh bắt cá, trong đó có Vương quốc Anh đã không thừa nhận tuyên bố của Tòa án Tư pháp Quốc tế Nauy về chủ quyền trên vùng biển dọc theo bờ biển hiểm trở của nước này vượt ra ngoài giới hạn ba dặm lãnh hải truyền thống tại thời điểm đó.

Tòa xem xét ba yếu tố liên quan sau: 1) sự phụ thuộc liền kề về địa lý của các lãnh hải đối với lãnh thổ đất liền – các phần tương ứng của bờ biển Na Uy bị lõm sâu với những đặc điểm địa lý phức tạp và ước tính khoảng 120,000 hòn đảo phụ, đảo nhỏ, bãi đá và bãi cát; 2) các mối liên hệ gần gũi một cách đầy đủ giữa cấu tạo đất liền và không gian biển để tạo cho khu vực có chế độ cai quản chủ quyền đầy đủ; và 3) lợi ích kinh tế duy nhất thuộc các quốc gia ven biển dựa trên bằng chứng rõ ràng của việc sử dụng lâu dài. Dựa trên đánh giá của mình về những yếu tố này, tòa chấp thuận mở rộng chủ quyền của Na Uy đối với các vùng biển và các đặc tính bao hàm dựa trên các tuyên bố lịch sử của nước này.

Những yêu cầu đặt ra trong Vụ kiện đánh bắt cá đối với việc mở rộng chủ quyền của một quốc gia ven biển đối với không gian biển rõ ràng không hỗ trợ cho tuyên bố của Trung Quốc. Đặc biệt là không có sự phụ thuộc về địa lý chặt chẽ giữa biển và đất liền ở khu vực này. Quả thực, các đặc tính đất liền không quan trọng nên từ lâu đã được xem như là mối nguy hiểm về hảng hải hơn là một khu vực khai thác. Ngoài ra, chính các đảo nhỏ cũng phân tán tương đối rộng rãi so với các đặc tính đất liền ở dọc theo bờ biển Na Uy. Như vậy, việc thiếu đất liền vững chắc để tạo cơ hội cho cư dân bản địa sinh sống và sự hiện diện không thường xuyên của ngư dân và thương nhân đã cho thấy rõ rằng khu vực này là không có được một quy chế quản lý đầy đủ chủ quyền. Theo đó, yêu cầu của Trung Quốc đối với vùng nước lịch sử chỉ nhận được sự ủng hộ yếu ớt dựa trên các cơ sở này.

Liên quan đến vấn đề lợi ích kinh tế duy nhất, Trung Quốc đã có đầy đủ bằng chứng về sự tiếp xúc của ngư dân, thương nhân và quan chức chính phủ với các đảo của Biển Đông trong nhiều thế kỷ, nhưng ghi chép lịch sử cũng phản ánh rằng Việt Nam cũng có những tài liệu tương tự về sự tiếp xúc với các đảo này và cả hai nước đều không có một hồ sơ về việc sử dụng thường xuyên, độc quyền, và sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên biển Đông. Những người dân Philippines, Malaysia và Indonesia cũng duy trì sự tiếp xúc với các hòn đảo này trong việc hỗ trợ các hoạt động đánh bắt cá truyền thống và hỗ trợ thương mại địa phương. Vì vậy, không có bằng chứng ủng hộ cho bất kỳ lợi ích kinh tế duy nhất nào của Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào trong và xung quanh các đảo của Biển Đông. Hơn nữa bằng chứng đã chứng minh điều ngược lại – rằng các vùng biển ở Biển Đông và hải đảo rải rác, đảo nhỏ, bãi đá và bãi san hô trong vùng biển này trong nhiều thế kỷ qua chính là khu vực đánh cá chung và các tuyến đường kinh doanh của tất cả cư dân trong khu vực. Thật vậy, việc sử dụng chung lâu dài này cho thấy rằng thay vì được giám sát như là một khu vực có chủ quyền, Biển Đông đã phát triển như là một khu vực sở hữu chung trong đó tất cả các bên theo đuổi lợi ích của mình mà không sợ bị quấy rối bởi các cơ quan chức năng của các quốc gia ven biển khác.

GS Peter Dutton, Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc, Học viện Hải quân Mỹ

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới