Tuesday, May 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ sẽ mở cửa chào đón "osin" Philippines?

TQ sẽ mở cửa chào đón “osin” Philippines?

Nhu cầu tìm người giúp việc lành nghề tăng mạnh tại Trung Quốc đã mở ra cơ hội lớn cho lao động Philippines khi mà Bắc Kinh và Manila đang hàn gắn quan hệ sau những bất đồng ở Biển Đông.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), mặc dù chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt hoạt động cấp visa lao động nước ngoài song theo ước tính, khoảng 200.000 người giúp việc mang quốc tịch Philippines đang làm việc “chui” tại quốc gia này. 

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello cho hay Bắc Kinh nên hợp pháp hóa cho người lao động Philippines tại Trung Quốc. Còn trong đầu tháng 10, ông Bello cho biết ông sẽ hối thúc Tổng thống Rodrigo Duterte thảo luận với giới chức Bắc Kinh về vấn đề liên quan tới những người giúp việc Philippines “không được cấp phép” đang hoạt động tại Trung Quốc. 

Tờ Inquirer của Philippines cho rằng Tổng thống Duterte sẽ nhắc tới vấn đề này ngay trong chuyến thăm tới Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết dù có tới 20 triệu người giúp việc nội địa song nguồn cung vẫn còn thiếu rất nhiều. Phần lớn những người giúp việc là người Trung Quốc (còn được gọi là ayi) có nguồn gốc từ nông thôn và trung tuổi song họ lại không có kinh nghiệm và cũng không được đào tạo chuyên môn. 

Còn hiện tại, Trung Quốc vẫn đóng cửa với lực lượng giúp việc là người nước ngoài. Hồi tháng 7/2015, thành phố Thượng Hải mới bắt đầu cho phép những cư dân sinh sống tại thành phố là người nước ngoài thuê người giúp việc mà không phải là người Trung Quốc. Ngoài ra, công dân Trung Quốc không được phép tuyển dụng người giúp việc ngoài lãnh thổ quốc gia. Đây chính là lý do mà cho tới cuối năm ngoái, mới chỉ có 5 người giúp việc nước ngoài được cấp phép làm việc tại Thượng Hải. 

Sau khi sa thải một người giúp việc là người Trung Quốc vì thiếu kinh nghiệm, bà Shirley Yang – bà chủ của một công ty quảng cáo tại Thượng Hải cho hay từ cách đây 2 năm, bà đã nghĩ tới việc thuê một người giúp việc Philippines chăm sóc cho cặp sơ sinh của mình. 

“Tôi đã thuê người giúp việc là người Trung Quốc trong nhiều năm. Họ đều sinh sống ở các vùng nông thôn và không được học hành. Hơn thế, họ còn hành xử không đúng mực như ngồi xuống đất khi đi ra ngoài hay phát ra tiếng ồn khi ăn uống”, bà Shirley nói. 

Khi bà Shirley tới thăm ngôi nhà của một đồng nghiệp người Mỹ và quan sát phong cách làm việc chuyên nghiệp của người giúp việc Philippines tại đây, bà đã vô cùng ấn tượng. Sau khi liên lạc với một số công ty việc làm, bà đã tìm được cho mình một người giúp việc ưng ý. 

“Người giúp việc Philippines làm việc hiệu quả hơn so với người Trung Quốc. Hàng ngày, cô ấy lau dọn nhà cửa sạch sẽ và gấp quần áo gọn gàng. Cô ấy còn thích chơi với tụi nhỏ. Cô ấy dạy chúng biết tự làm một số việc, theo bà Shirley, đây là những kỹ năng mà một người giúp việc Trung Quốc không có. 

Thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay mức lương cho người giúp việc trong nước đã tăng mạnh nhất là ở các thành phố lớn đặc biệt là những người chuyên chăm sóc cho trẻ sơ sinh mà người Trung Quốc gọi là yuesao. Lương tháng của các yuesao tại Thượng Hải đã tăng thêm 27% lên 10.532 nhân dân tệ (1.500 USD) trong năm 2014.

Trong khi đó, phong cách làm việc chuyên nghiệp cùng vốn tiếng Anh trôi chảy đã giúp người giúp việc Philippines có mặt ở khắp các nước như Hong Kong, Singapore và Canada cũng như trở thành “tài sản quý giá” đối với các công ty việc làm tại Trung Quốc. 

Ở Thượng Hải, các công ty việc làm có thể hưởng mức hoa hồng 40.000 nhân dân tệ (6.000 USD) khi một khách hàng ký hợp đồng với người giúp việc Philippines. Mức lương hàng tháng của những người giúp việc là từ 7.000 – 8.000 nhân dân tệ (1.000 – 1.200 USD) – số tiền lớn gần gấp đôi so với lương tháng họ nhận khi làm việc tại Hong Kong. 

Do không được cấp phép lao động, phần lớn người giúp việc Philippines sẽ tới Trung Quốc bằng hộ chiếu du lịch có thời hạn 14 ngày. Sau 2 tuần, những người ở lại Trung Quốc sẽ bị phạt hành chính khi bị buộc phải về nước. 

“Cơ quan kiểm soát biên giới sẽ phạt họ vì tội ở quá hạn nhưng khoản tiền này sẽ do chúng tôi trả”, một nhân viên làm việc tại công ty chuyên cung cấp người giúp việc mang tên “Maid Boss” tại Quảng Châu nói. 

Tuy nhiên, việc hoạt động chui sẽ khiến người giúp việc nước ngoài làm việc tại Trung Quốc dễ bị lợi dụng và ngược đãi. Cụ thể, một nữ nhân viên tại Maid Boss cho hay các khách hàng Trung Quốc thường được khuyên “giữ hộ chiếu của lao động Philippines để họ không thể bỏ trốn” còn người lao động thì được nhắc “không nói chuyện với người lạ”. Bằng cách lách luật, nữ nhân viên này cũng đã đưa hơn 10 người giúp việc Philippines tới các gia đình Trung Quốc tại Quảng Châu, Phúc Châu, Hàng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến trong vòng 2 năm qua. 

Dù ở trong tình trạng kinh tế tăng trưởng mạnh, già hóa dân số và thiếu hụt lớn lực lượng lao động, Trung Quốc vẫn siết chặt các quy định và hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc trên lãnh thổ. Đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ lớn như Tết nguyên đán, nguồn cung người giúp việc Trung Quốc chỉ đáp ứng chưa tới một nửa nhu cầu. 

Theo một số ông chủ công ty cung cấp việc làm tại Trung Quốc, dù chính quyền Bắc Kinh chưa từng công khai thừa nhận nhưng khả năng Trung Quốc đang dùng hoạt động kiểm soát cấp visa cho người lao động Philippines để gây sức ép chính trị với Manila. 

Tim Chen, ông chủ một công ty việc làm tại thành phố ven biển đông nam Trung Quốc cho hay hoạt động kiểm soát cấp visa  được thắt chặt sau khi Philippines gửi đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2013. Quy định này càng được siết chặt sau phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Theo Tổng thư ký Miao Lu tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nếu chủ đề người giúp việc Philippines là một phần trong tiến trình giải quyết những bất đồng giữa Bắc Kinh và Manila, Tổng thống Duterte sẽ có thể đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự nhân chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. 

RELATED ARTICLES

Tin mới