Friday, November 15, 2024
Trang chủĐiểm tinVượt qua cửa ải nào thì được chọn vào Bộ chính trị...

Vượt qua cửa ải nào thì được chọn vào Bộ chính trị Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn ủy viên Bộ chính trị cho Đại hội khóa 19 có thể dựa vào hai yếu tố: Cá nhân cán bộ và chức vụ đương nhiệm.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường – nòng cốt lãnh đạo ­khóa 19 của Trung Quốc. (Ảnh: Chinanews)

Hội nghị toàn thể lần 6 của Ủy ban trung ương Đại hội khóa 18 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 24-27/10 và được đánh là bước ngoặt quan trọng trong việc sắp xếp đội ngũ nhân sự kế nhiệm của Đại hội khóa 19 vào năm tới.

Theo giới quan sát, hội nghị này hiện đang được đặc biệt chú ý bởi nó được coi là sự tổng kết và là khởi điểm mới trong công tác xây dựng ĐCSTQ từ sau Đại hội 18 năm 2012.

Đặc biệt, dư luận và truyền thông thế giới chú ý hơn tới cơ cấu lãnh đạo ĐCSTQ vốn luôn mang một màu sắc “thần bí” và Bộ chính trị là một ví dụ điển hình.

Trước thềm Hội nghị toàn thể lần thứ 6, những suy đoán về sự thay đổi các ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc được dấy lên không ngừng và việc những nhân vật nào được bầu luôn là câu hỏi thường trực.

Theo Đa chiều (Mỹ), tổng kết hệ thống ủy viên Bộ chính trị ĐCSTQ từ Đại hội khóa 11 (1977) đến Đại hội khóa 18 (2012) cho thấy một quy luật, cán bộ được bầu vào Bộ chính trị chủ yếu nhờ hai yếu tố: Cá nhân cán bộ và chức vụ.

Về cá nhân quan chức

Một quan chức cao cấp có uy tín cao trong đảng, kinh nghiệm công tác và có nhiều cống hiến xuất sắc trên một lĩnh vực đều có thể được bầu vào Bộ chính trị.

Ví như trường hợp của cố Phó Chủ tịch Trung Quốc Ô Lan Phu (1906 – 1988). Tại Đại hội 11, ông trở thành ủy viên Bộ chính trị khi đã 71 tuổi, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ chiến tuyến thống nhất (tương đương Mặt trận tổ quốc).

Ô Lan Phu được đánh giá là người sáng lập ra chính quyền khu tự trị Nội Mông – chính quyền đầu tiên của một khu tự trị dân tộc thiểu số Trung Quốc. Xét ở một góc độ nhất định, được bầu vào Bộ chính trị là phần thưởng danh giá, là sự công nhận những cống hiến của ông này.

Trường hợp khác là quan chức có những đóng góp quan trọng trong tham mưu chính sách, điển hình như Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách trung ương Vương Hộ Ninh.

Giới phân tích đánh giá, chức vụ Vương đang nắm giữ chưa hề có tiền lệ đảm bảo sẽ được vào Bộ chính trị.

Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi nhậm chức Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách trung ương từ năm 2002 đến nay, Vương được coi là cố vấn quan trọng của ba đời Chủ tịch Trung Quốc lần lượt là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ của Tập Cận Bình, mỗi chuyến công du nước ngoài của nhà lãnh đạo này, Vương Hộ Ninh luôn nằm trong danh sách đoàn tháp tùng, cho thấy ông này rất được Tập Cận Bình xem trọng.

Về chức vụ đương nhiệm

Số lượng và thành phần ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc sẽ được lựa chọn dựa vào tình hình thực tế. Ví như tại Đại hội 11 (1977), Bí thư thứ hai thành ủy Bắc Kinh Nghê Chí Phúc được chọn vào Bộ chính trị. 

Cùng với ông Nghê, Bí thư thứ nhất thành ủy Bắc Kinh là Ngô Đức cũng được bầu vào Bộ chính trị.

Thời gian diễn ra Đại hội 11 là năm thứ hai sau khi kết thúc cuộc Đại cách mạng Văn hóa Trung Quốc (1976). Giới chính trị và quân đội đều muốn đưa cục diện trong nước về quỹ đạo ổn định.

Do đó, là Bí thư thứ hai thành ủy Bắc Kinh, Nghê Chí Phúc được bầu vào Bộ chính trị là lẽ đương nhiên.

Đặc biệt, do đặc thù thực tế, Đại hội 11 chứng kiến hàng loạt lãnh đạo quân đội như: Chính ủy thứ nhất Hải quân Tô Chấn Hoa, Tư lệnh quân khu Quảng Châu Hứa Thế Hữu, Tư lệnh quân khu Thẩm Dương Lý Đức Sinh và Tư lệnh Không quân Trương Diên Phát đều được bầu vào Bộ chính trị.

Ngoài Đại hội khóa 12 (1982), các kỳ đại hội sau đều không xuất hiện hiện tượng nhiều lãnh đạo quân đội được bầu vào Bộ chính trị như thế nữa.

Bên cạnh đó, phương hướng xây dựng đảng và chính phủ Trung Quốc cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến số lượng và thành phần các ủy viên được bầu.

Đại hội khóa 15 (1997) chứng kiến Bí thư Ban Bí thư kiêm Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Uất Kiến Hành được bầu vào Bộ chính trị. Đây là trường hợp Bí thư CCDI đầu tiên được bầu vào Bộ chính trị.

Những Bí thư CCDI sau đó như Ngô Quan Chính, Hạ Quốc Cường, Vương Kỳ Sơn nhờ tiền lệ này đều đã được bầu vào Bộ chính trị.

Hơn nữa, do thời kỳ này “chống tham nhũng” trở thành từ khóa quan trọng trong quá trình xây dựng ĐCSTQ, quyền hạn của CCDI cũng ngày càng được mở rộng nên Uất trở thành ủy viên Bộ chính trị là điều hiển nhiên.

Sau này, khi công tác xây dựng đảng được chú trọng phát triển sâu rộng nên Chánh văn phòng trung ương Lật Chiến Thư cũng được vào Bộ chính trị tại Đại hội 18 (2012). Đây là trường hợp đầu tiên người giữ chức vụ này được vào Bộ chính trị Trung Quốc.

Đáng chú ý, cùng với sự phát triển song song của hình thái kinh tế – chính trị, các cán bộ cấp cao địa phương được bầu vào Bộ chính trị ngày càng nhiều.

Các lãnh đạo đứng đầu bốn thành phố trực thuộc trung ương gồm: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và lãnh đạo đứng đầu tỉnh Quảng Đông, khu tự trị Tân Cương vào Bộ chính trị gần như được cố định..

Điều này mang ý nghĩa tượng trưng về phát triển kinh tế, ổn định dân tộc và an ninh chính trị tại các địa phương.

Giới quan sát đều cho rằng, tân Bí thư thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung và Bí thư khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc muộn nhất thì đến Đại hội khóa 19 (2017) đều sẽ được vào Bộ chính trị. Tất cả suy đoán này đều xuất phát từ lý do trên.

RELATED ARTICLES

Tin mới