Philippines rõ ràng muốn tìm nhiều chiến hữu có mặt ở Biển Đông và Nga có thể tận dụng thời điểm này để tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Chiến lược của Tổng thống Philippines sẽ đẩy Nga tới gần Đông Nam Á.
Theo ông Yuri Tavrovsky, chuyên gia chính trị khu vực châu Á cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có tư duy xác đáng của mình trong việc lựa chọn hướng sang Trung Quốc thay vì Mỹ để giải quyết vấn đề Biển Đông.
“Quyết định của Tòa trọng tài Quốc tế về vấn đề Biển Đông đang đưa Philippines vào thế đối đầu với Trung Quốc, và Mỹ nói rằng họ sẽ hỗ trợ nước này về nhiều mặt. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ liệu Mỹ sẽ làm vậy hay không, và ông Duterte không muốn đối đầu với Trung Quốc khi sức mạnh quân sự giữa hai bên quá chênh lệch” – ông Tavrovsky nói.
Hơn nữa, trong nội bộ Philippines ắt hẳn còn nhiều phe phái đối lập có thể lợi dụng bất cứ sơ suất nào của Tổng thống Duterte để phá hoại, do vậy, ông buộc phải cố gắng thu hút sự ủng hộ của dân chúng bằng các phát ngôn của mình, vị chuyên gia Nga nhận xét.
Song, theo Giáo sư Larisa Efimova, Philippines hoàn toàn có thể tách khỏi ảnh hưởng của Mỹ và ngả về hướng ủng hộ Trung Quốc nhưng sẽ không dựa dẫm vào Bắc Kinh bởi các mối hại về kinh tế là những bài học nhãn tiền.
“Tại Philippines đã có nhiều doanh nghiệp gốc Trung Quốc đang kiểm soát kinh tế đất nước này. Nếu họ ngả hoàn toàn về Bắc Kinh, ảnh hưởng của họ đối với Philippines sẽ quá lớn và như vậy sẽ không tốt”, bà Efimova nói.
Do đó, Bắc Kinh chỉ có vai trò làm đối trọng của Manila trước ảnh hưởng của Mỹ để Washington phải “cẩn thận và chấp nhận một số điều kiện tài chính, đầu tư và ngoại giao có lợi cho Philippines”.
“Người Philippines đã chán vị thế là “tàu sân bay” của Mỹ và muốn Mỹ phải mang lại cho họ một cái gì đó có giá trị tương đương”- chuyên gia Nga nói.
Tận dụng thời cơ cho Nga
Giáo sư Larisa Efimova cho rằng, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tin rằng, việc có các siêu cường tham gia ở Biển Đông đóng vai trò là các bên thứ ba là điều tốt bởi sẽ càng có nhiều lựa chọn về chính sách đối ngoại.
Vị chuyên gia đánh giá các phát ngôn của ông Duterte thực ra đã qua cân nhắc kỹ lưỡng.
Trước mắt, bà Efimova tin rằng cần phải thận trọng với những động thái mà ông Duterte sẽ thực hiện bởi vẫn còn phải e sợ bởi quân đội Philippines vẫn chịu sự ảnh hưởng từ Mỹ và tình thế lúc này vẫn còn rất phức tạp.
Song theo bà Ekaterina Koldunova thời cơ này sẽ tạo điều kiện cho Nga khi Philippines đổi trục sang Trung Quốc.
“Điều cần thiết là Nga nên trao đổi với Tổng thống Philippines để nâng cao quan hệ. Nếu đúng là ông Duterte muốn đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế và muốn tiến gần đến Trung Quốc và Nga, sẽ thật ngu ngốc nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này”, bà Koldunova nói.
Chuyên gia người Nga cũng đánh gia cao sự hợp tác khăng khít giữa Moscow và Manila trong lĩnh vực giáo dục, trao đổi văn hóa, nông nghiệp và năng lượng.
Quan hệ ở Biển Đông với cái nhìn Nhật Bản
Mối quan hệ lành mạnh và gần gũi của Nhật Bản với Philippines đang trở thành một lực lượng đối kháng quan trọng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Và giữa những tuyên bố chống Mỹ của ông Duterte, Nhật Bản tiếp tục hợp tác toàn diện với Philippines.
Nhật Bản đã thường xuyên viện trợ cho Manila mà mới đây nhất là việc tặng 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển của quốc gia này nhân kỷ niệm 115 năm ngày thành lập. Thủ tướng Shinzo Abe cũng hứa sẽ cấp hai tàu tuần tra dài 90 mét để tăng cường khả năng bảo vệ các ngư trường cũng như tìm kiếm và cứu hộ cho lực lượng này.
Bất chấp những nỗ lực xích lại gần Trung Quốc về kinh tế và quản lý căng thẳng ở Biển Đông, Manila cho thấy sự khôn ngoan của mình khi thấy được khả năng có được nhiều tàu hơn từ Nhật Bản để tuần tra vùng lãnh thổ trên biển.
Chuyến thăm của ông Duterte tới Tokyo, dự kiến diễn ra từ 25-27/10 tới, được cho là sẽ xác định rõ Nhật Bản sẽ giúp Philippines phát triển các năng lực an ninh hàng hải thế nào trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Mỹ có lợi cho Trung Quốc đã khiến Nhật Bản tăng cường các quan hệ với chính quyền Duterte và gia tăng các ảnh hưởng cũng như nhận thức chung Tokyo-Manila trong lĩnh vực hàng hải.