Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Duterte mang được gì về cho Philippines từ TQ mới là...

Ông Duterte mang được gì về cho Philippines từ TQ mới là điều quan trọng

Hành xử như thế mới thực sự là khôn khéo, mới có thể tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình khi ông Duterte đảm nhiệm cương vị Tổng thống.

Giáo sư Richard Javad Heydarian

Học giả Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị Đại học La Salle De, Philippines ngày 24/10 viết bài bình luận trên The Straits Times:

“Sự mơ hồ và (trông vào) may rủi của ông Rodrigo Duterte sẽ làm TQ táo tợn hơn ở Biển Đông.”

Giáo sư Richard Javad Heydarian nhận định: 

“Ông Rodrigo Duterte đã phá vỡ truyền thống ngoại giao bằng cách chọn thăm Bắc Kinh tuần trước, thay vì thăm 2 đồng minh truyền thống là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Chuyến công du TQ 4 ngày được xem như một động thái phá băng, làm ấm lại quan hệ hai nước vốn lạnh nhạt vì tranh chấp Biển Đông.

Bị choáng ngợp bởi màn chào đón của TQ và củ cà rốt kinh tế lớn, ông Duterte đã đi quá xa với tuyên bố sẽ “chia tay Mỹ”, đồng minh duy nhất của Philippines, để cùng với TQ và Nga “chống lại thế giới”.

Ông Duterte dường như không tìm được bất kỳ sự nhượng bộ cụ thể nào từ phía TQ trong vấn đề Biển Đông, khía cạnh gai góc nhất trong quan hệ song phương, điều này khiến nhiều người Philippines thất vọng.

Cuối chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân đắc thắng tuyên bố: quan hệ song phương đã hoàn toàn hồi phục và hai nước sẽ quay trở lại quỹ đạo đối thoại và tham vấn, để giải quyết các vấn đề trên biển.

Trong tuyên bố chung, TQvà Philippines đã đồng ý nỗ lực củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, báo hiệu hai bên chia sẻ lợi ích chung trong việc gác tranh chấp chủ quyền sang một bên để tập trung vào các hợp tác kinh tế rộng lớn hơn.

Chuyến thăm cấp nhà nước đã tiến một chặng đường dài trong việc tạo ra vẻ bình thường cho quan hệ song phương và giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Tuy nhiên không có gì bảo đảm sự tán tỉnh của ông Duterte với TQ có thể giúp tạo ra bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược lâu dài nào, cũng như tìm kiếm được bất kỳ thỏa hiệp nào trên vùng biển tranh chấp.

Thay vào đó, nó chỉ tạo ra sự nhầm lẫn hơn trong định hướng tương lai chính sách đối ngoại của Philippines, đồng thời cũng có thể kích thích tham vọng của TQ đối với các vùng biển lân cận.

Không nghi ngờ gì, hợp tác kinh tế đứng đầu chương trình nghị sự của ông Rodrigo Duterte ở TQ. Hai nước đã ký 13 thỏa thuận hợp tác với trị giá khổng lồ, 24 tỉ USD, bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Khoảng 400 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu tháp tùng Tổng thống Philippines thăm TQ. 

Các doanh nghiệp TQ được phép tham gia các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, như đường sắt cao tốc nối Subic và Clark, 2 căn cứ quân sự lớn nhất mà Mỹ đóng quân trong Chiến tranh Lạnh. 

Ngoài ra còn một dự án đường sắt khác sẽ được triển khai ở Mindanao, quê hương ông Rodrigo Duterte.

Chính quyền Rodrigo Duterte có ý định biến TQ từ một đối thủ không đội trời chung thành một đối tác phát triển.

Bắc Kinh đang tìm cách quyến rũ người hùng của Philippines bằng cách cung cấp viện trợ kinh tế, ủng hộ chiến dịch chống tội phạm ma túy gây tranh cãi.

Tuy nhiên chuyến thăm TQ của ông Rodrigo Duterte không phải không có chuyện gây đàm tiếu.

Sự tôn kính, nếu không muốn nói là “khúm núm” của ông Rodrigo Duterte với TQ có thể gây ấn tượng cho nước chủ nhà, nhưng sẽ khiến nhiều người Philippines khó chịu.

Một số người Philippines đã châm biếm rằng, chuyến thăm TQ lần này của ông Rodrigo Duterte trông giống như một phiên chầu của chư hầu đối với hoàng đế Trung Hoa, chứ không phải chuyến thăm của lãnh đạo một nước có chủ quyền.

Bất chấp giọng điệu lấy lòng của Manila, Bắc Kinh dường như quan tâm nhiều hơn đến việc phán đoán ý đồ của Philippines.

Giáo sư Thời Ân Hoằng, một học giả có ảnh hưởng là cố vẫn cho chính phủ TQ nói với tờ The Guardian:

“Ông ấy (Duterte) vẫn có thể thay đổi lời nói của mình trong tương lai. Trong tương lai, không có gì chắc chắn.”

Vì vậy có rất ít lý do để hy vọng TQ có thể thỏa hiệp bất kỳ nội dung nào trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines, khi họ vẫn tuyên bố cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi”.

Tuy nhiên TQ đã tìm cách chia rẽ Philippines và Hoa Kỳ, nước đang chỉ trích cuộc chiến chống tội phạm ma túy mà ông Duterte tiến hành.

TQ cũng được hưởng lợi từ việc ông Rodrigo Duterte từ chối nêu Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông tại các diễn đàn đa phương.

Điều này cho phép Bắc Kinh tránh một thảm họa ngoại giao sau phán quyết, sẽ chỉ khiến họ tăng cường siết chặt các hoạt động trên vùng biển lân cận.

Chỉ trong vài tháng, Philippines đã thay đổi từ một nước phê phán TQ hàng đầu trong khu vực thành một đồng minh tiềm năng.

Ngoài ra còn có lo ngại rằng, các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Việt Nam sẽ làm theo, từ bỏ bất kỳ nỗ lực chung nào để chống lại tham vọng bành trướng của TQ.

Đây có lẽ là thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của TQ trong những năm gần đây.” 

Bloomberg ngày 21/10 cho rằng, Phán quyết Trọng tài 12/7 là cơ hội để Mỹ đảo ngược tình thế với TQ, nhưng Nhà Trắng lại khuyến khích Bắc Kinh và Manila tự giải quyết với nhau.

Cuối tháng Tám, Ngoại trưởng John Kerry nói với các phóng viên rằng, Hoa Kỳ không quan tâm đến việc thổi bùng ngọn lửa xung đột, mà ngược lại đang cố gắng khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp thông qua các tiến trình pháp lý và ngoại giao.

Rodrigo Duterte đã nghe theo lời khuyên của John Kerry.

Sau khi công bố sự điều chỉnh mới trong chính sách đối ngoại với TQ, ông đã mang về một loạt thỏa thuận thương mại trị giá 13,5 tỉ USD cùng lời hứa tiếp tục đàm phán song phương về Biển Đông.

Dan Blumenthal, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết:

“Sau Phán quyết Trọng tài, phản ứng của chúng ta (Mỹ) là bảo ông Rodrigo Duterte hãy kiềm chế, giảm căng thẳng và đàm phán song phương với TQ.

Không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta theo đuổi các hoạt động quân sự hay các sáng kiến ngoại giao để thúc đẩy thực thi Phán quyết Trọng tài. Và hiện tại vẫn chưa có kế hoạch nào tiếp theo cho điều đó.” 

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống vào tháng 8/2015, ông Duterte đã nói với những người ủng hộ:

“Nếu Hoa Kỳ thực sự quan tâm, họ đã điều tàu sân bay và tàu khu trục mang tên lửa đến từ khi TQ bắt đầu bồi lấp (bất hợp pháp) đảo nhân tạo.”

Cá nhân tôi hiểu rằng, những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ dẫn đến những nhận thức và quan điểm khác nhau liên quan đến Biển Đông và chính sách đối ngoại của Philippines với các siêu cường.

Việc Giáo sư Richard Javad Heydarian thể hiện suy nghĩ, lo ngại của mình về vấn đề Biển Đông sau chuyến thăm TQ của ông Duterte cũng phản ánh thực tế những luồng quan điểm khác nhau đó.

Tuy nhiên, gác tranh chấp để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, dần dần tìm kiếm các giải pháp phù hợp mà hai bên hoặc các bên có thể chấp nhận được không làm tổn hại đến yêu sách chính thức của bên nào.

Ngược lại, nó tạo ra bầu không khí cho hòa bình và đối thoại, xử lý các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Những thông tin mà Bloomberg trích dẫn thiết nghĩ đã là câu trả lời khá đầy đủ cho câu hỏi, tại sao ông Rodrigo Duterte chọn thăm TQ trước thay vì Mỹ, Nhật.

Tôi cho rằng hành xử như thế mới thực sự là khôn khéo, mới có thể tối đa hóa lợi ích cho quốc gia, dân tộc mình khi ông Duterte đảm nhiệm cương vị Tổng thống.

Những động thái bày tỏ thiện chí thúc đẩy hợp tác không nên hiểu là một sự “khúm núm”, hay nặng nề hơn là “chư hầu chầu thiên tử” như giáo sư Richard Javad Heydarian ví von.

Những điều ông nêu ra để chứng minh cho nhận định của mình rằng sự “mơ hồ và trông chờ may rủi” của ông Rodrigo Duterte có thể làm TQ táo tợn hơn ở Biển Đông, theo tôi là thiếu thuyết phục.

Nó cho thấy giáo sư Richard Javad Heydarian đã quá để ý vào hình thức bề ngoài của chuyến thăm mà bỏ qua những kết quả thực chất Tổng thống Philippines đã đạt được.

Thiết nghĩ Philippines không đủ sức đối đầu với TQ nếu nổ ra chiến tranh. Còn một khi phải động binh đao, Hoa Kỳ có ra tay tương trợ theo hiệp ước đồng minh hay không thì ông Duterte đã tìm thấy câu trả lời.

Chính vì vậy ông chọn đối thoại, chủ động đưa bàn tay hữu nghị về phía TQ. Động thái này không chỉ có lợi cho quan hệ song phương, mà còn góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Còn về phần Việt Nam mà giáo sư Richard Javad Heydarian đề cập, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Trong quan hệ với TQ, Việt Nam chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Muốn đối thoại, việc đầu tiên cần làm là ngồi xuống được với nhau.

Vì thế, những cuộc đối thoại song phương ngay trong lúc quan hệ có những diễn biến căng thẳng là giải pháp văn minh nhằm tránh nguy cơ xung đột, đối đầu. Đó mới thực sự là chính trị.

Hơn nữa, được biết Tổng thống Duterte có tiết lộ với báo chí, ông đã đề nghị phía TQ chọn ngày đàm phán về các vấn đề Biển Đông.

Trong tương lai sẽ có những đàm phán song phương nếu liên quan đến tranh chấp song phương, sẽ có đàm phán đa phương nếu liên quan đến tranh chấp giữa nhiều bên. Đặc biệt đáng chú ý là ông Duterte đề xuất mời Nhật Bản tham dự.

Tôi cho rằng động thái này không chỉ là một chiến thuật ngoại giao, mà mang ý nghĩa chiến lược chống lại âm mưu phân hóa các nước trong khu vực bằng yêu cầu đàm phán song phương với cả những tranh chấp đa phương.

Hơn nữa trong các vấn đề tranh chấp phức tạp ở Biển Đông, thì tự do hàng hải hàng không là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực, cần có tiếng nói của một bên thứ ba, trong đó bao gồm Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới