Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngNguy cơ từ các nhà máy hạt nhân “bỏ túi” của TQ...

Nguy cơ từ các nhà máy hạt nhân “bỏ túi” của TQ ở Biển Đông

Báo chí Trung Quốc gần đây công khai nói rằng nước này đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mini để hỗ trợ việc kiểm soát thật sự ở Biển Đông. Các chuyên gia nước ngoài cảnh báo rằng rồi đây hải sản ở Biển Đông sẽ bị nhiễm xạ, chưa kể các chất thải phóng xạ có thể được đem đi đổ một cách bừa bãi nhưng có chủ đích.

Hình mô phỏng một lò phản ứng hạt nhân trên biển của Trung Quốc

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) hồi tháng 7 vừa qua dẫn lời Công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), cho biết “việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngoài khơi sẽ hỗ trợ việc kiểm soát thật sự của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Tờ báo trích dẫn một báo cáo nói rằng “nhà máy điện hạt nhân trên biển sẽ được sử dụng” trên các hòn đảo và rạn san hô ở Trường Sa trong vùng biển đang có tranh chấp “để đảm bảo nước ngọt”. Vẫn theo bản báo cáo, “trước đây, việc cung cấp nước ngọt cho quân đồn trú ở Biển Đông không được đảm bảo, nước ngọt chỉ được cung cấp bởi nhờ các thuyền chở theo thùng nước” và “trong tương lai, khi hệ thống điện và hệ thống năng lượng ở Biển Đông được tăng cường, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại trên khu vực Biển Đông”.

Ngày 15/7, Liên đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc cho biết 20 nhà máy điện hạt nhân trên biển đang được xây dựng. Kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên biển được Bắc Kinh đưa vào chương trình phát triển 5 năm (2016-2020). Dự án sẽ được CNNC khởi động vào năm 2019, sau đó sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) vào năm sau. Nhưng địa điểm chính xác của các cơ sở này vẫn chưa được xác định.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post (ngày 11/10/2016), nhà máy điện hạt nhân bỏ túi của Trung Quốc có thể đặt gọn trong một container, được mệnh danh là “hedianbao”, hay “bộ pin hạt nhân xách tay”, đủ cung cấp điện cho 50.000 hộ gia đình.

Nhật báo Anh, The Independent, ngày 16/10 cho biết lò phản ứng hạt nhân bỏ túi này, do Quân Đội Trung Quốc tài trợ một phần, sẽ được dùng để cung cấp điện cho các cơ sở mới và lọc nước biển để có nước uống. Chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận nhà máy điện hạt nhân trên sử dụng công nghệ tương tự đã được Hải quân Liên Xô cũ sử dụng cho các tàu ngầm hạt nhân trong thập niên 1970. Năm 2000, vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân Kurks của Nga (khiến khoảng 100 thủy thủ chết) cho thấy tính chất không an toàn của loại lò phản ứng mà Trung Quốc đang muốn chế tạo.

John Large, chuyên gia độc lập về hạt nhân đã cố vấn cho chính quyền Nga, cho biết nhiều loại cá và sinh vật biển sẽ không chịu nổi hậu quả của việc lọc nước biển trên quy mô lớn như vậy cũng như từ việc nước biển nóng lên vì lò phản ứng hạt nhân.

Đối với chuyên gia này, trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân, những người Trung Quốc sống ở Hoa Lục, rất xa các đảo ở Biển Đông, có lẽ sẽ không bị hậu quả ngay. Thế nhưng “chất phế thải nhiễm xạ sẽ thâm nhập vào các loài cá, hải sản mà một ngày nào đó sẽ nằm trên bàn ăn của họ. Các dòng hải lưu cũng sẽ mang chất thải nhiễm xạ đó đến những bờ xa xôi”.

Nhà nghiên cứu Julius Cesar I. Trajano, thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế RSISI, Singapore, cũng đã nêu bật vấn đề an toàn cho các kiểu lò phản ứng nguyên tử nổi đó mà Trung Quốc muốn đặt ở Biển Đông. Theo ông Trajano, mối nguy hại mà các nhà máy điện hạt nhân này gây ra cho con người và môi trường là không ít, vì vấn đề ngăn chặn phóng xạ lan tỏa không dễ dàng như nhà máy trên đất liền. Xử lý tai nạn cũng không nhanh được. Phóng xạ, chất phế thải có nguy cơ bị gió và các dòng hải lưu cuốn đi xa đến các bờ đông dân cư. Nhưng mối nguy hại nghiêm trọng nhất là nguồn hải sản bị nhiễm xạ, tác hại đến cuộc sống dân cư Đông Nam Á.

Đông Nam Á là một vùng thường bị thiên tai, bão táp, sóng thần, hạ tầng cơ sở lại yếu kém, và câu hỏi đặt ra là liệu nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc có chống chọi được hay không. Chuẩn mực an toàn hạt nhân của Trung Quốc là mối lo ngại lớn đối với nhiều người, kể cả đối với chuyên gia hạt nhân Trung Quốc.

Đặc điểm địa lý của vùng Đông Nam Á khiến cho việc đặt nhà máy điện hạt nhân nổi ngoài khơi, trong vùng không dễ dàng: vùng biển chung quanh nhiều nước là vùng có tuyến hàng hải dầy đặc tàu thuyền qua lại đông đảo, ở các eo biển giữa Indonessia, Malayssia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam…

Ngoài ra, cũng như các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền, nhà máy điện nổi trên biển cũng phải xử lý chất thải, và lưu trữ một cách thận trọng. Xử lý nhiên liệu đã sử dụng cách nào để tránh nguy cơ phóng xạ thất thoát khi ta không có nơi chứa chất thải phóng xạ? Đây là điều không dễ giải quyết. Cho nên phải chở chất thải trở lại đất liền để trữ một cách an toàn, không để nhiễm xạ trên biển. Việc chuyên chở này lại tạo thêm một khó khăn và thách thức đối với các quốc gia trong vùng, chưa kể phải bảo đảm sao cho các cơ sở hạt nhân, kể cả nhà máy điện nổi, không bị phá hoại, khủng bố.

Nếu như Trung Quốc xem loại nhà máy điện hạt nhân này như phương án cho tương lai, thì theo ông Trajano, các quốc gia ASEAN cần phải lên tiếng phản đối và đưa vấn đề tai nạn hạt nhân trên biển thành một đề mục trong kế hoạch khẩn cấp xử lý tai nạn, thiên tai của họ.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới