Friday, January 3, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐuổi Mỹ đi, Philippines sẽ dựa vào ai?

Đuổi Mỹ đi, Philippines sẽ dựa vào ai?

Tuyên bố của Tổng thống Duterte về việc chấm dứt các cuộc tập trận chung và yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Philippines trong vòng hai năm tới khiến giới chuyên gia đặt ra câu hỏi Manila sẽ dựa vào ai để duy trì nền hòa bình khi thiếu vắng Washington?

Quân đội Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai ở Philippines. 

Kể từ khi trở thành Tổng thống Philippines hồi tháng Sáu, ông Rodrigo Duterte đã nhiều lần đe dọa chấm dứt mối quan hệ quốc phòng và đồng minh lâu đời với Mỹ để chuyển hướng thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. 

Gần đây nhất hôm 26/10, phát biểu trong một cuộc họp với sự góp mặt của các doanh nhân Nhật Bản và Philippines tại Tokyo, ông Duterte tuyên bố muốn quân đội Mỹ rút khỏi Philippines trong vòng 2 năm tới và thậm chí sẵn sàng “hủy bỏ” các hiệp ước hiện thời giữa Manila và Washington. Nhà lãnh đạo Philippines cũng một lần nữa nhắc lại quân đội nước này sẽ chấm dứt tập trận chung với Mỹ.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố những phát ngôn của Tổng thống Duterte được đưa ra mà chưa qua tham vấn nội các và mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ – Philippines vẫn hoạt động theo kế hoạch. 

Ông Lorenzana nhấn mạnh không chỉ các cuộc tập trận mà các hiệp ước quốc phòng bao gồm Hiệp ước quốc phòng song phương mà hai nước ký kết năm 1951, Hiệp ước ghé thăm các lực lượng năm 1998 và Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng ký năm 2014 vẫn sẽ được thực hiện. Ngoài ra, quân đội Mỹ tại miền nam Philippines vẫn đang hoạt động dù Tổng thống Duterte tuyên bố muốn lực lượng này rời đi. 

Theo ông Lorenzana, những nội dung trong quan hệ hợp tác an ninh Mỹ – Philippines sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp nội các vào tháng tới và đây là thời điểm Tổng thống Duterte đưa ra quyết định sau khi tham vấn ý kiến của các thành viên nội các. 

Chia sẻ với Reuters hôm 26/10, một quan chức quân đội Philippines cho hay hướng đi trong mối quan hệ quân sự giữa Washington và Manila sẽ được làm rõ sau khi hai nước tổ chức cuộc họp thường niên vào cuối tháng 11 tới.

Căng thẳng hiện tại

Các cuộc họp sắp tới được xem là cơ hội cho giới cố vấn của Tổng thống Duterte thuyết phục ông này giảm bớt những tuyên bố chỉ trích Mỹ. Mặc dù Tổng thống Duterte muốn thi hành “chính sách đối ngoại  độc lập” song thực tế không thể phủ nhận Philippines hiện vẫn phụ thuộc lớn vào Mỹ đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng. 

Giới chức Philippines từng thừa nhận là một trong những đội quân yếu kém nhất trong khu vực, quân đội nước này chủ yếu dựa vào Mỹ để đối phó với những thách thức từ Biển Đông cho tới hải tặc, khủng bố và thảm họa thiên nhiên. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, kể từ thập niên 50, kho vũ khí của Philippines nhập tới 75% khí tài của Mỹ. Ngoài ra, Manila còn được hưởng lợi từ mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Ngay cả Tổng thống Duterte cũng từng thừa nhận giá trị của mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Philippines. Cụ thể, ban đầu, ông Duterte yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi khu vực miền nam Philippines nhưng sau đó Tổng thống Duterte lại nhấn mạnh Manila cần sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông. Các quan chức và Tổng thống Philippines cũng khẳng định những hiệp ước hiện thời vẫn có giá trị và Manila chỉ giới hạn ngừng tập trận chung cũng như ký thêm thỏa thuận với Mỹ. 

Thậm chí ông Duterte cũng không thể trả lời được câu hỏi Philippines sẽ dựa vào ai để duy trì an ninh một khi Mỹ rút quân. Trong khi đó, đề xuất của ông Duterte về việc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc cũng đã vấp phải sự phản đối từ các cá nhân cũng như dư luận trước những lo ngại về chất lượng và khả năng tương thích với số vũ khí mà Philippines đang nắm trong tay. 

Song điều quan trọng nhất là quân đội Philippines đã quá quen với cách hoạt động của Mỹ. Ông Duterte cũng hiểu rằng ông cần sự ủng hộ của quân đội để hiện thực hóa các chiến lược đối nội bao gồm tiến trình hòa bình với các nhóm nổi dậy hồi giáo ở nước này. Do đó nếu như ông Duterte nhận thấy sự ủng hộ của quân đội Philippines là không đủ để duy trì quyền lực, chắc chắn Tổng thống Duterte sẽ thận trọng hơn về việc chấm dứt quan hệ quốc phòng với Washington. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng sẽ đối mặt với những rào cản hiến pháp ngăn chặn ông này chấm dứt hiệp ước quốc phòng với Mỹ. 

Liên quan tới các cuộc tập trận chung, một quan chức quốc phòng Philippines giấu tên chia sẻ với The Diplomat rằng ông “không rõ liệu Tổng thống Duterte có hiểu được toàn bộ giá trị” của các cuộc tập trận mà hai nước tổ chức hàng năm liên quan tới một số lĩnh vực chủ chốt như cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai. 

Nguy cơ Philippines “chia tay” Mỹ

Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ – Philippines có thể kết thúc vì những lý do sau:

Thứ nhất, so với Trung Quốc, ông Duterte không coi Mỹ quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Philippines. Theo một quan chức quốc phòng Philippines, ông Duterte cho rằng Washington sẽ không bảo vệ Manila nếu như không may xảy ra chiến tranh trong khi lại hạn chế cơ hội tiếp cận kinh tế Trung Quốc của Philippines. 

Thứ hai, lòng bất tin và ghét Mỹ của Tổng thống Duterte hình thành trong một khoảng thời gian dài và tạo nên tư tưởng chống Mỹ. Không chỉ việc Philippines từng là thuộc địa của Mỹ, mà theo ông Duterte, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bao che cho một công dân Mỹ bị cáo buộc tội gây ra vụ nổ tại thành phố Davao vào năm 2001, thời điểm ông Duterte giữ chức Thị trưởng. 

Thứ ba, trước khi trở thành Tổng thống, ông Duterte từng nhiều lần kêu gọi giảm bớt và thậm chí là xóa bỏ mối quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ – Philippines. Trong giai đoạn nắm giữ cương vị Thị trưởng, ông Duterte đã công khai phản đối một số lĩnh vực trong mối quan hệ quân sự hai nước bao gồm cuộc tập trận chung Balikatan được tổ chức tại vịnh Davao và việc Mỹ muốn sử dụng một sân bay ở Philippines để phục vụ hoạt động của các máy bay không người lái trinh thám. 

Thứ tư, không rõ sau khi tham vấn ý kiến của các cố vấn và quan chức Philippines về chính sách hiện thời, ông Duterte có thay đổi quan điểm nhìn nhận Mỹ. Còn khi nhìn lại những tuyên bố lâu nay của ông Duterte, viễn cảnh này là khó có thể xảy ra. Cụ thể, trong lần phỏng vấn đầu tiên với hãng tin Al-Jazeera khi được hỏi Tổng thống Duterte có thể đẩy đất nước vào nguy hiểm khi giảm quan hệ quốc phòng với Mỹ trong khi Washington từng đóng vai trò chủ chốt trong những lĩnh vực phi quân sự ở nước này như cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai trong siêu bãi Hải Yến năm 2013, ông Duterte cho rằng không có Mỹ, các nước khác cũng sẽ tới giúp Philippines hoặc ông này sẵn sàng chấp nhận thực tế số người chết tăng gấp đôi. 

“Những quốc gia khác cũng sẽ tới hoặc chúng tôi sẽ chết và con số này có thể tăng gấp đôi và hơn thế”, ông Duterte nói.

Viễn cảnh tương lai

Điều mà giới quan sát hy vọng là ông Duterte sẽ nhận ra được sai lầm sau khi nghe ý kiến của giới cố vấn và quan chức quốc phòng Philippines cũng như không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ quốc phòng hiện thời giữa Mỹ và Philippines. 

Nếu điều này xảy ra, Tổng thống Duterte sẽ vẫn giữ thái độ giận dữ với Mỹ bởi xem đây là một phần phản ứng trước việc chính phủ và đại sứ Mỹ Philip Goldberg chỉ trích chiến dịch chống ma túy “hành quyết không qua xét xử” của nhà lãnh đạo Philippines khiến hơn 3.000 người thiệt mạng kể từ tháng Sáu. 

Tuy nhiên, với tư tưởng phản đối Mỹ cùng nhiều lần lên tiếng không đồng tình với sự có mặt của quân đội Mỹ ở Philippines, khả năng Tổng thống Duterte sẽ vẫn thi hành chính sách giảm dần quan hệ với Washington như chấm dứt các cuộc diễn tập trung hay yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi đất nước. Về lâu dài, Mỹ sẽ không thể mãi im lặng mà không đưa ra phản ứng trước thái độ cương quyết của Tổng thống Duterte. 

Nếu như việc chia tay Mỹ song hành với việc Philippines thắt chặt quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác, đây sẽ là sự trở mặt trong chính sách quốc phòng của Philippines. Ngoài ra, ông Duterte cũng nói rõ sẽ không cắt đứt quan hệ với các đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Điều này cho thấy Philippines vẫn muốn duy trì một phần mạng lưới liên minh và đối tác của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. 

Song cũng không loại trừ khả năng ông Duterte chỉ chấm dứt một số cuộc tập trận chủ chốt hay thay đổi một số điều khoản với Mỹ để làm vừa lòng Trung Quốc. Ông Duterte cũng sẽ xem xét lại một số điều khoản của Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng nhằm mang lại lợi ích lớn hơn cho Philippines cũng như yêu cầu Mỹ làm rõ các cam kết với Manila nếu như muốn những hiệp ước hiện thời tiếp tục được thi hành. 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines gặp sóng gió. Cụ thể Mỹ từng phải đóng cửa các căn cứ quân sự ở Philippines hồi năm 1992 sau một cuộc bỏ phiếu kín của giới chức nước này. Tuy nhiên, hành động ngang ngược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến Manila tiến tới đàm phán Hiệp ước các lực lượng ghé thăm với Mỹ vào năm 1998 cũng như Hiệp quốc hợp tác tăng cường quốc phòng năm 2014 dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino III. 

Đây là lý do khiến tạp chí Diplomat kết luận rằng lịch sử đã chứng minh sự thăng trầm trong mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ – Philippines có thể đổi chiều nhanh hơn suy nghĩ và dự đoán của nhiều người.

RELATED ARTICLES

Tin mới