Mỹ sắp triển khai quân tới Na Uy, quốc gia cùng chung biên giới với Nga. Các chuyên gia lo ngại trước phản ứng bực tức của Mátxcơva.
Hải quân Na Uy giám sát tàu Nga tiến gần vào hải phận Na Uy.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Na Uy ngày 24.10, 330 lính thủy quân lục chiến sẽ luân phiên đến đồn trú tại Vaernes gần thành phố Trondheim, miền trung Na Uy, cách biên giới Na Uy – Nga ở vùng Bắc Cực 1.000 km.
RFI dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết, số lính này có nhiệm vụ rèn luyện và hoạt động trong môi trường Bắc Cực. Việc triển khai lính Mỹ chỉ bắt đầu vào tháng 1.2017, và chính quyền Na Uy xem đây là một cuộc thử nghiệm và sẽ đánh giá kết quả trong năm.
Thông báo được Na Uy đưa ra vào lúc quan hệ giữa Mỹ – Châu Âu với Nga ngày thêm căng thẳng trên vấn đề Ukraina cũng như Syria. Na Uy, thành viên NATO, vẫn tự cho mình là có quan hệ tốt với Nga, nhưng việc cho Mỹ triển khai lực lượng nói trên chắc chắn sẽ không làm Mátxcơva hài lòng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, bà Ine Ericksen Soreide giải thích: “Công cuộc phòng thủ Na Uy lệ thuộc vào sự tăng viện của các đồng minh, và đối với nền an ninh của Na Uy, việc các đồng minh đến tận nơi để hiểu biết hiện trường là điều mang tính quyết định để có thể hoạt động ở Na Uy”.
Bà bộ trưởng còn nhấn mạnh đây là “khả năng duy nhất để cùng tập luyện với quân đội Mỹ trong những điều kiện thực của Na Uy”.
Cho đến nay, trên lãnh thổ Na Uy, Hoa Kỳ chỉ đặt trang thiết bị quân sự, chứ không có binh sĩ.
Đại sứ quán Nga tại Na Uy, ngay từ tuần trước, đã tỏ thái độ bất bình trước việc Na Uy cho Mỹ đóng quân.
Cựu sĩ quan Na Uy, Jacob Borresen, trả lời đài truyền hình Na Uy NRK, cho rằng đây là một dấu hiệu tiêu cực gửi đến Nga, với nguy cơ là “vùng Bắc Cực lại trở thành một vùng đối đầu” như thời Chiến tranh Lạnh trước đây.