Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 01/11

Bản tin Biển Đông ngày 01/11

Bản tin Biển Đông ngày 01/11/2016.

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur. Ảnh: America’s Navy

1) Nhà báo Trung Quốc lớn tiếng đòi hỏi chính quyền Obama trong những ngày cuối cùng “hành động sáng suốt” ở Biển Đông

Ngày 31/10, tờ Trung Hoa Nhật báo đăng tải bài viết “Mỹ cần hành động sáng suốt ở Biển Đông” của nhà báo Qi Chu:

Trong bài báo, lấy cớ Mỹ vừa đưa tàu khu trục mang tên lửa USS Decatur đến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Qi Chu đã lớn tiếng chỉ trích việc Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực là nhằm “thách thức các yêu sách biển của Trung Quốc trên Biển Đông”, “cản trở việc Philippines và Trung Quốc khôi phục lại quan hệ”, đồng thời “hối thúc” chính quyền Obama trong những ngày còn lại phải “tránh làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, điều sẽ làm phá hoại quan hệ song phương, thay vào đó cần có hành động đúng đắn để thúc đẩy tầm quan trọng của mối quan hệ này”. Thậm chí, ông này còn phủ nhận giá trị của Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông đối với việc giảm căng thẳng ở khu vực và mặc nhiên cho rằng “các bên tranh chấp đã nhất trí dùng đối thoại để giải quyết vấn đề”. Ngoài ra, bài báo cũng chỉ trích Mỹ “đã không thể nhận ra” rằng Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN “đã có nhiều tiến bộ khi thực thi một cách hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), nên đã “tìm cách kìm chế động lực đối thoại và tham vấn giữa các bên ở Biển Đông”. Không chỉ thế, bài báo cũng cáo buộc vô cớ Mỹ và Nhật Bản “đang phô trương quân sự ở Biển Đông”, “tìm cách quân sự hoá ở khu vực”.

2) Chính phủ Úc xác nhận sẽ cân nhắc triển khai các cuộc tập trận chung với Indonesia trên Biển Đông

Ngày 31/10, các trang Reuters, The GuardianABC News… đưa tin:

Ngày 31/10, Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop đã xác nhận rằng Úc đang cân nhắc các cuộc tuần tra chung với Indonesia trên Biển Đông, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khẳng định khả năng tiến hành tuần tra chung trong cuộc gặp thường niên với bà Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne tuần trước. Trong cuộc phỏng vấn với Đài ABC, bà Bishop nhấn mạnh bất kỳ hoạt động nào cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Úc luôn ủng hộ hoà bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Bà cho biết thêm, hai nước đã nhất trí tìm kiếm biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác biển, bao gồm các hoạt động trên Biển Đông và Biển Sulu, điều “hoàn toàn phù hợp với chính sách của Úc về tự do hàng hải”. Bà Bishop cũng nói thêm rằng hợp tác biển giữa Úc với Indonesia đang ngày càng sâu sắc với nhiều chương trình giao lưu và huấn luyện nhân lực. Bà khẳng định, việc tiến hành tập trận chung trên Biển Đông với Ấn Độ, Mỹ là “hoạt động thường xuyên của hải quân, đồng thời cũng là một phần trong cam kết của Úc với khu vực”.

3) Philippines và Trung Quốc đã có được “sự hiểu biết hữu nghị” giữa hai bên sau khi ngư dân Philippines được đến đánh cá ở bãi cạn Scarborough

Ngày 31/10, tờ InteraksyonABC News đưa tin:

Ngày 31/10, trợ lý cấp cao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định Philippines và Trung Quốc đã đạt được “sự hiểu biết hữu nghị” giữa hai bên cho phép các ngư dân của Philippines được đánh cá quanh bãi cạn do Bắc Kinh chiếm giữ từ năm 2012. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon nhấn mạnh, các quyền của Philippines ghi nhận trong Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7 vẫn tiếp tục được khẳng định. Các ngư trường đánh cá tại bãi cạn Scarborough hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Trong một cuộc phỏng vấn về việc có đưa vấn đề Phán quyết thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình hay không trong chuyến thăm đến Bắc Kinh vừa qua của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Esperon khẳng định Tổng thống Duterte hoàn toàn không đi xa hơn những quyền liên quan của Philippines, đồng thời cho hay Philippines “sẽ tiếp tục khẳng định những quyền này trong các cuộc đàm phán tiếp theo”. Ngoài ra, ông Esperon cho biết thêm, “sự hiểu biết hữu nghị” này đã được Tổng thống Duterte trao đổi tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cũng đảm bảo với người dân Philippines rằng Tổng thống sẽ luôn làm tròn nhiệm vụ của mình là bảo vệ đất nước, dù có rất nhiều tin đồn xung quanh nội dung trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ông cũng xác nhận vấn đề bãi cạn Scarborough không nằm trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo của Philippines và Trung Quốc. Ông Esperon khẳng định, chuyến thăm của ông Duterte đã hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc, đem lại kết quả “đôi bên cùng có lợi” nhưng không có nghĩa rằng “Philippines đã từ bỏ các yêu sách của mình”. Thế nhưng, khi được hỏi về việc ngư dân Philippines được đánh cá tự do tại bãi cạn Scarborough, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn trắng trợn tuyên bố Trung Quốc vẫn có “quyền quản lý bình thường” đối với bãi cạn này vì “tình hình đã và sẽ không có gì thay đổi”. Mặt khác, bà Hoa cũng khẳng định lại rằng “Trung Quốc sẽ giải quyết một cách thoả đáng các vấn đề liên quan đến lợi ích của Duterte” dù không đưa thêm bất kỳ thông tin nào khác để làm rõ.

RELATED ARTICLES

Tin mới