Chỉ có 4 ngày ở Trung Quốc mà thu về được 24 tỉ USD là con số đầy ấn tượng. Theo Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez của Philippines, với chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Duterte (từ18 đến 21/10), hai nước đã ký kết 13 bản thỏa thuận hợp tác ở cả cấp độ chính phủ lẫn doanh nghiệp.
Tổng giá trị các thỏa thuận lên tới 24 tỉ USD, trong đó có 15 tỉ USD cho đầu tư và 9 tỉ USD là các khoản vay. Ông Ramon Lopez cho biết Philippines sẽ tận dụng tối đa nguồn vốn từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng trong các dự án của nước này. Để so sánh, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Philippines hiện nay vào khoảng hơn 4,7 tỉ USD. Tuy nhiên, các con số về mức độ làm ăn giữa hai nước chưa nói lên tất cả. Duterte phát biểu hùng hồn trước các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc tại Bắc Kinh, rằng ông ta sẽ cắt đứt “sợi dây rốn” cả về quân sự lẫn kinh tế với Mỹ. Ông cũng nói đang tính tới kế hoạch yêu cầu mọi người Mỹ tới Philippines cần phải được cấp thị thực.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Kế hoạch, Kinh tế – Xã hội Ernesto Pernia lập tức ra tuyên bố chung, nói rằng Philippines sẽ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với phương Tây trong khi vẫn nỗ lực duy trì quá trình hội nhập mạnh mẽ với các nước láng giềng. Vấn đề chưa rõ, đây có phải là một sự “phân vai” nhịp nhàng giữa nguyên thủ và đoàn tùy tùng, hay đơn thuần chỉ là chiêu kích động để trục lợi của ông Duterte.
Giới quan sát lưu ý một hiện tượng quen thuộc lâu nay là mỗi khi Tổng thống Duterte lặp lại những quan điểm dứt khoát chia tay với Mỹ thì các thành viên trong nội các của ông lại tìm cách giảm “tông” các phát biểu đó. Việc này lại tái diễn sau chuyến công du “phá băng” ở Trung Quốc và trước chuyến thăm “làm nồng ấm” mối quan hệ với Nhật Bản của Duterte.
Mỹ sẽ phải làm gì khi Duterte đe dọa ly khai?
Liệu đây có phải là một thất bại đối với chính sách “xoay trục sang châu Á” của Washington? Chuyến thăm Philippines vào thượng tuần tháng 10 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á- Thái Bình Dương Daniel Russel cho thấy “xoay trục” của Obama không dễ dàng bị “đo ván” như vậy. Bởi vì, “xoay trục” là một đại chiến lược, đang chuyển sang “giai đoạn ba”. Cho dù ai làm chủ Nhà Trắng sắp tới thì cũng không thể bỏ qua chính sách này, vì đây là vấn đề an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ. Lại nữa, hệ thống đồng minh và đối tác của Mỹ hiện tại vẫn hùng hậu, nó liên thủ và kết nối với nhau. Nếu mắt xích nào đó lỏng (ví dụ mắt xích Philippines chẳng hạn), “xoay trục” sẽ như cái “đầu Phạm Nhan”, yếu chỗ này sẽ có chỗ khác khác thay thế.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm vừa qua của ông Russel đã được lên kế hoạch từ trước và phía Philippines đã giải thích rõ hơn với ông Russel các nội dung trong những phát biểu trước đó của ông Duterte. Nếu chọn cách phản ứng gay gắt hơn về nhân quyền, Mỹ có thể cắt nguồn tài trợ quân sự cho Philippines, hoặc đặt vấn đề ấy phụ thuộc vào việc Philippines cần xét xử cẩn trọng đối với các tội phạm ma túy.
Trong khi đó Nhật Bản muốn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và quyền tự do hàng hải. Tuy nhiên, ngay cả sau chuyến thăm Nhật Bản của Duterte, giới quan sát vẫn chưa rõ Thủ tướng Shinzo Abe đã can thiệp sâu được đến đâu vào cuộc tranh cãi giữa ông Duterte với Washington. Rồi nữa, họ đã thảo luận như thế nào về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế tại La Haye liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines về Biển Đông?
Ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, Washington vẫn tiếp tục giữ các cam kết đồng minh với Philippines bất chấp việc Tổng thống Duterte đòi “ly khai” khỏi Mỹ. Khi được hỏi về các tuyên bố gây sốc của nhà lãnh đạo Philippines, ông Carter nhấn mạnh quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines rất quan trọng mà Washington phải giữ. Ông nói: “Rõ ràng là bất cứ mối quan hệ nào đều có tính qua lại và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận điều đó với các đồng cấp Philippines”.
Trong khi nghe những lời ông Duterte đả kích Mỹ và tỏ ý muốn thân thiện với mình, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang tính toán. Trung Quốc biết rõ, đa số dân Philippines thân Mỹ. Năm ngoái, di dân Filipino và công dân Mỹ gốc Philippines đã chuyển về nước 30 tỷ USD, đứng hàng thứ ba sau Ấn Độ (72 tỷ) và Trung Quốc (64 tỷ). Ông Tập Cận Bình cũng thừa biết, Duterte sớm nắng chiều mưa, nên trước khi bỏ vốn vào ông ta, Bắc Kinh phải tính toán kỹ. Hơn nữa người dân Philippines có quyền bỏ phiếu, vị tổng thống sau sẽ quay về chính sách thân Mỹ.
Một thực tế khó chối cãi là trong khi lôi kéo Trung Quốc vào ván bài của mình, Duterte vẫn rất cần sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhật Bản. Ông cũng thấy nhu cầu có được nhiều tàu hơn từ Nhật Bản để tuần tra vùng lãnh thổ trên biển của nước này. Phát biểu trước Đại sứ Nhật Bản Kazuhide Ishikawa, ông Duterte tuyên bố: “Chúng tôi cần nhiều tàu, hiện nay vẫn chưa đủ, nhưng ít nhất chúng tôi đã có những tàu để bắt đầu tuần tra. Những chiếc tàu cũ, cộng với các tàu mới vừa được chuyển giao, sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong nỗ lực này”.
Ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 10, khi được hỏi về tranh chấp Biển Đông, Tổng thống Duterte trả lời rằng, chuyện này không nằm trong nghị trình thảo luận, nhưng có thể sẽ được đề cập tới, hy vọng sẽ đạt được giải pháp ổn thỏa cho đôi bên. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Tokyo tuần này, có thể Duterte “ngộ ra” rằng, nếu quá đà, thì chính ông sẽ làm giảm sức nặng của Philippines đối với Bắc Kinh khi công khai chối bỏ quan hệ đồng minh với Mỹ.
Sự yên tĩnh trên Biển Đông ông Duterte hy vọng sẽ tạo ra nhờ chính sách “xoay trục” giãn Mỹ để gần Trung hơn. Nhưng ông ta không thể lường được, có thể đó chỉ là sự yên tĩnh trước những bão.