Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngViệt Nam phản đối TQ định tập trận trên biển Đông

Việt Nam phản đối TQ định tập trận trên biển Đông

“Dù động cơ mỗi thời điểm của TQ khác nhau nhưng tất cả đều thực hiện cho ý đồ chung, đó là tham vọng bá quyền trên biển Đông”.

Tham vọng bá quyền

Ngày 26/10, truyền thống quốc tế dẫn thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, nước này sẽ tiến hành tập trận ở biển Đông vào ngày 27/10.

Cuộc tập trận sẽ diễn ra ở phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Cục này thông báo yêu cầu các tàu thuyền tránh xa khu vực trên và không đưa thêm chi tiết gì về cuộc tập trận.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Bá Sơn – ĐBQH Đà Nẵng cho rằng, đây là hành động không mới của Trung Quốc. Từ trước đến nay, Bắc Kinh vẫn làm như vậy dù biết rằng việc này trái các quy định của luật pháp quốc tế và bị cộng đồng quốc tế lên án.

“Chúng tôi phản đối hành động đó của Trung Quốc. Đó là hành động xâm phạm chủ quyền, luật pháp quốc tế của Việt Nam 1 cách trắng trợn. Người dân Việt Nam nói chung và người Đà Nẵng nói riêng không ai đồng ý cả. Trung Quốc lúc nào cũng làm như vậy. Dù động cơ mỗi thời điểm có thể khác nhau nhưng tất cả mọi việc đều thực hiện cho ý đồ chung, mục tiêu chung đó là tham vọng bá quyền trên biển Đông”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Vinh – ĐBQH TP Hải Phòng khóa 13 khẳng định, tình hình biển Đông hiện đang trở nên phức tạp hơn do những hành động gây hấn, gia tăng căng thẳng mới từ phía Trung Quốc.

“Trung Quốc đang rất bành trướng. Họ đang quyết tâm thực hiện dã tâm độc chiếm biển Đông. Bây giờ Bắc Kinh đang tranh thủ tất cả các nơi để tiến hành những việc như vậy như cả tuyên bố tập trận. Thực tế từ khi có kết luận của tòa án La Haye trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thì họ vẫn coi như không có vấn đề gì”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, ngoài việc gia tăng các căng thẳng trên biển Đông, Trung Quốc còn tích cực dùng ảnh hưởng của mình đối với các nước nhằm mua chuộc học giả quốc tế ủng hộ luận điệu sai trái của họ.

“Trung Quốc thường sử dụng ảnh hưởng của mình thông qua các học giả và Luật sư của các nước để nói về vấn đề biển Đông. Họ muốn thông qua đó để từng bước khẳng định lập trường và sự hiện diện của mình. Và đương nhiên Việt Nam và các nước không ủng hộ việc này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Việt Nam chủ động

Trước tuyên bố tập trận mới của Trung Quốc, ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng Việt Nam cần tự chủ động trong vấn đề biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng lên tiếng về việc này. Về mặt pháp lý chúng ta luôn luôn phải có những phản ứng kịp thời và đúng thời điểm để đảm bảo thực thi chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

“Phản ứng của chúng ta trên cơ sở lập trường, của luật pháp quốc tế về vấn đề biển Đông. Về phía cơ quan của Bộ Ngoại giao, của Chính phủ sẽ có ý kiến về việc này.

Quan hệ quốc tế có những thời điểm nhạy cảm, có những quan hệ khác nhau và mỗi quốc gia đều đặt những quyền lợi của quốc gia mình trong những mối quan hệ đó. Dù việc tỏ thái độ giữa các nước khác nhau nhưng tôi tin rằng cộng đồng quốc tế không ai đồng tình với hành động của Trung Quốc về việc đó cả”, ông Sơn nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề biển Đông đã nhất quán. Đó là chúng ta bằng con đường ngoại giao kiên cường, trên cơ sở Luật pháp quốc tế của công ước Luật biển 1982 để khẳng định quyền chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Chúng ta phải khéo léo để giành quyền lợi của mình bằng phương pháp ngoại giao vừa mềm dẻo vừa cương quyết trong vấn đề biển Đông.

Quan điểm, lập trường của Việt Nam từ trước đến giờ vẫn thể hiện như vậy. Đặc biệt, thời gian vừa rồi chúng ta đã mời một loạt các học giả quốc tế sang hội thảo ở TP.HCM. Kể cả TP Hải Phòng vừa rồi cũng kết hợp với Hội Khoa học bảo vệ tổ chức hội thảo về biển đảo “Môi trường biển đảo và độc lập chủ quyền”. Đó là những việc cần thiết trong các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những buổi tọa đàm, hội thảo về biển Đông có sự tham gia của các học giả quốc tế.

“Thông qua hội thảo đó, chúng ta sẽ tranh thủ được những ý kiến và bằng chứng về mặt khoa học để đấu tranh với phía Trung Quốc trên cơ sở pháp lý. Thứ hai, vạch trần âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Thứ ba, để cho thế giới nhìn nhận đúng đắn.  Hiện nay Trung Quốc đang cố tính xuyên tạc và cộng đồng quốc tế nhiều vấn đề chỉ nghe được một phía”, ông Vinh nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới