Monday, November 18, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông, phép thử hay cuộc thí nghiệm đối với TQ?

Biển Đông, phép thử hay cuộc thí nghiệm đối với TQ?

Đã 4 tháng trôi qua kể từ hôm 12/7/2016 Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc tại biển Đông.

Tòa kết luận trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Những dấu hiệu khác nhau và đôi khi trái ngược từ phía Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh cần thời gian để chấp nhận phán quyết của tòa và xây dựng một chiến lược để đối phó với những thách thức đối với uy tín trên trường quốc tế. Bây giờ đã có thể thấy rõ Trung Quốc có 3 lựa chọn chiến lược.

1.Tiếp tục như hiện tại

Việc Trung Quốc kiềm chế các hoạt động quân sự chỉ là một động thái chiến thuật diễn ra trong các tháng 7 và 8. Từ tháng 9 đến nay Bắc Kinh quay lại chiến thuật tiếp tục “gia tăng sức ép nhưng không vượt quá giới hạn” bằng cả các biện pháp quân sự và phi quân sự: xây và mở rộng các đảo nhân tạo, điều các tàu cá được tàu bán quân sự bảo vệ, đồng thời gia tăng sức mạnh hải quân và không quân, tổ chức tập trận chung với Nga…

Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh đã có hàng loạt “sáng kiến”.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần phản đối việc “quốc tế hóa” các xung đột tại biển Đông, nước này lại một lần nữa tổ chức một chiến dịch quốc tế nhằm ủng hộ lập trường của mình không chấp nhận phán quyết của Tòa án quốc tế. Vào tháng7, Bắc Kinh tuyên bố đã giành được sự ủng hộ từ 60 quốc gia, thực sự chỉ có mấy nước: Sudan, Gambia, Kenya, Nga, Nam Phi, Zimbabwe và Campuchia là  ra mặt công khai ủng hộ Trung Quốc.

Trong ASEAN, Campuchia ngày càng lộ rõ là đồng minh trung thành và quan trọng nhất của Bắc Kinh. Trong những năm gần đây, Phnôm Pênh đã thành công trong việc ngăn chặn ASEAN đưa ra tuyên bố chung phản đối các chính sách của Trung Quốc ở biển Đông. Không hẳn chỉ vì một gói viện trợ gần 600 triệu USD đã được Trung Quốc chuyển cho Campuchia. Tuyên bố chính thức của hội nghị các nước ASEAN trước sau chỉ đưa ra những quan ngại sâu sắc về việc cải tạo vùng đất nhân tạo và gia tăng các hoạt động tương tự tại Biển Đông. Tuyên bố có nói thêm rằng những hoạt động này đã làm “xói mòn sự tin tưởng lẫn nhau, gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng xấu đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.”

Với cách tiếp cận “Cây gậy và củ cà rốt”, Trung Quốc có thể ép buộc chính phủ hầu hết các nước ASEAN hợp tác với mình. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn không thể xây dựng hình ảnh một cường quốc thân thiện (benign hegemon) – một đất nước không màng lợi ích của mình, thúc đẩy kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia của các nước láng giềng phía Nam. Ngược lại, chính phủ các nước ASEAN cũng khó có thể giải thích cho người dân của mình – những người mang nặng chủ nghĩa dân tộc, tại sao lại ngoan ngoãn đi theo Trung Quốc, phục vụ lợi ích của đất nước họ.

Để cân bằng sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, hầu hết các quốc gia ASEAN đã tăng ngân sách cho quân đội, và theo cách này hoặc cách khác, chào đón sự hiện diện quân sự của các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Ấn Độ. Tuy nhiên, việc gia tăng quân sự hóa trong các tranh chấp tại biển Đông sẽ khó tránh khỏi phá hỏng hợp tác kinh tế sâu rộng và toàn diện giữa Trung Quốc và Đông Nam Á – điều mà Bắc Kinh mong muốn.

2.Chấp hành Luật pháp Quốc tế

Sau hơn hai thập niên là một quốc gia bị bỏ ngoài rìa, việc Trung Quốc hội nhập vào thị trường thế giới và chấp nhận quy luật quốc tế đã giúp nước này trở thành một trong những cường quốc. Bắc Kinh không chỉ chấp bút ký hầu hết các công ước và điều ước của Liên hợp quốc (LHQ) – bao gồm cả UNCLOS – mà còn chấp thuận thành lập WTO, đồng thời tham gia tích cực vào nhiều chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đối lập với các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Bangladesh, Singapore, Malaysia, Myanmar và một số nước nữa, chấp thuận việc giải quyết tranh chấp bằng tòa án quốc tế, Trung Quốc tẩy chay tòa án quốc tế và không công nhận phán quyết tòa đưa ra. Động thái này là chà đạp lên hệ thống luật pháp quốc tế, theo “luật của kẻ mạnh”.

Theo một báo cáo của Chatham House – Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh tại London: Cách “tham dự mà không tham dự” mới lạ này phải được xem xét trong bối cảnh đây là một phần tham vọng chiến lược của Trung Quốc: làm chủ tốt hơn luật pháp quốc tế. Cũng theo báo cáo này, chính phủ Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường việc chấp hành luật pháp quốc tế bằng việc thuê các luật sư quốc tế, đồng thời đào tạo các chuyên gia Trung Quốc về luật pháp quốc tế.

Theo bài viết của Bill Heyton trên tạp chí NIKKEI châu Á, để thể hiện rằng mình sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như tuân thủ những phần cốt lõi của phán quyết, “Trung Quốc chỉ cần làm một việc đơn giản: không làm gì cả”.

Trung Quốc không cần công khai rút lại những tuyên bố về “đường lưỡi bò” trên biển Đông, bởi sẽ bị “tẽn tò”. Nhưng tại sao không thể hiện rằng từ đây sẽ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước khác bằng những hành động thiết thực, như dừng việc thăm dò dầu khí hoặc các hoạt động đánh cá? Kể cả khi việc đó được thực hiện một cách bí mật để giữ thể diện, sẽ không dễ để Trung Quốc thông báo thông tin này cho dân chúng.

Người dân Trung Quốc trong nhiều tập niên qua, đã coi chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc ở biển Đông là bất khả xâm phạm. Đối với họ, sự thỏa hiệp nào cũng có thể được coi là một sự phản bội nghiêm trọng. Cuối cùng và cũng không kém quan trọng: tầm ảnh hưởng, quyền lực và tài chính của Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển Trung Quốc cũng như các lực lượng bảo vệ tàu đánh cá và chính quyền các tỉnh ven biển đã tăng lên nhiều lần trong suốt những năm có tranh chấp. Suy luận theo logic thì những nhóm này sẽ khó chấp thuận cách giải quyết tranh chấp nào có thể gây hại đến quyền lực, tầm ảnh hưởng và tài chính của mình.

3.Thiết lập các quy tắc và thông lệ quốc tế mới

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự cho mình là nước đi đầu trong cuộc đối chọi gay gắt về ý thức hệ với “phương Tây”. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã mở ra một chiến dịch về ý thức hệ trong và ngoài nước để thiết lập và thúc đẩy một “hệ tư tưởng Trung Quốc”. “Một trong những phần quan trọng của chiến lược làm các lý tưởng và tổ chức của các nước phương Tây mất uy tín, tất cả đều nhằm mục đích giúp mô hình thay thế của Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn …”

Thông điệp quan trọng nhất của chiến dịch này là: “Dân chủ mang đặc sắc Trung Quốc” vượt trội so với “Dân chủ phương Tây” vì nó là “dân chủ thực sự” với hiệu suất kinh tế tốt hơn.

Nhưng điều đó có nghĩa gì với lĩnh vực quan hệ quốc tế?

Cho đến nay, đây là góc nhìn duy nhất về trật tự quốc tế mà Bắc Kinh đưa ra. Trung Quốc đã đưa ra và hỗ trợ một số các sáng kiến và các định dạng hợp tác trong đó Mỹ không có tiếng nói, chẳng hạn như là “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải”, nhóm BRICS, hoặc trong kinh tế thì có “Sáng kiến Vành đai và Con đường” hay “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á”. Những tổ chức này được tạo ra để thay đổi nhóm quyền lực cũ. Tuy nhiên, vai trò của luật pháp quốc tế hiện tại trong các thỏa thuận hợp tác vẫn còn mập mờ. Và đến nay, cuộc xung đột sẽ được giải quyết bằng cách tham khảo luật pháp quốc tế hay sẽ thông qua tham vấn song phương hoặc đa phương vẫn là điều chưa chắc chắn.

Rõ ràng, những thủ tục và những nguyên tắc mới hoặc nguyên tắc sửa đổi không thể đưa vào áp dụng thành công khi chưa được phát triển trong quá trình liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong quá trình này, Biển Đông có thể trở thành một địa điểm để Trung Quốc thử nghiệm khả năng xây dựng một trật tự khu vực mới cũng như một kiến trúc an ninh hợp tác mà Trung Quốc mong sẽ giành được sự đồng thuận từ các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Trong gần 20 năm qua, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng các cuộc xung đột ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương, và cùng nhau phát triển các tài nguyên chung. Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: các dàn xếp và đàm phán đa phương có thể bổ sung cho đàm phán song phương. Nhưng cho đến nay, chỉ có một trường hợp của thỏa thuận song phương về phân định biển và hợp tác nghề cá. Đó là những thỏa thuận trên Vịnh Bắc Bộ được ký kết vào ngày 25 tháng 12 năm 2000, và được phê duyệt sau hơn 3 năm (30 tháng sáu 2004). Các dự án khác về phát triển chung có Trung Quốc tham gia đã thất bại. Và Bắc Kinh không muốn đề cao thỏa thuận Vịnh Bắc Bộ nêu trên như một hình mẫu của việc thiện chí và khả năng thỏa hiệp và hợp tác của Trung Quốc.

Khi xem lại những bài phát biểu gần đây và tuyên bố của Tập Cận Bình và các cố vấn của ông, có thể thấy việc tiếp cận quân sự trong cuộc xung đột ở Biển Đông dường như là mục tiêu được đặt lên hàng đầu, trong khi đó các nỗ lực ngoại giao chỉ đóng vai trò thứ yếu, phụ trợ. Một trong những cố vấn cao cấp của ông Tập mô tả chiến lược đó như sau: “Các thế hệ những nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện khả năng lãnh đạo khác nhau. Mao chấp nhận rủi ro lớn khi ông liên tục chống lại những “bức tường” thật khó lay chuyển để đạt được mục tiêu của mình. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lại lảng tránh rủi ro và thận trọng tránh xa bức tường đó. Ông Tập có điểm giống Mao khi táo bạo nhận lấy rủi ro, mạnh dạn tấn công bức tường mình đã chọn, và điều chỉnh hành động khi các bức tường này không hề suy suyển gì”.

Vào tháng 2/2016, bảy quân khu đã được thay thế bởi năm chiến khu ngoại phương. Một trong số đó, “Chiến khu phía Nam” là vùng tác chiến mới với định hướng chiến lược chính về Biển Đông và là “cốt lõi quốc phòng của Trung Quốc.”

Ông Tập nhắc đến sự phục hưng của dân tộc Trung Quốc và việc khôi phục lại sức mạnh cũ, tầm quan trọng và vẻ rực rỡ của nó. Điều mà ông gọi là “giấc mơ Hoa”. Nhưng trái với triều đình Trung Quốc cũ khi quyền lực dựa trên nền kinh tế thinh vượng, tự động trung tâm, sức mạnh của Trung Quốc hiện đại dựa trên phát triển mạnh quan hệ kinh tế với các đối tác khu vực và quốc tế. Để làm quan hệ ấy trở nên hưng thịnh, một điều kiện tiên quyết không thể thiếu là trật tự quốc tế và những quy chuẩn phải được chấp nhận bởi các thành viên của cộng đồng quốc tế.

Do đó, Biển Đông sẽ là phép thử, hoặc cuộc thí nghiệm quyết định về khả năng của Trung Quốc: hoặc là tuân theo trật tự quốc tế hiện hành, hoặc sửa đổi nó; hoặc để tạo ra một trật tự quốc tế mới – điều này cần có sự đồng ý của càng nhiều nước càng tốt.

Trung Quốc đã bịa ra rất nhiều nước ủng hộ mình là vì thế!

RELATED ARTICLES

Tin mới