Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 03/11

Bản tin Biển Đông ngày 03/11

Bản tin Biển Đông ngày 03/11/2016.

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong cuộc phỏng vấn 
với Reuters hồi năm 2015 tại thủ đô Kuala Lumpur – Ảnh: Reuters

1) Cách hành xử của Trung Quốc là lý do Mỹ triển khai hoạt động quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 2/11, tạp chí The National Interest đăng tải bài viết “Cách hành xử của Trung Quốc là lý do Mỹ triển khai hoạt động quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Derek Grossman, chuyên gia cao cấp hỗ trợ dự án phi lợi nhuận, phi đảng phái RAND Corporation, trước từng làm việc cho Cục Tình báo Quốc phòng của Chính phủ Mỹ:

Phản biện lại bài viết “Mỹ cần ngừng quân sự hóa ở Châu Á – Thái Bình Dương” đăng trên Thời báo New York của hai chuyên gia về quốc phòng Châu Á là Nicholas Borroz và Hunter Marston, ông Derek Grossman nhận định đây là một bài viết “đầy tính khiêu khích” vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ diễn ra, đồng thời nhấn mạnh rằng, trên thực tế, cấu trúc đồng minh của Mỹ đã có đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng kinh tế của khu vực này từ cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ II, và hệ thống này không có gì thay đổi kể cả cho đến khi sự quyết đoán và hiếu chiến của Bắc Kinh ngày càng gia tăng và thách thức vị thế của Mỹ ở khu vực. Tác giả cũng cho rằng bài viết trên Thời báo New York đã không đưa ra được một hướng đi mang tính thực tế để chính sách của Mỹ có thể chuyển từ các biện pháp “quân sự” sang hợp tác “phi quân sự. Ông tái khẳng định, nếu có bất cứ thay đổi nào, chính sách của Mỹ cũng sẽ chỉ bắt đầu từ những thay đổi rõ ràng trong cách hành xử của Trung Quốc.

 Ông Grossman khẳng định, hành động của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Tuyên bố năm 2010 của Ngoại trưởng Hilary Clinton về tầm quan trọng của tự do hàng hải hay chính sách Tái cân bằng chiến lược của chính quyền Obama thực chất là nhằm phản ứng lại các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc khi tuyên bố và khẳng định yêu sách đường chín đoạn đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn kiên quyết không có ý định thay đổi hay điều chỉnh hành vi của họ ở Biển Đông, vẫn tiếp tục có cách hành xử hiếu chiến và hung hãn đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong bài báo của mình, hai tác giả Borroz và Marston lại bỏ qua một cách dễ dàng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ráo riết bồi đắp các đảo ở Biển Đông thay vì đưa ra giải thích rằng những hành động đó là hành động đơn phương và đe dọa không chỉ các nước trong khu vực mà còn đe dọa khả năng thực hiện các hoạt động quân sự của Washington ở khu vực trong tương lai. Không những thế, với các cuộc tập trận thường xuyên “vì chủ quyền” trên biển và trên không và các tàu cá hung hãn thường xuyên đe dọa các nước láng giềng, nếu Trung Quốc không bị “kiềm chế”, các đồng minh và đối tác của khu vực sẽ lo sợ rằng họ phải “chống đỡ một mình”, điều đã được các nước này bày tỏ quan ngại và trao đổi riêng với phía Mỹ.   

Ngoài ra, ông Grossman đánh giá rằng việc quân đội Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đến khả năng hai vấn đề an ninh ở khu vực sẽ trở nên xấu đi: (i) việc Đài Loan sẽ bảo đảm quy chế thế nào trước một Bắc Kinh luôn tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự để uy hiếp Đài Loan nhằm thực hiện chính sách “Một Trung Quốc” của mình và (ii) khó có thể hình dung tương lai tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông sẽ ra sao nếu thiếu sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực nhằm đảm bảo hòa bình trong bối cảnh tranh chấp, sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện phòng không năm 2013.

2) Cựu Thủ tướng Malaysia cảnh báo: chủ quyền của Malaysia sẽ bị ảnh hưởng nếu phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc

 Ngày 2/11, trang Channel News Asia đưa tin:

Ngày 2/11, tại cuộc họp hội đồng các nhà lãnh đạo Đảng Pribumi Bersatu, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước nguy cơ Malaysia trở nên quá phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của Trung Quốc mà có khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền của nước này. Cụ thể, sau khi Malaysia ký kết tới 14 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng thống Najib tới Bắc Kinh ngày 1/11, ông cảnh báo, trước Trung Quốc muốn áp đặt vấn đề Biển Đông theo hướng giải quyết các yêu sách lãnh thổ đơn phương với từng bên tranh chấp, thay vì giải quyết với cả khối ASEAN, có thể Malaysia “đang đi chệch khỏi con đường của mình” mà “không tính đến chính sách của các quốc gia khác trong khu vực”. Bên cạnh đó, ông cho rằng hành động của Trung Quốc có thể phá hoại sự đoàn kết trong khối ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực như các yêu sách lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông. Nhà kinh tế khu vực PK Basu cũng cho rằng Malaysia có thể đang muốn thu được những lợi ích kinh tế từ việc thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc nhưng cần tính tới khả năng có thể sẽ bị Trung Quốc “áp đặt” trong các vấn đề khu vực.

3) Tàu USS John S. McCain thực hiện tuần tra thường kỳ ở Biển Đông

Ngày 2/11, báo Hải quân Mỹ đưa tin:

Ngày 30/10, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường loại Arleigh Burke có tên USS John S. McCain (DDG 56) đã thực hiện các hoạt động thường kỳ khi đi qua Biển Đông. Đội tàu John S. McCain thuộc hạm đội 7 có nhiệm vụ củng cố khả năng liên lạc giữa các tàu và khả năng tuần tra trên biển. Cuộc tuần tra này được cho là một cơ hội cho các thủy thủ mới bồi dưỡng khả năng hoạt động trên biển thông qua các cuộc diễn tập đụng độ chuyên nghiệp. Xuất phát từ cuộc tuần tra với nhóm Tác chiến Tàu sân bay số 5 (CSG), nhiệm vụ của tàu John S. McCain đã chuyển từ hỗ trợ các cuộc diễn tập quốc tế sang tự tiến hành tuần tra thường kỳ độc lập.

RELATED ARTICLES

Tin mới