Sunday, January 5, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCác ngân hàng nước ngoài đang làm ăn thế nào ở Việt...

Các ngân hàng nước ngoài đang làm ăn thế nào ở Việt Nam

Trong cấu phần lợi nhuận của các ngân hàng ngoại thì có tới 70 – 80% là thu từ dịch vụ, còn thu từ tín dụng chỉ chiếm 10 – 15% và tỷ lệ còn lại là thu khác.

 

Trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, ngoài 32 ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn còn có các ngân hàng liên doanh, nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào thị trường tài chính.

Thống kê cho thấy hiện có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài là HSBC (Hồng Kong – Thượng Hải), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan (Hàn Quốc), Hong Leong (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia) và Woori (Hàn Quốc).

Trong số này, HSBC có mặt tại Việt Nam sớm nhất, từ năm 1870, và cũng là ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (đầu năm 2009).

Woori của Hàn Quốc là ngân hàng 100% vốn nước ngoài mới nhất, khi vừa được cấp phép thành lập cách đây hơn 2 tháng.

Ngoài ra, số các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài cũng đã lên đến con số 50, chưa kể 50 văn phòng đại diện và một số ngân hàng liên doanh.

Và theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay nhóm các ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tổng tài sản hơn 800 nghìn tỷ đồng, vốn tự có hơn 126 nghìn tỷ, vốn điều lệ hơn 101 nghìn tỷ.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm này là 33,85% – gấp hơn 3,5 lần so với chỉ số CAR của các ngân hàng thương mại Nhà nước và cũng gấp hơn 2,5 lần so với CAR bình quân toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đáng lưu ý, trong khi các chỉ số quan trọng về tài chính nói trên của các ngân hàng trong nước tăng chậm hoặc sụt giảm, thì của nhóm các ngân hàng nước ngoài và liên doanh lại không ngừng tăng.

Bên cạnh đó, một chỉ số quan trọng liên quan đến an toàn vốn của nhóm các ngân hàng này là họ không dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, trong khi đó các tổ chức tín dụng trong nước lên đến 33,48% (nhóm cổ phần tỷ lệ này là 41,28% và nhóm ngân hàng TMNN là 36,58%).

Về kết quả hoạt động, trong khi các ngân hàng nội có báo cáo hàng quý, hàng năm công bố rộng rãi, thì các ngân hàng này lại rất kín tiếng và chỉ báo cáo về cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước hàng năm.

Trong các số liệu công khai, hiện có thông tin mới nhất của NHNN cập nhật đến hết quý 1/2016 cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) của nhóm này đạt 1,37%, thấp nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trong khi đó đạt 0,2%, ngang bằng mức của các ngân hàng thương mại nhà nước và gấp đôi so với các ngân hàng cổ phần.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong cấu phần lợi nhuận của các ngân hàng ngoại thì có tới 70 – 80% là thu từ dịch vụ, còn thu từ tín dụng chỉ chiếm 10 – 15% và tỷ lệ còn lại là thu khác. Chính vì vậy, các dịch vụ của ngân hàng ngoại đều rất tốt, có lợi thế vượt trội so với các ngân hàng nội.

Chẳng hạn như dịch vụ cho các khách hàng cao cấp, dù không có con số thống kê chính thức, nhưng có tới hơn nửa khách VIP đang thuộc về các nhà băng ngoại.

Điều này cũng dễ hiểu bởi họ (nhất là ANZ, HSBC, Standard Charterd) có dịch vụ từ rất sớm, chất lượng tốt, làm ăn bài bản, trong khi các ngân hàng trong nước mới chỉ biết đến và chú trọng mảng khách hàng này cách đây 3-4 năm (khởi đầu từ Techcombank năm 2012), thậm chí đến hiện tại vẫn còn chưa được triển khai ở nhiều ngân hàng.

Hay trong mảng thẻ, đặc biệt là thẻ tín dụng, trong top các ngân hàng có dịch vụ thẻ tốt nhất hiện nay thì ANZ, HSBC, Citibank luôn có mặt nhờ khả năng thanh toán rộng khắp các nước trên thế giới, nhiều ưu đãi và tính bảo mật cao.

Nhưng các thẻ của nhóm ngân hàng này cũng có nhược điểm với người dùng phổ thông là phí thường niên cao hơn nhiều so với các ngân hàng nội, chẳng hạn của Citibank là 1,2 triệu đồng/năm.

Theo TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh thì các dịch vụ của ngân hàng ngoại còn phải kể đến giao dịch ngoại tệ (đặc biệt là các sản phẩm phái sinh ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để bảo hiểm tỷ giá), thanh toán quốc tế (vì họ có cả hệ thống thanh toán của các chi nhánh của ngân hàng của họ trên toàn cầu nên dịch vu và phí rất rẻ…), các dịch vụ rất tốt cho đối tác nước ngoài (cấp tín dụng, bảo lãnh, các loại tài trợ thương mại khác, huy động vốn …).

Ngoài ra, họ cũng rất ưu việt trong việc IPO cho các doanh nghiệp start up, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp…

Về tín dụng, TS. Tín phân tích, lãi suất cho vay của nhóm này rất thấp nếu như khách hàng đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ về phương án kinh doanh, phương án trả nợ và pháp lý đầy đủ của tài sản thế chấp.

Chính bởi lãi suất của họ thấp, nhưng do điều kiện quá khó (chú trọng quản trị rủi ro) nên ở thị trường Việt Nam không thể phát triển được, mà chủ yếu tín dụng phục vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và cho đối tác của họ ở nước ngoài.

Lý giải nguyên nhân vì sao ROE của các ngân hàng ngoại thường lại thấp hơn các ngân hàng nội, chuyên gia này cho rằng bởi dịch vụ của họ phát triển mạnh trong khi nguồn thu từ dịch vụ lại ít hơn (rẻ hơn) so với nguồn thu từ tín dụng.

Hơn nữa, khách hàng của nhóm ngân hàng này là các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang bị các ngân hàng nội cạnh tranh khá mạnh, đặc biệt là các “ông lớn”, khiến cho lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng.

Dẫu vậy, theo TS. Tín, điều này cũng không quá quan trọng bởi các ngân hàng ngoại họ ít bị rủi ro hơn các ngân hàng nội và vì thế có thể ổn định phát triển lâu dài hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới