Friday, July 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì chất lượng, TQ phải lao đao tìm đường xuất khẩu vũ...

Vì chất lượng, TQ phải lao đao tìm đường xuất khẩu vũ khí

Dù tốc độ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nhanh chóng song lòng tin chính trị, chất lượng sản phẩm là hai trong số những rào cản khiến các nước e ngại mua vũ khí của Trung Quốc.

 

 

 Vũ khí Trung Quốc đang tìm chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu thế giới. 

Hơn 900 loại vũ khí của Trung Quốc sẽ được trưng bày tại triển lãm hàng không Chu Hải bắt đầu vào hôm nay (1/11). Đây được xem là cơ hội tốt để Trung Quốc phô bày trước các khách hàng tiềm năng ở châu Á và châu Phi về những công nghệ hiện đại nhất do chính nước này sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc vẫn đang đứng sau Nga và Mỹ. 

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin theo các nhà tổ chức, cuộc triển lãm hàng không Chu Hải diễn ra trong 6 ngày sẽ trưng bày hơn 900 loại vũ khí của Trung Quốc trước hơn 700 người tham quan đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với hơn 400 nhà sản xuất tại Trung Quốc. 

Mặc dù theo giới chuyên gia quân sự, chất lượng của các loại vũ khí giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã được cải thiện song các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế cùng lúc cạnh tranh và giành thị phần với Mỹ và Nga. 

Theo ông Andrei Chang, nhà sáng lập tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence, tại hội chợ hàng không quốc phòng và hàng không vũ trụ châu Phi hồi tháng Chín, các nhà trưng bày Trung Quốc đã phải cố gắng để tìm khách hàng đồng thời tìm cách giữ lại các hợp đồng bán máy bay huấn luyện L-15 Falcon và chiến đấu cơ JF-17. 

Theo ông Chang, Cameroon đã nhập 4 chiếc trực thăng tấn công Harbin Z-9 của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đề xuất cho nước này vay 100 triệu USD hồi năm ngoái nhưng một chiếc đã gặp nạn ngay sau khi Trung Quốc chuyển giao cho Cameroon. Hiện nay, Cameroon vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh về vụ tai nạn của Harbin Z-9 và chưa có kế hoạch mua tiếp vũ khí của Trung Quốc do lo ngại về chất lượng sản phẩm. 

Trong khi đó, theo giáo sư Jonathan Holslag, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Brussels, vấn đề tài chính đang khiến nhiều quốc gia bao gồm Nam Phi chần chừ và thận trọng khi đưa ra quyết định sắm thêm vũ khí. 

“Có quá nhiều sự cạnh tranh và nhiều quốc gia sẵn sàng đưa ra mức giá thấp nhất. Mua bán vũ khí thường đi kèm với hoạt động bảo dưỡng và huấn luyện trong khi Trung Quốc là nước đi tiên phong trong lĩnh vực này”, ông Holslag nói. 

Hiện tại, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức đàm phán với khách hàng sau vụ việc tên lửa chống tàu C-705 do Trung Quốc sản xuất đã bắn trượt mục tiêu trong cuộc tập trận của Indonesia hồi tháng Chín trước sự chứng kiến của Tổng thống Joko Widodo.

Tạp chí IHS Jane cho hay hai quả tên lửa C-705 đã bắn trượt mục tiêu sau khi được bắn từ hai tàu tấn công tên lửa lớp KCR-40 của hải quân Indonesia trong cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Armada Jaya trên biển Java hôm 14/9. 

Còn theo tờ Jakarta Post, trước đó, Indonesia đã được cấp phép để công ty sản xuất máy bay PT Dirgantara tự sản xuất tên lửa C-705 trong giai đoạn năm 2017 hoặc 2018. Tuy không rõ hợp đồng cấp phép cho Indonesia sản xuất tên lửa C-705 có bị ảnh hưởng sau vụ phóng thất bại hay không song giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định sự thất bại của C-705 sẽ tạo ra những tác động tiêu cực trong giai đoạn ngắn hạn đối với hoạt động buôn bán vũ khí của Trung Quốc. 

Theo nhà quan sát quân sự Zhou Chenming, thông thường các nhà sản xuất sẽ nhấn mạnh trong các buổi thử nghiệm rằng khả năng bắn chính xác mục tiêu của tên lửa đạt từ 90 – 95%. Cũng theo ông Zhou, khả năng hoạt động của tên lửa C-705 và các tên lửa tầm ngắn hơn là C-701 và C-704 đã được chứng minh trong những vụ tấn công gần đây của lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen do Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu thuyền của các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. 

Còn theo chuyên gia hải quân Li Jie, yếu tố thời tiết và con người có thể là khả năng dẫn tới sự thất bại của tên lửa C-705 trong cuộc tập trận hồi tháng Chín của Indonesia. 

“Vũ khí được sản xuất từ nhiều loại kim loại khác nhau do đó yếu tố thời tiết như khí hậu, độ ẩm, độ mặn cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động”, theo ông Li, khí hậu tại Trung Quốc có những điểm khác xa so với Indonesia. 

Cũng theo ông Li, điều này tương tự như việc 6 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 của Nga đã gặp nạn tại Ấn Độ từ năm 2009 – 2015. Theo bản báo cáo hồi tháng 6/2015 do trang web Russia Beyond the Headlines đăng tải, khí hậu khắc nghiệt, yêu cầu huấn luyện khác biệt và chế độ bảo dưỡng là những nguyên nhân chính khiến 6 chiếc Sukhoi Su-30 bị rơi. 

Lòng tin chính trị

Theo giới chuyên gia quân sự, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc nên chờ đợi thêm nếu muốn xây dựng thương hiệu trên trường quốc tế. “Nhiều quốc gia quyết định mua vũ khí của Nga và Mỹ chỉ vì hai nước này sẽ đảm bảo an ninh cho họ tương tự như đồng minh trong khi Trung Quốc chưa đủ khả năng để làm việc này cho các khách hàng tại châu Phi và châu Á”, ông Zhou nói. 

Lòng tin chính trị là một trong những trở ngại cản lối Trung Quốc xuất khẩu vũ khí. 

Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định ngành quốc phòng Trung Quốc ngày càng lớn mạnh nhưng chất lượng vũ khí do Bắc Kinh sản xuất lại chưa đạt tiêu chuẩn. 

“Tôi cho rằng Trung Quốc chưa thể xây dựng thương hiệu trên thị trường xuất khẩu vũ khí nhưng trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tập trung vào nghiên cứu và cải tiến. Công nghệ hiện đại là yếu tố quan trọng trên thị trường xuất khẩu vũ khí. So với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất. Yếu tố lòng tin chính trị cũng là rào cản với Trung Quốc bởi Trung Quốc chưa từng nằm trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí đáng tin”, ông Chaturvedy nói. 

Theo ông Zhiu, lòng tin chính trị là yếu tố chủ chốt lý giải nguyên nhân chính phủ Sri Lanka đương nhiệm từ chối thực hiện thương vụ mua vũ khí của Trung Quốc mà chính phủ tiền nhiệm đã ký. 

Tạp chí Kanwa Defence Review tiếng Trung hồi tháng trước đưa tin Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã hủy bỏ các thỏa thuận mua vũ khí Trung Quốc. Theo người đứng đầu không quân Sri Lanka, Nguyên soái Kolitha Gunathilake, quốc gia này không cần mua thêm các thế hệ chiến đấu cơ mới để thay thế các máy bay quân sự lỗi thời J-7 của Trung Quốc và MiG-27 của Nga song Sri Lanka đang cân nhắc mua các chiến đấu cơ F-16 đã qua sử dụng của Mỹ. Nhưng yếu tố giá cả đang là rào cản với Sri Lanka. 

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tại London, hơn 2/3 các nước châu Phi sử dụng vũ khí của Trung Quốc. Điều này cho thấy châu Phi đang trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong đó Nigeria, Uganda và Djibouti là 3 trong 10 quốc gia trở thành “khách hàng ruột” của Bắc Kinh kể từ năm 2005. 

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc mới chỉ chiếm 5,9% thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2011 – 2015 trong khi Nga và Mỹ vẫn là hai cường quốc xuất khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới. 

Cũng theo SIPRI, Trung Quốc đã cũng cấp vũ khí cho 37 quốc gia kể từ năm 2011 – 2015 song 75% vũ khí Trung Quốc xuất đến các nước châu Á và Châu Đại Dương. Pakistan là khách hàng chính của Trung Quốc và nhập 35% trong tổng số vũ khí mà Bắc Kinh xuất khẩu theo sau là Bangladesh (20%) và Myanmar (16%).

Mới đây, tờ PLA Daily cho hay Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu tàu ngầm, tên lửa và chiến đấu cơ sang các nước láng giềng. Cụ thể, Bắc Kinh sẽ chuyển giao ít nhất 13 tàu ngầm với tổng trị giá 6,2 tỷ USD trong những năm tới với 8 chiếc cho Pakistan, 3 chiếc tới Thái Lan và 2 chiếc tới Bangladesh.

Ngoài ra, Trung Quốc còn xuất khẩu tên lửa và xe tăng sang Pakistan, quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 1950. Pakistan cũng là nhà đồng phát triển chiến đấu cơ JF-17 của Trung Quốc. 

Còn theo ông Chaturvedy, mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Pakistan đã khiến Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản cũng như nhập thêm vũ khí từ Nga và nhiều quốc gia khác đồng thời tăng cường phát triển vũ khí nội địa. 

“Nga là nhà cung cấp chính vũ khí cho Ấn Độ nhưng trong những năm gần đây Ấn Độ đã đa dạng nguồn nhập khẩu bao gồm Mỹ, Israel và một số quốc gia châu Âu như Pháp. Tầm quan trọng của Nga dần bị thay thế do thay đổi chính sách chính trị và nhiều nước cũng sẵn lòng tăng cường quan hệ với Ấn Độ”, ông Chaturvedy nói. 

RELATED ARTICLES

Tin mới