Một người trong nhóm vận động phản đối dự án cho biết: “Chúng tôi không chắc liệu có thắng nổi hay không, nhưng chúng tôi sẽ đấu tranh bảo vệ biển và lối sống của chúng tôi.”
Địa điểm dự án tại Krabi, Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asian Review
Tờ Nikkei Asian Review đăng tải, một dự án nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc thầu, dự kiến xây dựng tại Krabi – một địa điểm du lịch nổi tiếng Thái Lan – đang vấp phải làn sóng phản đối dữ dội đến từ người dân địa phương do lo ngại những tác động xấu đối với môi trường.
Các công ty cung cấp dịch vụ hạ tầng phương Tây và Nhật Bản cũng lo ngại Trung Quốc sẽ xâm lấn vào thị trường lớn cuối cùng tại Đông Nam Á.
Dự án nhiệt điện được dự kiến sẽ cung cấp điện cho nhu cầu ngày một gia tăng ở phía Nam Thái Lan, thay thế một nhà máy nhỏ và cũ hơn nằm cách bờ biển Andaman khoảng 10km. Chính phủ Thái Lan đang ráo riết thúc đẩy dự án này, tuy nhiên việc vua Bhumibol qua đời đã khiến những thủ tục phê duyệt cuối cùng chậm lại.
Nhiều người Thái hết sức lo lắng trước dự án, sau khi nhà máy nhiệt điện Mae Moh ở phía Bắc gây ra quá nhiều thiệt hại môi trường không thể cứu vãn. Người dân địa phương cũng phản đối việc xây dựng cảng trong khu vực để phục vụ việc nhập than từ nước ngoài về cho nhà máy.
Mặc dù những phát triển này có thể mang lại thêm thu nhập, và Cơ quan cung cấp điện của Thái Lan (EGAT) hứa hẹn sẽ xây bệnh viện và trại nuôi cá, người dân địa phương vẫn yêu cầu chính quyền từ bỏ ý định.
Một người trong nhóm vận động phản đối dự án cho biết: “Chúng tôi không chắc liệu có thắng nổi hay không, nhưng chúng tôi sẽ đấu tranh bảo vệ biển và lối sống của chúng tôi.”
Theo Nikkei, Trung Quốc vốn có nhiều tiếng xấu trong việc xây dựng nhà máy điện tại Đông Nam Á.
Các công ty Trung Quốc đặt ra mức giá thấp hòng giành giật nhiều dự án ở Indonesia trong những năm 2000. Thế nhưng nhiều trường hợp, các thiết bị không hoạt động như thiết kế, dẫn tới tình trạng mất điện ở nhiều khu vực.
Một ví dụ gần đây chính là nhà máy nhiệt điện Hongsa tại Lào, vừa được khánh thành hồi năm ngoái. Công trình do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, và sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu đến từ Trung Quốc. Ban đầu, nhà máy chỉ có thể vận hành 30% công suất.
Nikkei nhận định, quyết định cho Trung Quốc thầu dự án của EGAT có thể không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của cơ quan này. Một số nhà quan sát cho rằng quyết định này có thể do chính quyền quân sự chỉ đạo, nhằm tỏ thái độ nồng ấm trong quan hệ với Trung Quốc.