Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnSáu nước Asean đã "về tay" TQ

Sáu nước Asean đã “về tay” TQ

Việc Malaysia “chuyển hướng” mạnh mẽ sang Trung Quốc nhân chuyến thăm Bắc Kinh 6 ngày (từ hôm 30/10) của Thủ tướng Najib Razak đã khiến báo chí Mỹ phát hoảng mà thốt lên rằng “các quân cờ domino đang đổ ở Biển Đông”. Theo đó, trong 10 nước thành viên ASEAN thì tính tới nay đã có tới 6 quốc gia gần như đã bị Trung Quốc mua chuộc.

Thủ tướng Najib Razak và Thủ tướng Lý Khắc Cường chứng kiến lễ ký kết các hiệp định song phương ngày 1/11/2016 tại Bắc Kinh

Thủ tướng Malaysia Najib Razak là lãnh đạo mới nhất của Đông Nam Á được Trung Quốc trải thảm đỏ đón tiếp ở Bắc Kinh. Theo AFP, tại thủ đô Bắc Kinh ngày 1/11, Thủ tướng Najib và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chứng kiến buổi lễ ký kết 14 thỏa thuận về quốc phòng, kinh tế và các lĩnh vực khác với tổng trị giá 144 tỷ Nhân dân tệ (tương đương hơn 21 tỷ USD). Đáng chú ý, 13 tỉ USD sẽ được Trung Quốc rót vào dự án xây dựng đường sắt kết nối các bang miền đông trên bán đảo Malaysia. Nhà thầu Trung Quốc sẽ đảm nhiệm luôn việc xây dựng dự án tỉ đô này. “Trong vòng 7 năm, Malaysia sẽ không phải trả bất cứ tiền gì, kể cả lãi và nợ gốc” – Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết, đồng thời tiết lộ giai đoạn đầu tiên trong dự án 600km đường sắt sẽ được khởi công vào năm tới và hoàn thành sau 5 năm. Malaysia sẽ có hơn 20 năm để trả nợ cho Trung Quốc với mức lãi suất rất hấp dẫn và “thấp hơn thị trường thế giới”.

Dự án lớn thứ hai trị giá 7,34 tỉ USD nhằm thu hồi đất để phát triển bất động sản trên 4 đảo ngoài khơi Malacca. Tập đoàn hàng đầu Malaysia là KAJ Development (KAJD) sẽ nắm giữ 51% cổ phần trong dự án Melaka Gateway trong khi Powerchina International sẽ đưa các nhà thầu đến đầu tư và thi công dự án hoàn thành vào năm 2025.

Yếu tố gây quan ngại nhất, theo tờ The Wall Street Journal, là quyết định của Malaysia mua ít nhất là 4 chiếc, thậm chí mua đến 10 chiếc tàu chiến do Trung Quốc chế tạo. Hợp đồng mua vũ khí này không hẳn là đồng nghĩa với một sự chuyển hướng chiến lược, nhưng hợp đồng quan trọng đầu tiên của Kuala Lumpur mua thiết bị quốc phòng của Trung Quốc có giá trị biểu tượng đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Malaysia là một trong 4 quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông vốn bị “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc bao trùm lên. Tuy nhiên, Kuala Lumpur chọn thái độ im lặng kể cả khi Bắc Kinh đưa chiến hạm và tàu cá vào vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Theo The Wall Street Journal, bối cảnh hiện nay không lấy gì là khả quan, vì gần đây Malaysia đã loan báo rằng ngân sách quốc phòng sẽ cắt giảm mạnh các chi tiêu cho lực lượng không quân và hải quân, làm hạn chế khả năng phòng thủ mà Malaysia rất cần vì đây là một quốc gia nằm chia Biển Đông thành hai phần. Kế hoạch thành lập một đơn vị đổ bộ cũng đã bị hủy bỏ, khiến Malaysia không thể hợp tác với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, không dễ gì mà tìm được nguồn tài chính để mua tàu chiến của Trung Quốc.

Malaysia và các cảng biển của nước này nằm trong sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung với Malaysia đang trong thời kỳ đóng băng vì vụ bê bối 1MDB (Quỹ 1Malaysia Development Berhad bị thất thoát hàng tỉ USD, trong đó một khoản tiền không nhỏ được cho là chui vào túi riêng của Thủ tướng Najib), Trung Quốc đã chìa tay về phía chính quyền của Thủ tướng Najib và không việc gì khiến ông ngại ngần nắm ngay lấy cơ hội.

Vừa vất vả đối đầu với phe đối lập trong nước, vừa cần đến đầu tư của Trung Quốc để bù đắp các khoản thiếu hụt trong ngân sách Nhà nước, chiếc la bàn ngoại giao của Thủ tướng Najib đã hướng về Trung Quốc, nguồn cung cấp tài chính rất hào phóng mà không gây khó dễ gì cả. Như vậy, ông Najib đã quay trở lại với di sản của bố ông, người đã bình thường hóa bang giao với Trung Quốc vào năm 1974.

Trong thời gian tới, theo The Wall Street Journal, rất có thể là Malaysia sẽ dần rút ra khỏi các cuộc tập trận hoặc những hoạt động có thể bị Bắc Kinh xem là “mang tính gây hấn”. Kuala Lumpur cũng có thể sẽ có thái độ thận trọng hơn trong hồ sơ Biển Đông, giành ưu tiên cho đàm phán song phương.

Với nhiều hợp đồng kinh tế và quân sự, Malaysia là thành viên thứ 6 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được Trung Quốc dùng tiền giành ảnh hưởng. Theo nhận định của The Wall Street Journal, về mặt chiến lược thì đối với Mỹ, Malaysia không quan trọng bằng Philippines, nhất là quần đảo Philippines có vị trí như là tiền đồn ở Biển Đông. Tuy vậy, Malaysia cũng nằm ở vùng phía Nam của Biển Đông, kéo dài từ Vịnh Thái Lan đến phía đông đảo Borneo.

Malaysia có các mối quan hệ quân sự lâu năm với Mỹ, nhưng có quan hệ trực tiếp và mang tính lịch sử quan trọng hơn với Úc, thông qua các hiệp định phòng thủ giữa hai nước. Úc tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Malaysia và vẫn tiến hành các chuyến bay tuần tra bên trên Biển Đông từ bán đảo Malaysia.

Trước Malaysia, Tổng thống Philippines Duterte hồi cuối tháng 10 cũng đã thăm Trung Quốc và đạt được nhiều thỏa thuận, trong đó đáng kể nhất là về bãi cạn Scarborough. Từ khi lên cầm quyền, ông Duterte đã chọn cách rời xa đồng minh Mỹ để rơi vào vòng tay của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là một đồng minh lịch sử của Mỹ, nay cũng đang xích lại gần với Bắc Kinh. Lý do cũng bắt nguồn từ việc Washington lên án cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 22/5/2014. Sự kiện Thái Lan dự kiến đặt mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc, khiến Lầu Năm Góc hết sức thất vọng.

Theo tờ nhật báo Mỹ, tính đến nay chỉ còn 4 thành viên của ASEAN là chưa bị Trung Quốc mua chuộc.

Singapore, tuy không phải là đồng minh, nhưng nước này là đối tác quốc phòng phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ. Theo The Wall Street Journal, nếu Philippines dưới quyền lãnh đạo của ông Duterte tiếp tục đường lối như hiện nay, Singapore có thể sẽ trở thành đồng minh mới của Mỹ.

Về phần Indonesia, từ năm 2014, Jakarta đã hành động cương quyết hơn, bắt các ngư phủ vi phạm lãnh hải của họ và đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp. Sau khi đắc cử, Tổng thống Joko Widodo đi thăm Nhật Bản, đã chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trong vùng Biển Đông. Trên bản đồ, khu vực đường chín đoạn này không đụng chạm vào hải phận Indonesia kể cả quần đảo Natuna mà Trung Quốc phải chính thức xác nhận, sau khi Indonesia dọa sẽ đưa ra tòa nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với các đảo này. Cuối tháng 10 vừa qua, Indonesia đã thảo luận dự án tuần tra chung trên Biển Đông với Úc. Mục tiêu là phát đi thông điệp rằng hai nước này và có thể nhiều bên khác không cùng nhìn nhận và giải pháp như Philippines về ý đồ và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ đồng thời còn chuẩn bị sẵn sàng để khi cần sẽ có ngay tập hợp lực lượng và biện pháp ứng phó mới.

Theo giới quan sát, điều này cho thấy là bên ngoài khuôn khổ liên minh truyền thống với Mỹ, các quốc gia trong vùng hoàn toàn có thể liên kết với nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới