Sunday, November 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrận chiến thứ hai của Tổng thống Philippines sau ma tuý

Trận chiến thứ hai của Tổng thống Philippines sau ma tuý

Sau khi mạnh tay trấn áp trong cuộc chiến chống ma tuý, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu cải cách lao động. Nếu kế hoạch này được thông qua, đây sẽ là lần “đại tu” luật lao động lớn nhất ở Philippines kể từ năm 1989.

Xoá bỏ hợp đồng ngắn hạn

Chỉ trong vòng 4 năm, Ivan Rey Tan đã nhảy việc ở 7 chỗ làm, từ cửa hàng bán bánh rán đến cửa hàng bán các sản phẩm cho trẻ em, bởi tất cả các công ty chỉ thuê nhân công hợp đồng ngắn hạn để tiết kiệm chi phí. Tan không làm nơi nào quá 5 tháng. Tan chỉ là một trong 28 triệu người Philippines làm việc với hợp đồng ngắn hạn, chiếm tới 70% lực lượng lao động của quốc gia Đông Nam Á này.

Giờ đây, chính phủ của Tổng thống Duterte quyết định cấm sử dụng những hợp đồng ngắn hạn kiểu này, vì người lao động không được hưởng bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác. Chính phủ vẫn phải sửa đổi luật lao động, song Tổng thống Duterte đã cảnh báo người sử dụng lao động ngừng thuê nhân công bằng những hợp đồng ngắn hạn như vậy.

Mặc dù kế hoạch cải cách lao động của ông Duterte không tạo ra nhiều tranh cãi như cuộc chiến chống ma tuý, nhưng các nhà tuyển dụng đã bắt đầu chống đối kịch liệt. Họ nói rằng cắt những hợp đồng ngắn hạn đồng nghĩa với việc tăng thêm 30% chi phí cho doanh nghiệp, buộc họ phải thuê ít người làm hơn và khó thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng.

“Nếu nhà nước bắt tất cả các công ty phải thuê nhân công dài hạn vì chúng tôi sẽ đưa chính phủ ra toà” – Reuters dẫn lời ông Donald Dee, đứng đầu Liên đoàn giới chủ Philippines. “Không thể làm như vậy được. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, không có cái gọi là việc làm vĩnh viễn. Nếu họ thực sự muốn như vậy, sẽ chẳng có ai dại gì mà làm kinh doanh ở đây” – ông Dee cho hay.

Những người sử dụng lao động khác cho rằng, kế hoạch cải cách này có thể dẫn đến sự suy giảm tỉ lệ tăng trưởng, vốn đạt được 7% trong quý 2, nằm trong top cao nhất trên thế giới. Luật lao động của Philippines cho phép thuê nhân công để đáp ứng nhu cầu tại các mùa cao điểm.

Những hợp đồng này thường kéo dài chỉ 5 tháng, vì 6 tháng là phải ký hợp đồng dài hạn. Ông Duterte tuyên bố muốn cắt giảm việc làm theo kiểu hợp đồng này xuống một nửa từ nay đến cuối năm, và xoá bỏ hoàn toàn trong năm sau.

Hiện tại Quốc hội vẫn chưa thông qua những dự thảo luật về việc chấm dứt hợp đồng ngắn hạn. Nếu phê chuẩn, đây sẽ là lần cải tổ luật lao động lớn nhất của Philippines kể từ năm 1989.

Tuy nhiên, ông Duterte đã ra lệnh kiểm tra tất cả các doanh nghiệp ngay sau khi nhậm chức hôm 30.6, cảnh báo rằng doanh nghiệp nào vi phạm có thể sẽ bị đóng cửa. “Các vị không chỉ mất tiền mà còn mất cả quần. Các vị đang tạo ra một sự chia rẽ rất nghiêm trọng trong xã hội” – ông Duterte phát biểu hồi tháng 8.

Chi phí leo thang

Ông Edmund Tayao, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Santo Tomas cho rằng, ông Duterte trong thời gian tới sẽ thực sự mạnh tay. “Bất kể những gì tổng thống nói, nếu có những lựa chọn pháp lý cho các doanh nghiệp, thì có có lý do để chống lại. Nhưng tất nhiên, nếu làm kinh doanh và không muốn đau đầu thì nên cố gắng tuân thủ” – ông Tayao nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động Joel Maglunsod ước tính, hiện tại Philippines có đến 70% trong số 40 triệu lao động đang làm việc bằng hợp đồng ngắn hạn. “Người lao động không phải là một món hàng, một cỗ máy hay công cụ sản xuất. Chúng ta cần tôn trọng phẩm giá của họ” – nhà hoạt động về quyền lao động Maglunsod cho hay.

Ông cho biết, mặc dù chỉ mới 4 tháng kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền, gần 17.000 lao động hợp đồng ngắn hạn đã được nhận là lao động thường xuyên. Theo ông Maglunsod, chính phủ cũng thuê nhân viên hợp đồng và hơn 50% nhân viên nhà nước là hợp đồng ngắn hạn, và nếu muốn, chính phủ kinh phí để cho họ thành nhân viên dài hạn.

Theo chuyên gia kinh tế Rahul Bajoria của ngân hàng Barclays, kế hoạch cải cách lao động có thể làm tăng chi phí hoạt động trong một số ngành công nghiệp. Chuyên gia này cho rằng, để hạn chế thiệt hại tiềm năng về kinh tế, chính phủ có thể phạt tiền chứ không nên đóng cửa một số doanh nghiệp nhất định, vì đó là điều tiêu cực với nền kinh tế, khi người lao động trực tiếp bị mất việc.

Nhưng Tổng thống Duterte tái khẳng định, ông muốn xoá bỏ hợp đồng ngắn hạn, đồng thời cảnh báo tất cả các doanh nghiệp: “Nếu các vị không quan tâm đến người lao động, thì tôi cũng không thể quan tâm đến các vị”.

RELATED ARTICLES

Tin mới