Siêu hạm có hình dáng như trong phim viễn tưởng USS Zumwalt của Mỹ liệu có duy trì được sức mạnh hàng đầu khi tàu khu trục khủng Type 055 của Trung Quốc sắp được hoàn thành với kích thước và sức mạnh hỏa lực tương đương.
Siêu hạm USS Zumwalt của Mỹ (ảnh) có khả năng tàng hình mạnh nhất hiện nay
Hôm 15/10 vừa qua, Hải quân Mỹ chính thức tiếp nhận tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Zumwalt (DDG-1000) vào biên chế, sau quá trình phát triển dài hơi và vô cùng tốn kém.
Với chiều dài 182m và lượng giãn nước lên tới 14.500 tấn, USS Zumwalt là tàu đầu tiên trong số 3 tàu khu trục tấn công tàng hình, đồng thời cũng là tàu tác chiến mặt nước lớn nhất hiện nay của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, Zumwalt không thể giữ vị trí độc tôn về độ hoành tráng. Trong khi người Mỹ đang hào hứng hạ thủy siêu hạm này, ở bên kia bán cầu, tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải (Trung Quốc), Hải quân Trung Quốc cũng đang tích cực đóng tàu khu trục Type 055 của riêng mình, với lượng choán nước từ 12.000 – 14.000 tấn. Tàu cũng được cho là có chiều dài khoảng 160-180m, rộng khoảng 21-23m.
Quá trình đóng khu trục hạm Type 055 mới chỉ đi vào giai đoạn đầu, và nó sẽ chưa thể phục vụ cho Hải quân Trung Quốc trước năm 2018. Tuy nhiên, một khi đi vào hoạt động, Type 055 có thể là tàu tác chiến mặt nước lớn và mạnh nhất châu Á.
Về cấu trúc thượng tầng, tàu Type 055 cũng sẽ hỗ trợ các radar tối tân tương tự như SPY-1, một phần quan trọng trong hệ thống phòng không Aegis của Hải quân Mỹ. Tuy vậy, Zumwalt sẽ là lớp tàu tác chiến bề mặt lớn đầu tiên trong vòng 30 năm nay của Hải quân Mỹ không đi kèm Aegis.
Ảnh mô phỏng tàu khu trục Type 055 của Hải quân Trung Quốc |
Có thể tàu Type 055 sẽ không trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tàu Zumwalt. Thay vì tích hợp tàu Zumwalt và 2 tàu anh em khác cùng lớp vào lực lượng tàu sân bay chiến đấu, Hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai chúng đơn lẻ trong các nhiệm vụ gần đất liền.
Điều này có thể tận dụng lợi thế của thân tàu Zumwalt trong việc tàng hình khỏi radar của đối thủ, cũng như hệ thống pháo cỡ nòng 155mm – có tầm bắn tối thiểu 130km – để hỗ trợ các cuộc đổ bộ và nhiệm vụ đặc biệt khác.
Về mặt thiết kế và cấu trúc, tàu Zumwalt đã được cải tiến rất nhiều và nó có khả năng né sóng radar cực mạnh, hơn hẳn so với tàu Type 055. Khác với chiến hạm tới từ Trung Quốc, tàu Zumwalt gần như có thể di chuyển đơn độc tới sát bờ biển của đối phương mà không bị phát hiện.
Tuy nhiên, nếu Type 055 thực sự được dùng làm tàu hộ tống, nó sẽ đi sát một tàu sân bay, các tàu hộ tống khác và những tàu hậu cần. Tất cả những loại chiến hạm này đều không yêu cầu cao về khả năng tàng hình. Chính vì thế, việc thiết kế và xây dựng tàu Type 055 theo hướng hoạt động bí mật là không cần thiết.
So sánh thiết kế khác biệt của tàu Zumwalt (trên) với tàu khu trục lớp Arleigh Burke (theo kiểu truyền thống) |
Theo các báo cáo, tàu Type 055 sở hữu tới 128 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không và các loại đạn dược khác. Con số này nhiều hơn ít nhất 6 ống phóng so với tàu tác chiến mặt nước có nhiều vũ khí nhất của Hải quân Mỹ – tàu tuần dương lớp Ticonderoga.
Trong khi đó, tàu Zumwalt chỉ có 80 ống phóng, được đặt dọc theo các cạnh của thân tàu, với ý tưởng rằng các ống phóng tên lửa cũng có chức năng như “áo giáp”, làm giảm một phần sức mạnh của tên lửa hoặc pháo của đối phương. Khác với Zumwalt và giống hầu hết các loại chiến hạm còn lại, ống phóng của Type 055 hầu như đều tập trung ở cụm trung tâm.
Thiết kế của Zumwalt ưu tiên cho độ bền thay vì khả năng mang nhiều tên lửa. Ngược lại, tàu Type 055 vẫn đi theo nguyên tắc thiết kế truyền thống, tăng tối đa hỏa lực để đảm bảo khả năng phòng thủ.
Xét về nhiều mặt, tàu Type 055 mang tính cải tiến nhiều hơn là cách mạng. Hầu hết thiết kế và chức năng của con tàu chỉ được thay đổi chút ít so với truyền thống, và nó chú trọng tới việc gia tăng kích thước, lượng giãn nước là chủ yếu.
Tàu Type 055 có thiết kế không mấy khác biệt so với tàu Type 052 |
Zumwalt thì khác, nó thúc đẩy thiết kế của các tàu chiến tới một giới hạn khác, thậm chí có thể mở ra một hình thức tác chiến mới. Với Zumwalt, Hải quân Mỹ không cần mạo hiểm triển khai một lực lượng lớn tới gần bở biển của đối phương để bắn phá các mục tiêu trên đất liền, bởi tàu Zumwalt có thể một mình đảm đương nhiệm vụ này. Các tàu tác chiến mặt nước hiện nay quá dễ bị phát hiện, và sẽ dễ dàng làm mồi cho radar, tên lửa dẫn đường tối tân của đối phương.
Tàu Type 055 nhiều khả năng sẽ đóng vai trò hộ tống, bảo vệ các tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc. Nhiệm vụ này không khác với những gì các tàu tuần dương Aegis và tàu khu trục của Hải quân Mỹ – tổng số gần 100 chiếc – đang đảm nhiệm. Trong khi đó, tàu Zumwalt có thể hỗ trợ tác chiến gần bờ, một nhiệm vụ khó khăn mà chắc chắn tàu Type 055 không thể làm được.
Nói tóm lại, kích thước chỉ mang ý nghĩa đặc trưng. Dù có điểm chung là lượng giãn nước siêu lớn, chiến hạm Zumwalt của Mỹ vẫn vượt trội tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc về công nghệ cũng như chức năng vận hành.