Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTái cơ cấu kinh tế: Nguồn vốn lớn nhất là...con người

Tái cơ cấu kinh tế: Nguồn vốn lớn nhất là…con người

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Con người chính là nguồn vốn lớn nhất trong tái cơ cấu kinh tế.

Việt Nam có nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ (ảnh minh họa)

Tái cơ cấu tư duy

Phát biểu trước Quốc hội chiều 3/11, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tái cơ cấu kinh tế, việc đầu tiên không phải là tiền.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị phải coi trọng tối đa con người vì đây chính là nguồn vốn lớn nhất. “Sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người là ưu tiên số 1,” ông nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Tái cơ cấu thì phải tái cơ cấu tư duy, thay đổi tư duy, câu hỏi đầu tiên không phải tiền đâu, mà là thị trường ở đâu, sản phẩm gì, thế giới đang làm gì.

Câu hỏi thứ hai, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính là: người ở đâu? Câu hỏi thứ ba là: có biết làm chủ công nghệ, kỹ thuật không?

Vị đại biểu này cho rằng, tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam đứng trước thách thức nào cũng sẽ vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư và thứ năm lần lượt là: vốn ở đâu? đất ở đâu? Đáp án sẽ được đưa ra khi 3 câu hỏi trên đã có lời giải.

Tận dụng lợi thế lao động dồi dào

Đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, nguồn lao động của Việt Nam tăng lên đáng kể: từ 35 triệu lao động năm 1996 lên 54 triệu ở thời điểm hiện tại. Đây là tài sản quý giá và dự kiến đến 2035 có 68 triệu.

Theo ông Nhân, đây là lợi thế vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì sinh đẻ ít.

Để lao động ổn định thì mỗi phụ nữ trong đời phải đẻ 2 cháu, như ở Hàn Quốc đẻ 1,25 lần, Singapore đẻ 1,26, Nhật 1,4 lần… như vậy Việt Nam có lợi thế lao động trong 30 năm nữa, ông Nhân phân tích.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, 1 giờ lao động chế tạo máy ở Nhật gấp 29 lần, Singapore tốn 20 lần, Hàn Quốc 17 lần, Đài Loan 8 lần. Ông Nhân đặt câu hỏi tại sao Sam Sung vào Việt Nam và khẳng định vì tập đoàn này có công nghệ, vốn đầy đủ, chỉ thiếu lao động.

Điều đáng nói, công nhân Việt Nam đứng trước máy dệt, máy tiện so với người nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương, tức năng suất sản phẩm không thua các nước khác, nhưng tính năng suất bằng tiền bao giờ cũng thấp hơn vì năng suất bằng tiền có thu nhập của chủ doanh nghiệp và nhà máy, lương của lao động thấp hơn hàng chục lần so với lao động các nước, ông Nhân nêu vấn đề.

Vì sao nông dân vẫn nghèo?

Đại biểu này cũng đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta trồng lúa, trồng điều, nuôi cá năng suất cao nhất thế giới nhưng nông dân Việt Nam vẫn nghèo? Do đó, cần phải phân biệt kỹ năng của lao động và đặc điểm cấu trúc sản xuất của Việt Nam.

tai co cau kinh te nguon von lon nhat la con nguoi hinh 4
Nông dân Việt Nam vẫn nghèo (ảnh minh họa)

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra thực tế rằng nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, tiền đã có nhưng sau đó vẫn phá sản. Như dự án gang thép Thái Nguyên vốn ban đầu 3.600 tỉ đồng, sau nâng lên 8.000 tỉ nhưng rồi vẫn không hoạt động, vẫn không hiệu quả. “Tái cơ cấu bắt đầu không phải từ câu hỏi tiền ở đâu mà là thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu, đất đâu”, ông Nhân lưu ý.

Theo ông Nhân, việc không xác định được sản phẩm, thị trường và thiếu sự phối hợp trong tạo ra chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ khiến Việt Nam không có được sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới