Friday, May 3, 2024
Trang chủBiển nóngASEAN chịu thiệt nhất trong cuộc chơi của Tổng thống Duterte?

ASEAN chịu thiệt nhất trong cuộc chơi của Tổng thống Duterte?

Những tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ Mỹ nhưng lại tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đang ảnh hưởng lớn tới chính sách “trục châu Á” và khiến ASEAN gặp nhiều bất lợi.

Khi đang trên hành trình tới Bắc Kinh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố “chia tay” Mỹ và “cân nhắc đi theo hệ tư tưởng của Trung Quốc”. Tuyên bố này cho thấy Trung Quốc đã giành phần thắng trước Mỹ trong tiến trình mở rộng tầm ảnh hưởng với Philippines. Tuy nhiên, chuyện thắng thua giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến lôi kéo sự ủng hộ của Tổng thống Duterte tới nay vẫn chưa được phân định rõ ràng khi nhà lãnh đạo Philippines đưa ra hàng loạt tuyên bố trái chiều. 

Cụ thể, khi trở về nước sau chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc, Tổng thống Duterte lại khẳng định không cắt đứt các mối quan hệ với Mỹ mà chỉ tìm cách thực thi một chính sách đối ngoại độc lập hơn. Còn khi lên máy bay để tới Nhật Bản, ông Duterte một lần nữa nhấn mạnh quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines vẫn “tồn tại” và “không có gì phải lo lắng về sự thay đổi của mối quan hệ này”.

Theo tạp chí National Interest, nhà phân tích Graeme Dobell tại Viện chính sách chiến lược Australia (ASPI ) cho rằng những tuyên bố ban đầu của ông Duterte được xem là “thảm họa” đối với chiến lược “trục châu Á” của Mỹ tuy nhiên thay vì là Mỹ, dường như người phải chịu thua thiệt nhất sau những tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Duterte chính là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã không ít lần đối mặt với nguy cơ tan vỡ nhưng tới nay nó vẫn tồn tại. Vào năm 1991, Mỹ đã buộc phải đóng cửa một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của nước này ở vịnh Subic. Vào thời điểm này, việc đóng cửa căn cứ vịnh Subic được xem như một thảm họa chiến lược với Mỹ. Nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ phải đóng cửa căn cứ Subic là do sự phản đối của Thượng viện Philippines. Thậm chí vào thời điểm đó, Thượng viện Philippines còn không tán thành việc cho Mỹ thuê các căn cứ quân sự mới tại nước này. Do đó, nếu Tổng thống Duterte muốn thay đổi quan hệ với Mỹ, nhà lãnh đạo Philippines sẽ cần phải thuyết phục Quốc hội và nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở Manila. 

Điều đáng nói là quan hệ liên minh Mỹ – Philippines vẫn tồn tại dù Washington không còn được sử dụng căn cứ Subic. Thay vào đó, chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực của Mỹ được thực hiện theo ý tưởng “cần vị trí chứ không phải căn cứ”. Và Singapore đang từng bước thay thế vị trí của Philippines trong tầm nhìn của Mỹ. Quan trọng hơn, nếu ông Duterte phá vỡ chiến lược “trục châu Á”, toàn bộ các nước Đông Nam Á sẽ không còn nằm trong chiếc ô bảo vệ của Mỹ. 

Tuy nhiên, Mỹ cũng đang nhận được những “lợi ích tức thì” từ đường lối hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông mà Tổng thống Duterte thi hành. Trong khi cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh Trung Quốc với Hitler đồng thời gửi đơn kiện lên Tòa trọng tài quốc tế liên quan tới những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, thì Tổng thống Duterte lại có thái độ mềm mỏng hơn đồng thời đưa ra phương án tiến hành thảo luận để giải quyết tranh chấp. Thái độ quyết liệt của cựu Tổng thống Aquino đã buộc Mỹ cân nhắc về khả năng phải can thiệp vào cuộc xung đột giữa Manila và Bắc Kinh. Thậm chí, mối quan hệ đồng minh sẽ còn buộc Mỹ phải ra tay dù Philippines đưa ra những tính toán sai lầm. 

Quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines có thể được mô tả là “pháo đài thép” song giờ đây Tổng thống Duterte lại đang phá hủy sự vững chắc của mối quan hệ này. Nhưng dù Tổng thống Duterte có làm gì thì Mỹ cũng có phương án đối phó. Song đối với ASEAN, tuyên bố xích lại gần Trung Quốc của ông Duterte cho thấy nhà lãnh đạo Philippines đã phá vỡ nguyên tắc hoạt động chủ chốt của ASEAN là “để phải lựa chọn sẽ là thất bại”. 

Tiêu chí hoạt động của ASEAN được hình thành từ hàng thập niên xoay quanh chuyển động của Mỹ và Trung Quốc. Những biến động không ngừng của hai cường quốc này đã đưa ra cho ASEAN nhiều phương án lựa chọn cả về mặt ngoại giao và chiến lược. Tuy nhiên, ASEAN đã chọn cách đứng ở giữa và điều phối sự tương tác trong khu vực thông qua các tổ chức mà nhóm này thành lập như hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), hội nghị khu vực ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng như xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng lớn mạnh và gia tăng tầm ảnh hưởng. 

Lý giải về định hướng hoạt động của ASEAN giữa tầm ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, ông Bilahari Kausikan, đại sứ lưu động kiêm cố vấn chính sách tại Bộ Ngoại giao Singapor cho rằng ASEAN nên tránh đưa ra lựa chọn gây ác cảm cho một trong hai bên mà nên đưa ra phương án mang tính xây dựng và có thể đoán trước được.

RELATED ARTICLES

Tin mới